Hơn 700 tỉ đồng tu bổ di tích tại TPHCM từ năm 2021 đến nay

05/12/2024 - 18:43

PNO - Đây là thông tin trong họp báo cung cấp thông tin kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM vào chiều 5/12.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công tu bổ đình Chí Hoà vào tháng 3/2023
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công tu bổ đình Chí Hòa vào tháng 3/2023 - Ảnh: Nguyễn Hà

Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM cho biết hiện TP có 193 di tích được xếp hạng, hơn 130 công trình được các sở ngành và UBND cấp huyện thống nhất đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Tất cả đều được bảo tồn (bảo vệ) theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.

Có 2 nguồn vốn được sử dụng trong việc này. Ngân sách sử dụng cho các di tích thuộc sở hữu nhà nước, di tích không có nguồn thu, không có nguồn vốn xã hội hóa. Nguồn vốn xã hội hóa sử dụng cho các di tích có nguồn thu, nguồn vốn xã hội hóa được các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích vận động bố trí.

Từ năm 2021 đến nay, nguồn ngân sách bố trí cho hoạt động này hơn 700 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 600 tỉ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2025-2030, sở sẽ tham mưu tu bổ, phục hồi di tích từ nguồn ngân sách nhiều công trình hơn giai đoạn 2021-2025.

Cột, rường của đình Chí Hoà xuống cấp, được gia cố bằng các khung sắt trước khi được tu bổ (Ảnh: Nguyễn Hà)
Cột, rường của đình Chí Hòa xuống cấp, được gia cố bằng các khung sắt trước khi được tu bổ - Ảnh: Nguyễn Hà

Di tích Lò gốm Hưng Lợi nay đã xuống cấp, sụp đổ phần lò phía trên, chỉ còn nền móng công trình. Việc trùng tu, tôn tạo di tích này bị chậm do việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp, khiếu nại kéo dài. Trung tâm Bảo tồn di tích TP (đơn vị dự kiến được giao làm chủ đầu tư) đang lập phương án, khái toán tổng mức đầu tư để đề xuất bố trí nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công; dự kiến tu bổ, phục hồi trong giai đoạn 2026-2030. UBND quận 8 cơ bản đã xây dựng xong tường rào bảo vệ di tích đối với diện tích đất thuộc sở hữu nhà nước, tăng cường công tác an ninh để di tích không bị lấn chiếm, xâm hại.

Di tích Lò gốm Hưng Lợi toạ lạc tại quận 8 (ảnh: UBND quận 8)
Di tích Lò gốm Hưng Lợi tọa lạc tại quận 8 - Ảnh: UBND quận 8

Di tích Lăng Trương Tấn Bửu hiện nấm mộ, bình phong, thành mộ đã bong tróc, nứt một số nơi. Hoa văn vẽ trang trí bình phong hậu bị xuống cấp theo thời gian. Do đó, việc trùng tu phải nghiên cứu phù hợp với kiến trúc, chất liệu nhằm đảm bảo được nét cổ kính của di tích mộ cổ. UBND quận Phú Nhuận (ban quản lý di tích) từ năm 2020 đến nay chưa có đề xuất tu bổ, phục hồi về sở. Sở VH-TT phối hợp với các đơn vị liên quan trao đổi với UBND quận Phú Nhuận về tu bổ, phục hồi di tích này.

Có thông tin phản ánh hiện các di tích quốc gia một số nơi như Lăng Trương Tấn Bửu không cho người dân vào tham quan. Khi chụp ảnh, tham quan thì bị yêu cầu phải có giấy phép của Phòng VH-TT.

Sở VH-TT cho biết có 1 gia đình đang sinh sống, trông coi di tích từ trước năm 1975. Do đó, việc tiếp cận tham quan, tìm hiểu có khó khăn hơn các di tích khác. Trên địa bàn TP hiện không có quy định cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân đến tham quan di tích. Phòng VH-TT có hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân đến tham quan tìm hiểu tại di tích trên địa bàn khi có yêu cầu. Sở VH-TT sẽ trao đổi với UBND quận Phú Nhuận, Phòng VH-TT quận Phú Nhuận đối với phản ánh trên.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI