Hơn 100 triệu người trên thế giới phải tản cư để sinh tồn

24/05/2022 - 09:25

PNO - Hôm 23/5, Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố báo cáo cho biết, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy số người phải di dời cưỡng bức trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết: “Do cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc xung đột chết người khác, số người buộc phải chạy trốn khỏi xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền và ngược đãi đã lần đầu tiên vượt cột mốc đáng kinh ngạc - 100 triệu người".

Con số "đáng báo động" là hồi chuông cảnh tỉnh thế giới về việc chấm dứt các cuộc xung đột, vốn đang buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

UNHCR cho biết số người phải di dời cưỡng bức - tản cư đã tăng lên 90 triệu vào cuối năm 2021 do bạo lực ở Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Kể từ tháng 2/2022, 14 triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa để tản cư và tị nạn
Kể từ tháng 2/2022, 14 triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa để tản cư và tị nạn

"Lời cảnh tỉnh"

Giám đốc UNHCR Filippo Grandi cho biết: "100 triệu là con số đáng kinh ngạc, đáng báo động và đáng buồn. Đó là một kỷ lục đáng lẽ không bao giờ được thiết lập.

Đây phải là hồi chuông cảnh tỉnh để giải quyết và ngăn chặn các cuộc xung đột phá hoại, chấm dứt sự phân biệt và giải quyết những nguyên nhân cơ bản buộc những người vô tội phải rời bỏ nhà cửa của họ".

Con số 100 triệu chiếm hơn 1% dân số toàn cầu, và chỉ có 13 quốc gia có dân số lớn hơn số người phải di dời cưỡng bức trên thế giới.

Con số trên là sự kết hợp của số người tị nạn, người xin tị nạn, cũng như hơn 50 triệu người phải di tản trong đất nước của họ. UNHCR sẽ phác thảo toàn bộ dữ liệu về việc di dời cưỡng bức năm 2021 trong Báo cáo Xu hướng toàn cầu hàng năm của mình, dự kiến công bố vào ngày 16/6.

"Lòng nhân ái vẫn còn sống và chúng ta cần điều đó cho tất cả các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới. Nhưng cuối cùng, viện trợ nhân đạo chỉ là một biện pháp giảm nhẹ, không phải là một phương pháp chữa trị.

Để đảo ngược xu hướng này, câu trả lời duy nhất là hòa bình và ổn định để những người vô tội không phải đánh cược khi lựa chọn sống trong nguy hiểm ở quê nhà và cuộc sống lưu vong đầy bấp bênh", ông Grandi nói.

Thiên tai và chiến tranh là hai nguyên nhân hàng đầu khiến người dân rời bỏ nhà cửa để sinh tồn
Thiên tai và chiến tranh là hai nguyên nhân hàng đầu khiến người dân rời bỏ nhà cửa để sinh tồn

Tình hình tồi tệ nhất trong lịch sử

Hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ít nhất 20 quốc gia vẫn từ chối tiếp cận tị nạn cho những người chạy trốn xung đột, bạo lực và ngược đãi dựa trên các chính sách ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Grandi kêu gọi các quốc gia đó dỡ bỏ bất kỳ hạn chế tị nạn nào còn lại liên quan đến đại dịch, ông nói rằng chúng trái với quyền cơ bản của con người.

Một báo cáo chung vào tuần trước của Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội bộ (IDMC) và Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) cho biết có khoảng 38 triệu trường hợp di dời nội bộ mới được báo cáo vào năm 2021. Một số trong đó là do những người buộc phải bỏ chạy khỏi nơi cư trú nhiều lần trong năm.

Con số này đánh dấu số người di dời mới hàng năm cao thứ hai trong một thập kỷ sau năm 2020 - thời điểm chứng kiến ​​sự di chuyển kỷ lục do một loạt các thảm họa thiên nhiên.

Năm 2021, số lượng người di cư mới trong nội bộ quốc gia, cụ thể là do xung đột đã tăng lên 14,4 triệu người (tăng 50% so với năm 2020).

Thiên tai tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các trường hợp di dân nội bộ, thúc đẩy 23,7 triệu lượt người di chuyển vào năm 2021.

Tấn Vĩ (theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI