Hội trăng chưa trọn vẹn của Thu Phương

11/10/2016 - 11:07

PNO - Hội trăng làm người nghe cảm thấy không thỏa mãn bởi sự vội vàng, thiếu độ tinh tế của một giọng hát đã ở mức chín muồi. Cách hát của Thu Phương nức nở thái quá về mặt hình thức, chưa thật sự tĩnh lặng.

Với chất giọng alto nữ sáng và trong chứ không mang nhiều chất trầm, Thu Phương thể hiện nhiều thể loại từ nhạc rock, rap, ballad… hát từ nhạc Việt êm dịu đến nhạc ngoại sôi động nhưng ít “đụng” vào phân khúc dân gian. Thời gian sau ở hải ngoại, cô chạm một chút đến mảng này.

Cách đây ba năm, Thu Phương kết hợp cùng Ngọc Anh (thành viên cũ của nhóm 3A) trong liên khúc Ả đào gồm hai bài hát Một thoáng Tây Hồ và Chiều phủ Tây Hồ tại một chương trình ghi hình DVD ở hải ngoại được khán giả mong chờ. Kể từ đó, khi xuất hiện lại trong nước, cô thường chọn những ca khúc pop có màu dân gian để thể hiện.

Đây là thể nghiệm mới trong sự nghiệp của Thu Phương, nhưng khó có thể nói cô hát hay và thành công. Vì đa phần các ca khúc Phương hát là cover (hát lại) những bản hit đình đám của các tên tuổi cùng thời. Cô không có bài mới hoặc bài mới thì không quá hay để có thể đọng lại trong lòng người nghe.

Thu Phương vừa phát hành album Hội trăng đánh dấu chặng đường 30 năm ca hát. CD gồm những bài dân ca và pop mang màu sắc dân gian như: Trống cơm, Cây đa quán dốc, Về ăn cơm, Con cò, Ôi quê tôi… cùng hai ca khúc mới Together Việt Nam và Thương.

Album được thu âm và hoàn thiện (nhạc sĩ Dương Trường Giang làm giám đốc âm nhạc và hòa âm cùng Phạm Hải Âu, Cao Nhật Trung, Minh Hoàng…) trong vỏn vẹn 19 ngày nên còn nhiều điểm chưa tốt.

Hoi trang chua tron ven cua Thu Phuong

Điểm đáng tiếc đầu tiên là bài hay thì đã quá cũ, Phương hát không vượt qua được những tên tuổi ngày trước, còn bài mới thì lại nhạt. Phần hòa âm lấy chất liệu dân gian để khai thác, phát triển lên bằng nhạc electronica nhưng cách làm của Hội trăng chưa mới cũng không đặc sắc. Các bản phối chưa ấn tượng, ngoại trừ cách dùng tiếng trống quân hành dồn dập trên nền nhạc điện tử và phần bè của tốp nam trong Mái đình làng biển.

Nghe album, thấy “mùi” pop nhiều hơn dân gian, bởi điều cơ bản là chất giọng Thu Phương không có sự biến báo, uyển chuyển cần thiết để hát dân ca. Đặc biệt với ca trù, giọng cô hơi trơ, trơn tuột và thiếu sự nảy hột cần thiết. Về tổng thể, đây giống như một collection (tuyển tập) những bản thu riêng lẻ của Phương hơn là một album có ý tưởng chủ đạo, dù ý tưởng tìm về nguồn cội, về hội làng Bắc bộ khá hay nhưng chưa rõ nét.

Hội trăng làm người nghe cảm thấy không thỏa mãn bởi sự vội vàng, thiếu độ tinh tế của một giọng hát đã ở mức chín muồi. Cách hát của Thu Phương ở giai đoạn sau này nức nở thái quá về mặt hình thức, chưa thật sự tĩnh lặng. Các bài hát trong album, kể cả những bản mashup làm người nghe có cảm giác khá lộn xộn.

Hơi tiếc cho sự trở lại của một giọng hát hay, càng tiếc nuối hơn khi đây là album đánh dấu sự trở lại chính thức của Thu Phương với thị trường trong nước sau album cuối cùng - Như chưa bắt đầu mà cô phát hành 15 năm trước.

Nguyễn An Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI