Chợ truyền thống Brunei – Một lát cắt thú vị của đời sống

16/05/2025 - 08:23

PNO - Khi đến bất kỳ điểm du lịch nào, tôi luôn tìm đến chợ. Với Brunei- quốc gia giàu có bậc nhất Đông Nam Á, tôi tò mò không biết chợ sẽ khác gì.

Tôi luôn xem chợ truyền thống là nơi không chỉ bày bán sản vật địa phương, mà còn là “sân khấu” thể hiện sinh động nhất nếp sống và con người bản địa. Mỗi khu chợ, theo cách riêng của nó, đều kể một câu chuyện văn hóa gần gũi, chân thực và đậm bản sắc, như một lát cắt đời sống Brunei.

Điều làm tôi bất ngờ là dù giàu có, Brunei vẫn giữ được bản sắc truyền thống một cách mạnh mẽ. Ngoài ngôi làng cổ Kampong Ayer hàng trăm năm tuổi, các khu chợ tại đây vẫn giản dị, mộc mạc, không xô bồ, thậm chí là… yên bình đến khó tin.

Trong cái vẻ hiện đại lặng lẽ ấy là một không gian sạch sẽ, trật tự, thư thái, nơi hương thơm món ăn lan tỏa, thực phẩm đa dạng, người bán thân thiện và hiếu khách.

Byócw vào chợ là một không gian đầy hương vị và sắc màu. Ảnh: Trinh Huỳnh
Bước vào chợ là một không gian đầy hương vị và sắc màu. Ảnh: Trinh Huỳnh

Lạc vào chợ đêm Gadong

Tôi ghé chợ đêm Gadong, khu chợ sôi động và nổi tiếng bậc nhất thủ đô Bandar Seri Begawan, trong một buổi tối nồng nàn mùi đồ chiên nướng.

Ẩm thực Brunei là sự giao thoa giữa vị cay nồng của Ấn Độ và hương vị đậm đà của Malaysia. Nhưng chính trong sự đa dạng ấy, tôi lại tìm thấy những điều rất gần gũi, đặc biệt là khi chạm mắt đến những chiếc bánh chuối chiên vàng ruộm. Món ăn quen thuộc ấy bỗng trở nên mới lạ: chuối được cắt lát nhỏ, chiên vừa tới, thơm ngọt nhưng không ngấy, lớp bột áo giòn tan nhưng không quá dày, vừa đủ để vị chuối chín ngọt lan tỏa trong miệng. Món ăn tưởng chừng đơn giản ấy đã đồng hành với tôi trong nhiều bữa tráng miệng ở Brunei.

Không xa lạ với người Việt, nhưng món bánh chuối ở Brunei mang một hương vị rất riêng. Ảnh: Trinh Huỳnh
Không xa lạ với người Việt, nhưng món bánh chuối ở Brunei mang một hương vị rất riêng. Ảnh: Trinh Huỳnh

Không chỉ có chuối chiên, chợ Gadong còn là thiên đường của bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh bò, bánh quy, bánh dừa, bánh ống… Những chiếc bánh xinh xắn, giá chỉ khoảng 1 đô la Brunei (tương đương 19.000–20.000 VND), được bán theo set/2-4 cái (tùy loại), như mời gọi tôi thử hết một lượt.

Các loại bánh truyền thống đa dạng và nhiều màu sắc. Ảnh: Trinh Huỳnh
Các loại bánh truyền thống đa dạng và nhiều màu sắc. Ảnh: Trinh Huỳnh

Tamu Kianggeh – Hơi thở của thực phẩm bản địa

Rời chợ Gadong, tôi tiếp tục hành trình khám phá ẩm thực địa phương tại Tamu Kianggeh – khu chợ thực phẩm truyền thống nằm ven dòng sông Kianggeh thơ mộng.

Chợ Tamu Kianggeh là nơi quy tụ đầy đủ những gì đặc trưng nhất của Brunei: rau củ tươi xanh, trái cây nhiệt đới, cá và hải sản tươi rói, gia vị bản địa, thực phẩm khô, và đặc biệt là các loại dược liệu quý mà người Brunei vẫn dùng trong y học dân gian.

Niuw bày bán đủy loại thục phẩm và dược liệu. Ảnh: Trinh Huỳnh.
Nơi bày bán đủ các loại thực phẩm và dược liệu. Ảnh: Trinh Huỳnh.

Nếu từng đặt chân tới Vườn quốc gia Temburong, bạn sẽ không lạ gì với các loại cây thuốc quý. Tại chợ Kianggeh, bạn có thể mua: Tongkat Ali (mật nhân) - loại cây có vị đắng, nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe nam giới; Misai Kucing (râu mèo) có công dụng giúp lợi tiểu, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, sỏi thận, tiểu đường; Kacip Fatimah là loại thảo dược nổi tiếng dành cho phụ nữ, giúp điều hòa kinh nguyệt, chống lão hóa; hay Tengkawan - loại cây cho nhựa và dầu có tính kháng viêm, thường được dùng để điều trị các bệnh ngoài da.

Ngoài dược liệu, Tamu Kianggeh còn quyến rũ với sắc màu trái cây địa phương: măng cụt, sầu riêng, dứa, ổi, chôm chôm… đều được bày bán thành từng dĩa nhỏ, xếp gọn gàng, bắt mắt trên các mẹt tre hoặc khay nhựa màu sắc tươi tắn. Nhìn từ xa, gian hàng nào cũng như một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực rực rỡ, tạo cảm giác sạch sẽ, tươi ngon và dễ chọn lựa.

Loại sầu riêng đặc trưng ở Brunei. Ảnh: Trinh Huỳnh.
Loại sầu riêng đặc trưng ở Brunei. Ảnh: Trinh Huỳnh.

Các loại trái cây được bày biện trông đẹp mắt. Ảnh: Trinh Huỳnh.
Các loại trái cây được bày biện trông đẹp mắt. Ảnh: Trinh Huỳnh.

Sự khéo léo trong cách trình bày không chỉ khiến trái cây trở nên hấp dẫn hơn mà còn thể hiện tính cách ngăn nắp, cẩn thận và mến khách của người dân Brunei. Với du khách, đây là dịp vừa để nếm thử hương vị bản địa vừa để ngắm nhìn một nét văn hóa thị giác thú vị nơi chợ truyền thống.

Tongkat Ali (cây gỗ dài) và nhiều dược liệu được bày bán tại chợ. Ảnh: Trinh Huỳnh)
Tongkat Ali (cây gỗ dài) và nhiều dược liệu được bày bán tại chợ. Ảnh: Trinh Huỳnh)

Chợ hoạt động từ 7g sáng đến 12g trưa, sôi động nhất vào cuối tuần với nhiều gian hàng và hoạt động dân gian đặc sắc. Đây không chỉ là nơi buôn bán, mà còn là không gian văn hóa, nơi người dân địa phương và du khách gặp gỡ, trò chuyện, kết nối.

Chợ đêm Gadong lẫn Tamu Kianggeh đều không hào nhoáng, không quá đông đúc, nhưng lại mang đến một trải nghiệm đậm chất Brunei: gần gũi, dễ mến và đáng nhớ. Ẩn trong sự giản dị và yên bình ấy là nét văn hóa truyền thống được gìn giữ qua từng món ăn, từng nụ cười, từng ánh mắt thân thiện của người dân bản địa.

Vũ Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI