Học sinh đi học lại áp lực lên nhà trường và giáo viên

14/02/2020 - 08:01

PNO - TP.HCM dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2. Trong khi đó, nhiều phụ huynh kêu gọi cho con nghỉ học. Nhà trường sẽ đối mặt với hai thái cực này như thế nào?

Không thể phủ nhận, mối quan tâm hiện tại của chúng ta không gì ngoài Covid-19. Câu hỏi “hot trend” nhất hiện nay chính là có nên cho học sinh đi học trở lại? 

Nếu học sinh đi học lại vào ngày 17/2, để kiểm soát dịch bệnh thì trách nhiệm của giáo viên và nhà trường rất nặng. Hồi hộp, lo lắng là trạng thái của hầu hết hiệu trưởng, nhà quản lý trường học trước thời điểm chuẩn bị đón học sinh - chuyện tưởng dễ như cơm bữa với các nhà giáo dục nhưng ở thời điểm này đó là cả một sự cân não với “thập diện mai phục”. 

Các trường đã làm vệ sinh, sát khuẩn nhưng phụ huynh vẫn chưa yên tâm. Ảnh: Phùng Huy
Các trường đã làm vệ sinh, sát khuẩn nhưng phụ huynh vẫn chưa yên tâm. Ảnh: Phùng Huy

Đã trải qua bao mùa đón trẻ đến trường nhưng thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh thừa nhận vẫn rất băn khoăn: “Học sinh chuẩn bị vào học sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết mà chưa thấy “ở trên” ý kiến thế nào. Đó là học sinh đi học có bắt buộc phải mang khẩu trang không? Cần có chỉ thị dứt khoát chứ không thể nửa vời “khuyến khích đeo khẩu trang”.

Nếu cần thì những học sinh không mua được khẩu trang sẽ giải quyết thế nào. Với hơn một triệu học sinh TP.HCM, bình quân một ngày cần gần ba triệu khẩu trang. Liệu ngành giáo dục có đảm bảo cung cấp được số lượng khẩu trang đó ít nhất trong 14 ngày không? Đồng thời, số lượng nước rửa tay sát khuẩn khoảng 10.000 lít (mỗi em dùng bình quân 50ml)”. 

Theo ông Thịnh, không ai có thể đeo khẩu trang liên tục từ 7-17g. Người lớn không thể thì học sinh, trẻ nhỏ càng không thể. Quần áo các em mặc suốt ngày, đụng chạm va quệt vào nhau, làm thế nào để đảm bảo an toàn không lây lan các dịch ho, đàm, nước mũi, nước miếng… vào quần áo của nhau.

Nếu lỡ có một học sinh bị cúm liệu phụ huynh có an tâm? Chưa kể, học sinh bán trú phát sinh thêm tấm đắp và nệm nằm, có cần phải vệ sinh diệt trùng mỗi ngày không?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, khuyên không nên để học sinh ngồi quá sát nhau, nên cách từ 1m trở lên nhưng thử hỏi lớp học như ở TP.HCM và Hà Nội đông trên dưới 50 học sinh thì ngồi học cách nhau 1m kiểu gì? 

Các giáo viên đã “bật ngửa” khi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giáo viên ngoài dạy học phải chú ý quan sát để phát hiện dấu hiệu học sinh bị nghi nhiễm Covid-19 như sốt, ho, khó thở để cách ly ngay học sinh đó… là quá sức giáo viên. Bởi vì công việc trên lớp không hề ít, chưa kể giáo viên không đủ kiến thức chuyên môn để phát hiện ra triệu chứng nếu như gặp ca ủ bệnh lâu.

Cô giáo hướng dẫn học sinh cách rửa tay
Cô giáo hướng dẫn học sinh cách rửa tay phòng dịch

Một hiệu trưởng trường mầm non tư thục ở Q.7 cho biết rất lo lắng trong những ngày sắp tới. “Y như đánh trận, nếu lỡ xảy ra một trường hợp nghi nhiễm là phải cách ly cả lớp, có khi cả trường. Còn lỡ có ca nhiễm thật thì hậu quả khôn lường.

Vì sao? Trường học là môi trường dễ lây bệnh nhất bởi ở đó tập trung đông người, luôn có sự giao tiếp hai chiều trong cự ly gần. Nhất là trẻ mầm non, các con đi vệ sinh, cô còn phải hỗ trợ rửa ráy thì ngừa bằng cách nào khi mà thời gian ủ bệnh có thể lên đến 14 ngày”. 

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: trường sẽ nhập học lại vào ngày 17/2 nếu như TP.HCM quyết định cho học sinh, sinh viên đi học. Nghỉ vì dịch sẽ không biết nghỉ đến bao giờ nhưng đi học cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, sinh viên đến từ nhiều tỉnh khác nhau, rất căng thẳng để nắm hết lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc với người có nghi nhiễm hay không… 

Cùng chung tâm trạng lo lắng, ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, cho biết: trường ở địa bàn Q.5, học sinh chủ yếu người Hoa nên tết hay du lịch, thăm nom họ hàng ở Trung Quốc. Thời gian qua, trường cũng kịp thời nắm thông tin học sinh và thân nhân đi du lịch. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng học sinh, phụ huynh giấu thông tin vì sợ phiền phức. 

Việc học là cả đời sao phải gấp? Có lẽ nhà trường hay ngành giáo dục cũng chẳng muốn gấp để “ôm” gánh nặng và rủi ro. Bởi, có rất nhiều phụ huynh kiên trì với quan điểm cho con đi học thời điểm này là nguy hiểm, nhưng cũng không ít phụ huynh khó xử kiểu: con nghỉ học hoài thì cha mẹ đi làm kiểu gì? Trong tình hình này, nhà quản lý buộc phải lựa chọn. Chỉ mong, sự lựa chọn ấy phải đặt sức khỏe và lợi ích của người học lên hàng tối thượng. 

Tiêu Hà

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Võ Thanh Bình 14-02-2020 14:36:39

    Không nên cho các cháu đi học ở thời điểm này chỉ vì thành tích, mong các vị có thẩm quyền nên tâm tư

  • Tư Cà Mau 14-02-2020 08:26:27

    Định cho con đi học nhưng nghe mấy vị lãnh đạo ngành phát biểu xong thì muốn cho nghỉ ngay. Con mình chứ đâu phải chuột bạch mà để mấy ông làm thí nghiệm. Khi đưa con tới trường thì khỏe mạnh rồi từ đó trở đi con mình bị lây nhiễm rồi bị cách ly rồi mãi mãi không còn gặp được con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI