Học phổ thông, tốt nghiệp hệ bổ túc

09/11/2013 - 08:00

PNO - PN - Những ngày qua, nhiều học sinh của Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) năm học 2012-2013 rất bức xúc khi cầm trên tay giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hệ giáo dục thường xuyên(GDTX). Một số phụ huynh khẳng định, không...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc pho thong, tot nghiep he bo tuc
 

Nhận bằng và... sốc

Chị Tr.T.K.Nga, phụ huynh học sinh (PHHS) em B.Tr.Minh Phúc (lớp 12A4, năm học 2012-2013) bức xúc: "Khi Phúc dự thi tốt nghiệp và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời của TTGDTX, tôi không khỏi đau lòng. Tôi đã cố gắng để đăng ký cho con mình học THPT ở trường Hồng Hà đến hơn 3,5 triệu đồng/tháng (bán trú), chưa kể tiền khảo bài, tăng tiết phụ đạo gần một triệu. Giữa năm học, trường có gợi ý tôi làm đơn chuyển cháu qua học bổ túc nhưng tôi không đồng ý. Thế nhưng, con tôi vẫn bị chuyển từ lớp 12A4 sang 12A10...”.

“Thầy cô nói em ở tỉnh lên, tiếng Anh còn yếu nên chuyển qua học lớp 12A10, nếu điểm kiểm tra tăng thì được chuyển về lớp cũ nhưng khi điểm em đạt trên trung bình vẫn không được chuyển về. Thầy nói đã chuyển là chuyển luôn, không cho về lớp cũ”, Minh Phúc nói.

Trường hợp của em B.T.X.Mai cũng bị ép vào thế đã rồi. Chị Tuyết Hạnh, PHHS em Mai cho biết: trường chỉ nghỉ hè khoảng nửa tháng, bắt đầu vào năm học mới rất sớm nhưng đến gần giữa năm học thì bắt làm đơn chuyển sang học bổ túc. Do không biết nhiều và thấy trường có hệ bổ túc nên chúng tôi cứ nghĩ là học lớp dành cho những em học trung bình trở xuống nên đồng ý. Ai ngờ đó là lần chuyển sang học TT GDTX Q.3 và một đi không trở lại. Trong lớp này có gần 30 cháu như con tôi. Trường trưng bảng quảng cáo 100% HS đậu tốt nghiệp nên phải đẩy những em có nguy cơ không đảm bảo thành tích này sang trường khác rất nhẫn tâm. Càng khó hiểu hơn là dù chuyển sang học GDTX nhưng con chúng tôi vẫn học ở trường Hồng Hà, không được hưởng mức học phí của GDTX mà phải đóng học phí gần 2,5 triệu đồng/tháng và gần một triệu đồng/tháng tiền tăng tiết của Trường Hồng Hà. Trường vừa muốn có thành tích tốt vừa không muốn mất tiền là kiểu làm giáo dục gì đây?

Hoc pho thong, tot nghiep he bo tuc

Hoc pho thong, tot nghiep he bo tuc

Học sinh đóng học phí ở trường THCS-THPT Hồng Hà nhưng có giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) của GDTX Q.3

Trường hưởng lợi, người học thiệt

Khi chúng tôi liên lạc với bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà để tìm hiểu về vấn đề này, bà cho biết đang bận việc gia đình, đề nghị sẽ trả lời cụ thể vào đầu tuần sau. Tuy nhiên, trao đổi sơ bộ qua điện thoại, bà Sa khẳng định PH phản ánh không đúng. Đầu năm học, có nhiều PH xin chuyển con qua học GDTX nhưng trường thấy tiếc nên giữ lại những em học khá không cho chuyển. Những trường hợp chuyển đều được PH đồng ý. Vì quyền lợi HS nên trường vẫn tổ chức cho những em này học tại trường, học phí do TTGDTX thu, trường chỉ thu tiền tăng tiết phụ đạo, dò bài… Thế nhưng, những biên lai đóng học phí của PH đã cho thấy điều ngược lại vì hầu hết biên lai học phí và tiền tăng tiết đều của trường Hồng Hà, cao hơn nhiều so với học phí hệ bổ túc.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Sở đã ghi nhận vấn đề này khi cũng trong năm học 2012-2013, Trường THCS-THPT Hồng Hà có tổ chức liên kết với TTGDTX Q.Gò Vấp. Kết quả của việc làm sai này là giám đốc TTGDTX Q.Gò Vấp bị xử lý kỷ luật và yêu cầu trường Hồng Hà ngưng ngay hình thức này. TTGDTX Q.3 làm tốt hơn, HS học theo hình thức này đều đậu tốt nghiệp. Đến năm học này, trường sẽ không thực hiện như vậy nữa. Theo giải thích của lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hồng Hà cũng giống như một phân hiệu bổ túc. Việc các em là học viên của TTGDTX nhưng vẫn học ở trường, được học tăng tiết rất nhiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm học trước, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho phép một số trường THPT như: Nguyễn Trung Trực, dân lập Hồng Hà (Q.Gò Vấp), Trần Phú (Q.Tân Phú)... mở lớp hệ bổ túc văn hóa. Mục đích của việc “đặc cách” này là do HS tại những khu vực này rất đông, trong khi cơ sở vật chất của các TTGDTX còn thiếu thốn nên để đáp ứng chỗ học cho HS hệ GDTX, Sở cho phép một số trường phổ thông mở lớp bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, quy định trên đã có kẽ hở khi PHHS không đồng ý mà con em họ vẫn bị chuyển sang hệ GDTX, nhận bằng tốt nghiệp GDTX trong khi họ phải gánh mức học phí cao. Nếu HS đã chuyển đi thì phải tuân thủ quy định của cơ sở giáo dục mới; đằng này các em vẫn đóng học phí và sinh hoạt ở trường Hồng Hà lại có hồ sơ học tập ở GDTX Q.3 mà các cơ quan quản lý GD-ĐT không hay biết. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT không hề có quy định nào cho phép hình thức liên kết lạ lùng này. Cách chạy theo bệnh thành tích này chỉ có nhà trường, ngành GD-ĐT được lợi với những “con số đẹp”. Tuy bằng cấp của hai hệ này có giá trị như nhau, nhưng không PH hay HS nào đồng ý chuyện mình bỏ tiền học hệ phổ thông lại được nhận bằng của hệ bổ túc.

 TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI