Hoang mang với truyện cổ tích

12/04/2015 - 20:06

PNO - PN - Thêm một cuốn truyện cổ tích vừa bị Cục xuất bản, In và Phát hành ra quyết định đình chỉ phát hành vì có in truyện với ngôn từ dung tục. Chưa lúc nào truyện cổ tích liên tục có nhiều vấn đề đến mức báo động như lúc này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoang mang voi truyen co tich

Chi tiết sọ người gây tranh cãi trong truyện cổ tích Sọ Dừa

Cổ tích kiểu gì?

Cuốn sách vừa bị đình bản là Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Hải Phòng) với truyện Thỏ trắng và hổ xám có nhiều chi tiết chửi bậy, thô tục kiểu: “Mẹ mày con thỏ!”, “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d… hổ. Hổ đau quá la oai oái”. Trước đó, hàng loạt cuốn truyện cổ tích bị lên án: truyện Thạch Sanh có chi tiết mẹ cởi quần nhường cho con, Thánh Gióng đánh giặc xong về nhà ăn bữa cơm, nhảy xuống Hồ Tây tắm sau đó mới ôm vết thương bay về trời, truyện Sọ dừa biến thành sọ người với hình ảnh minh họa, miêu tả rùng rợn…

Liên tiếp những cuốn truyện cổ tích cho trẻ nhỏ “biến dạng” khiến phụ huynh hoang mang, dư luận bất mãn. Đáng nói là hầu hết những cuốn sách vừa nêu đã nằm trên giá sách hàng mấy năm trời, nếu độc giả không phát hiện thì những câu chuyện ấy vẫn sẽ tiếp tục gieo vào đầu trẻ thơ.

Truyện cổ tích bao đời nay luôn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, dạy cho trẻ nhỏ những giá trị tốt đẹp mà ông bà ta đã đúc kết, truyền lại. Nhưng truyện cổ tích ngày nay biến tướng với nhiều dị bản, đưa vào nhiều ngôn từ dung tục, cách làm sách cẩu thả, in lậu… khiến cho kho truyện cổ tích dân gian Việt Nam cứ tiềm ẩn những con sâu độc hại.

Một phụ huynh cho biết khi mua cho con cuốn Truyện cổ tích Việt Nam (NXB Hồng Đức) có in truyện Sọ dừa, khi xem đến đoạn người mẹ uống nước trong sọ người kèm ảnh minh họa rùng rợn, đứa con nhỏ đã mang sách chạy đến nói “bố ơi, ma nè sợ chưa?”.

Trong một buổi giao lưu về sách dành cho thiếu nhi mới đây, ông Cao Xuân Sơn - Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM đã phải giải thích cho băn khoăn của một em nhỏ với hoang mang về truyện cổ tích Thạch Sanh có chi tiết mẹ nhường quần cho con, chằn tinh bị Thạch Sanh “đánh phọt óc”… Rõ ràng, báo chí truyền thông đã đăng tải nhiều thông tin về cuốn sách này trước đó, nhưng trẻ nhỏ vẫn không thể an tâm hơn trước những giải thích về những dị bản.

“Bộ truyện cổ tích Việt Nam do NXB Kim Đồng tái bản từ bản sách đã xuất bản cách đây 15 năm. Đó là sơ suất của chúng tôi nhưng cũng khó trách được khi bản in đầu tiên đã được lưu hành bình thường trên thị trường. Sự an toàn đó cũng khiến chúng tôi tin vào chất lượng đã được thẩm định của cuốn sách” - ông Cao Xuân Sơn bày tỏ.

Hoang mang voi truyen co tich

Truyện cổ tích Việt Nam có in truyện Thỏ trắng và hổ xám sử dụng ngôn từ dung tục vừa bị đình chỉ phát hành

Cổ tích có nhiều dị bản, người trưởng thành có thể tiếp cận được với bất kỳ dị bản nào nhưng với trẻ nhỏ đó là điều cần phải cân nhắc. Thực tế, với những cuốn sách từng bị lên án “truyện cổ tích khiêu dâm” như cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú (từng bị đình bản, thu hồi trước đây), chi tiết được cho là khiêu dâm gói gọn trong một vài dòng của trang sách bị chỉ trích nhưng nếu đặt trong bối cảnh của một câu chuyện, chi tiết đó hoàn toàn bình thường. Điều bất thường nằm ở chỗ đó là cuốn sách dành cho thiếu nhi.

Nói như thế để thấy rằng việc chọn lọc dị bản phù hợp để in vào sách là điều vô cùng cần thiết. Truyện cổ tích Tấm Cám một thế hệ từng học trong sách giáo khoa có chi tiết không kém phần rùng rợn, phản cảm: Tấm trả thù bằng cách lừa Cám vào hố, dội nước sôi và lấy thịt Cám làm mắm gửi về cho mẹ ghẻ. Sau này chi tiết ấy đã được sửa đổi có tính giáo dục hơn. Câu chuyện sọ người cũng không sai, tuy nhiên lại không phù hợp khi chọn in kèm hình ảnh minh họa rùng rợn cùng từ ngữ dễ sợ với trẻ em như “quái thai”, “đem chôn sống”…

Phát hiện đến đâu, xử lý đến đó

Hầu hết những cuốn truyện cổ tích dung tục, phản cảm gần đây đều do phụ huynh phát hiện, chụp ảnh đăng tải lên facebook rồi lan truyền trên mạng xã hội, báo mạng. Sau đó cơ quan quản lý mới vào cuộc. Điều này cho thấy Cục xuất bản không thể quán xuyến kiểm duyệt được hết những nguồn sách được cấp phép phát hàng, NXB cũng lực bất tòng tâm nếu bị mạo danh giấy phép.

Theo trình bày của lãnh đạo phía NXB Hải Phòng (đơn vị được cho là đã cấp phép in cuốn Truyện cổ tích Việt Nam, có truyện Thỏ trắng và hổ xám), thì NXB không hề cấp phép xuất bản cho cuốn sách này. Phía NXB Hồng Đức cũng khẳng định đơn vị bị mạo danh trong trường hợp cuốn Truyện cổ tích Việt Nam có chi tiết Sọ Dừa gây tranh cãi. Riêng NXB Kim Đồng với tinh thần cầu thị đã gửi có công văn gửi các đơn vị báo chí sẽ thẩm định và chỉnh sửa dị bản không phù hợp.

Hoang mang voi truyen co tich

Liên tiếp nhiều cuốn truyện cổ tích bị phụ huynh phản ánh gần đây

Những cuốn sách bị phát hiện, lên án đã được xử lý theo các phương án: chỉnh sửa, đình bản, thu hồi tiêu hủy, phạt hành chính. Nhưng đó cũng chỉ là cách giải quyết khi sự đã rồi mà chưa chắc đã đủ tính răn đe (mức phạt 45 triệu đồng vụ "Sọ dừa - sọ người" vốn không thấm vào đâu nếu tính theo lợi nhuận của đơn vị làm sách lậu).

Không riêng truyện cổ tích, các loại sách nhảm nhí, độc hại khác cũng vậy, rất nhiều lần trong tình trạng độc giả phát hiện đến đâu, cơ quan quản lý xuất bản sẽ xử lý đến đó. Điều này thật khiến dư luận hoang mang, nhất là đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ trước rừng sách thiếu nhi rất khó xác định đâu là chất lượng vàng thau.

SONG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI