Họa sĩ Phạm Công Tâm: “Mỗi hẻm phố đều có riêng những câu chuyện”

07/02/2022 - 07:26

PNO - Họa sĩ Phạm Công Tâm là anh trai của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận. Anh đã gắn bó với Sài Gòn gần trọn cuộc đời, nhưng phải đến tuổi ngoài 60, anh mới thực hiện dự án sách tranh về Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ký họa từ Sài Gòn đến Đà Lạt

Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa (Phương Nam Books và Nhà xuất bản Thế Giới vừa ấn hành) là tác phẩm sách tranh và ký họa thứ hai của họa sĩ Phạm Công Tâm, sau cuốn Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Cả hai tác phẩm đều được họa sĩ dày công đầu tư, từ việc rong ruổi nhìn ngắm những ngõ ngách quen thuộc của Sài Gòn, đến sống chậm với người dân phố núi. 
 

Họa sĩ Phạm Công Tâm ra mắt sách tranh khi đã ở tuổi ngoài 60
Họa sĩ Phạm Công Tâm ra mắt sách tranh khi đã ở tuổi ngoài 60

“Ban đầu tôi không có ý định vẽ và viết sách về Sài Gòn hay Đà Lạt. Cũng như nhiều họa sĩ khác, tôi chỉ tập trung vào các triển lãm nghệ thuật, các sáng tác cũng đa dạng với nhiều chủ đề khác nhau. Nhưng em tôi khuyên nên tập hợp các bức tranh vẽ hai thành phố này lại, và xuất bản để mọi người cùng thưởng lãm. Tôi nghĩ ra sách có tính phổ thông hơn, và cũng là những món quà nhỏ ý nghĩa để tặng bạn bè” - họa sĩ Phạm Công Tâm bày tỏ.

Khi đặt hai cuốn sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa bên cạnh nhau, độc giả không chỉ được dạo bước qua hai thành phố với những bức tranh đẹp, mà còn được cung cấp rất nhiều thông tin tư liệu chi tiết về mỗi cảnh quan, di tích, giá trị văn hóa - lịch sử của từng địa điểm. Nếu Đà Lạt hiện lên lung linh mờ ảo trong sương, với những con dốc, những loài hoa phố núi… thì Sài Gòn, ngoài những danh thắng, di tích, những góc đường quen thuộc, còn có những món ăn, sinh hoạt mưu sinh của người dân trên phố.

Để thực hiện được một cuốn sách tranh công phu về Sài Gòn mà anh nói “chỉ là ít nhiều chấm phá từ những chuyến rong ruổi”, người họa sĩ ấy đã dành nhiều năm quan sát, nhìn ngắm từng con đường, từng góc phố. Mỗi khung cảnh trong tranh là sự đồng hiện giữa ký ức và hiện tại. Anh kể với người đọc về lịch sử tên đường, những đổi thay của phố xưa, kỷ niệm mà tuổi thơ và thuở học trò anh từng có. Dù chỉ là những mảnh ghép ký ức gửi gắm theo những bức tranh, Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn cho người đọc hình dung về Sài Gòn của những năm thập niên 1960-1990.

Các tác phẩm sách tranh và ký họa về  Sài Gòn và Đà Lạt của họa sĩ Phạm Công Tâm
Các tác phẩm sách tranh và ký họa về Sài Gòn và Đà Lạt của họa sĩ Phạm Công Tâm

“Tôi không có trí nhớ tốt, Sài Gòn lại thay đổi từng ngày, và ký ức hơi lộn xộn của tôi khó hệ thống lại những hình ảnh quá khứ. Điều không mờ phai đi, có chăng là tình cảm với thành phố đã cho mình cuộc sống, kiến thức, những giá trị văn hóa làm nên cuộc sống và con người mình. Cũng từng có lần tôi nghĩ, hay mình vẽ lại từng chặng đường phát triển của thành phố. Nhưng khi bắt tay làm thì thấy quá sức mình và không đủ tư liệu. Thôi đành tạm gác chờ có cơ hội thuận tiện hơn…” - họa sĩ Phạm Công Tâm chia sẻ về lý do vì sao anh đã không chọn thực hiện một dự án sách tranh về Sài Gòn trong ký ức. 

Vẽ để nhìn lại thành phố quê hương”

Trong những tác phẩm của mình, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã kể với người đọc rất nhiều câu chuyện về gia đình, ký ức tuổi thơ, Sài Gòn xưa… Còn họa sĩ Phạm Công Tâm, anh không kể nhiều, mà cho người đọc nhìn ngắm những bức tranh bình yên vẽ khu phố nơi gia đình anh sinh sống ở quận Phú Nhuận, ngõ hẻm vào nhà, hẻm đi chợ Ga, lối vào chợ Lò Đúc...

“Đường vào chợ Ga Phú Nhuận, còn gọi là chợ Di Cư, được lập ra từ năm 1954 cho cộng đồng người Bắc vừa di cư vào Nam. Trước năm 1954, nơi đây là bãi đất trống có trồng nhiều cây dương. Mẹ tôi buôn bán tạp hóa trong khu chợ này từ năm 1954 đến năm 1988. Đứng trước lối vào chợ, tôi nhớ bà rất nhiều” - trang viết của họa sĩ Phạm Công Tâm bên cạnh những bức vẽ chợ Lò Đúc, chợ Ga. Anh vẫn kiệm lời như vậy. Câu chữ ngắn gọn tưởng chừng nhẹ tênh, nhưng đủ cho một khoảng lặng trước hình ảnh một đứa con - đã già - đứng trước chợ và nhớ mẹ.

“Ở tuổi 60, anh tái khám phá thành phố. Cuộc sống của anh quá gắn bó miền đất này, nên tôi tin, tranh của anh không chỉ ghi nhận hiện thực, mà còn gửi gắm trong đó những cảm xúc anh có về thành phố” - nhà văn Phạm Công Luận nhìn nhận về tác phẩm của anh trai. Cả hai người, một bằng văn chương và một bằng hội họa, đã cùng tái hiện Sài Gòn xưa và nay với nhiều chiều kích và cũng thật nhiều cảm xúc. 
“Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa, kiến trúc, con người mà tôi nghĩ rằng, hội họa hay văn chương có thể vẫn chưa khai thác hết.

Những con hẻm của thành phố vốn có những câu chuyện của nó, những ngôi chợ với lịch sử để lại, nhất là Chợ Lớn - nơi ẩn tàng giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa. Chính điều này đã mê hoặc tôi, khiến tôi luôn muốn vẽ và viết về” - họa sĩ Phạm Công Tâm tâm tình.

Với Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn, họa sĩ Phạm Công Tâm lưu giữ lại những hình ảnh của Sài Gòn hôm nay lồng ghép cùng những hồi ức xưa, anh vẽ như để được một lần “nhìn lại thành phố quê hương”. Còn với Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa, anh như kẻ lãng du đi tìm lại vẻ đẹp ban sơ của phố núi. Mà ở nơi nào anh cũng chọn cách lang thang rong ruổi, nhìn ngắm, hòa mình vào đời sống cùng người dân để cảm nhận và thấu hiểu. Họa sĩ không hứa trước rằng sẽ tiếp tục thực hiện những dự án sách tranh về văn hóa các vùng miền. Anh bảo mình đã lớn tuổi, sức làm việc cũng đã giảm đi nhiều theo thời gian. “Nhưng tôi vẫn yêu công việc mình đang làm, và sẽ làm tiếp nếu sức khỏe cho phép” - anh nói.

Họa sĩ Phạm Công Tâm thực hiện sách tranh khá muộn so với nhiều họa sĩ khác, nhưng anh đã cho độc giả liên tục được thưởng lãm những bức tranh và ký họa màu nước được thực hiện công phu, mà theo nhận định của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận, đó là những hình ảnh “trong suốt và nhẹ nhàng, như có ánh sáng đi qua”.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI