Cấp bách hành động vì an ninh nguồn nước - Bài cuối:

Hiến kế để bảo vệ nguồn nước tốt hơn

16/09/2022 - 10:04

PNO - An ninh nguồn nước ở khu vực phía Nam đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, công trình thủy điện ở thượng nguồn… Dưới đây là những đề xuất, hiến kế của các nhà quản lý, nhà khoa học cho vấn đề này.

 

Chất lượng nước của các dòng sông ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân  (trong ảnh: Người đánh bắt cá trên sông Mê Kông đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang  cho biết lượng cá tôm ngày càng giảm)
Chất lượng nước của các dòng sông ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân (trong ảnh: Người đánh bắt cá trên sông Mê Kông đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang cho biết lượng cá tôm ngày càng giảm)

An ninh nguồn nước là vấn đề toàn cầu 

Hiện nay, nguồn nước đang là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề phát triển, bảo tồn, tái tạo nguồn nước. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đã được Bộ Chính trị kết luận thông qua vào ngày 23/6/2022. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Mới đây nhất, chúng tôi đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Heineken Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác bảo tồn nguồn nước ở các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam. Chương trình này hướng tới mục tiêu bảo tồn 30 tỷ lít nước/năm cho hoạt động sản xuất và hoạt động nhân sinh ở lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Tiền.

Tôi cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan hữu quan và người dân, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Giữ rừng để bảo vệ nguồn nước

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Hệ sinh thái rừng tự nhiên đầu nguồn ở đây cực kỳ quan trọng, có chức năng điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn của miền Đông Nam bộ.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa và thách thức lớn của nhân loại, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, tàn phá các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước. Để giữ vững và khai thác tài nguyên nước bền vững, những năm qua, chúng tôi đã phát huy việc bảo vệ rừng, làm giàu rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai.

Đây là tài sản vô giá của nhân loại, của quốc gia và là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi mong các tổ chức, người dân cùng chung tay, chung sức gìn giữ hệ sinh thái rừng đầu nguồn của khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để bảo tồn nguồn nước một cách bền vững, phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Lê Văn Gọi
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai

Xây dựng hệ thống tham chiếu cho sông Sài Gòn - Đồng Nai

Nguồn nước của lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai gắn với sự sống của hơn 10 triệu người ở TPHCM. Những nghiên cứu, khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, chất lượng nước ở đây đã dần suy giảm do biến đổi khí hậu (mặn xâm nhập), do nạn xả thải, lấn chiếm. 

Tôi cho rằng, chính quyền TPHCM nên dành thêm kinh phí để thực hiện các nghiên cứu khoa học liên quan đến lưu vực sông này, từ đó xây dựng một hệ thống tham chiếu làm công cụ đánh giá môi trường cho sông Sài Gòn - Đồng Nai. 

Đây là một công trình có thể tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng khi có hệ thống tham chiếu, các chuyên gia sẽ dựa vào đó để đánh giá mức độ ô nhiễm, sức khỏe sinh thái của từng khu vực cụ thể để có giải pháp phù hợp ngăn chặn nạn ô nhiễm cho nguồn nước. Chỉ có như vậy mới bảo đảm một nguồn nước an toàn, bền vững cho TPHCM.

Kỹ sư sinh học Đỗ Thị Bích Lộc, cựu cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới

Đầu tư, cải tạo hệ thống cấp nước sạch

Để giải quyết bài toán cấp nước trong bối cảnh dân số tăng nhanh, ngành cấp nước của TPHCM đã đầu tư thêm một số nhà máy cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, sự đầu tư nói trên là chưa tương xứng với tốc độ gia tăng dân số.

Hệ thống cấp nước ở TPHCM còn khá nhiều điều đáng lo ngại. Theo tôi, ngành chức năng của TPHCM cần nhanh chóng xây dựng các hồ chứa nước thô dự trữ và các trạm bơm trung gian để giúp thành phố ứng phó được trong trường hợp nước thô bị nhiễm mặn mà không đẩy mặn kịp hoặc khi gặp các sự cố môi trường. Cần tính toán phương án dự trữ nước nhiều gấp 3-4 lần so với hiện nay. 

Hiện nay, đường ống dẫn nước của TPHCM đang quá dài nên áp lực nước và khả năng khử khuẩn phía cuối đường ống kém đi. Trước đây, nhiều chuyên gia đã hiến kế, TPHCM nên chuyển hệ thống đường ống dẫn nước từ mạng vòng sang mạng xương cá, giúp duy trì áp lực nước đều, đảm bảo trữ nước. TPHCM năng động, hiện đại, đông dân nên việc đầu tư mạng lưới cấp nước hiện đại, có tính bền vững là điều cần làm.

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường 

Thay đổi thói quen của cộng đồng để bảo tồn nguồn nước

Việt Nam đang bị coi là quốc gia có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do việc đắp đập ở thượng nguồn. Thêm vào đó, việc khai thác quá mức tài nguyên nước, rừng và đất, việc quản lý chưa hiệu quả các nguồn thải, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tài nguyên nước tại đây bị suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng.

Hiện nay, chúng tôi đang cùng các đơn vị, tổ chức khác tham gia khá nhiều hoạt động nhằm bảo tồn nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước. Chúng tôi đưa ra giải pháp kỹ thuật để phục hồi và bảo tồn nguồn nước, trong đó có việc trồng rừng ở khu vực đầu nguồn. Việc trồng rừng sẽ làm tăng độ che phủ, giảm bốc hơi, tăng thẩm thấu nước ngầm, giữ nước. Hơn nữa, việc giữ được rừng cũng giúp giữ được đa dạng sinh học và nhiều thứ khác.

Chúng tôi sẽ tác động, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào việc bảo tồn nguồn nước. Ví dụ, chúng tôi đang đào tạo cho cộng đồng dân cư ở vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để họ cùng nhau thay đổi thói quen sinh hoạt và sản xuất (giảm dùng phân bón, thuốc hóa học) để giảm tác động đến nguồn nước hồ Trị An, sông Đồng Nai, cùng nhau trồng và giữ rừng.

Ông Hoàng Việt

Quản lý chương trình nước, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam

Tăng hợp tác quốc tế để bảo vệ nguồn nước 

Từ năm 2008 đến nay, sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam được quan trắc sức khỏe sinh thái hai năm/lần. Chương trình này do Ủy hội sông Mê Kông thực hiện. Theo tôi, cần quan trắc chất lượng môi trường nước sông Mê Kông hằng năm, với tần suất hai đợt/năm để có cái nhìn tổng thể hơn về chất lượng nước vào mùa mưa và mùa khô, từ đó có những dự báo, cảnh báo phù hợp.

Dòng Mê Kông chảy qua nhiều quốc gia. Do đó, cần có nhiều chương trình hợp tác đa quốc gia để chia sẻ dữ liệu, số liệu và cùng thực hiện các giải pháp để bảo tồn nguồn nước. Ngoài ra, Việt Nam và các quốc gia khác cũng cần nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa và cơ sở dữ liệu dùng chung toàn lưu vực, đảm bảo sử dụng nước công bằng, hợp lý giữa các quốc gia ven sông; nghiên cứu chung về các nguyên nhân gây ra hạn hán, lũ lụt trên lưu vực, làm cơ sở đề xuất các giải pháp.

Các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần có kế hoạch để ứng phó với sự biến đổi nguồn nước từ thượng nguồn, có kế hoạch bảo tồn và tích trữ nước, tăng cường nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường và sử dụng nước tiết kiệm. 

Ông Huỳnh Vũ Ngọc Quý

Trưởng bộ môn sinh thái và tài nguyên môi trường, Viện Kỹ thuật biển

 Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI