Hệ lụy từ việc “dây dưa” trong xử lý vi phạm xây dựng

09/03/2021 - 06:10

PNO - Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM đã giảm rõ rệt kể từ khi Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019. So với trước đó, bình quân số vụ vi phạm đã giảm 8,5 vụ/ngày. Nhưng ở một số nơi, do tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không được xử lý nghiêm, đã để lại nhiều hệ lụy kéo dài.

Chuyện ở hẻm số 14

Tháng 11/2019, người dân ở hẻm 14 Trịnh Hoài Đức (P.Hiệp Phú, Q.9 - nay là TP. Thủ Đức) phát hiện công trình xây dựng tại số 14/8 của hẻm xây lấn chiếm đường đi và gọi điện báo cho chính quyền địa phương. Vào ngày 4/12/2019, cán bộ địa chính phường đến địa chỉ nói trên để ghi nhận vụ việc. Nhưng rồi việc xây dựng lấn chiếm vẫn diễn ra.

Công trình xây dựng lấn hẻm số 14 Trịnh Hoài Đức khiến người dân bức xúc
Công trình xây dựng lấn hẻm số 14 Trịnh Hoài Đức khiến người dân bức xúc

Đến ngày 17/12/2019, UBND P.Hiệp Phú đã mời các hộ dân ở hẻm 14 lên làm việc và lập Biên bản hòa giải, nhưng công trình xây dựng lấn chiếm hẻm vẫn tiếp tục mọc lên trước sự bức xúc của dân. 

Ông Phạm Văn Cam, ngụ hẻm 14 Trịnh Hoài Đức, cho biết, ông đang giữ một bản vẽ thể hiện hẻm 14 rộng 4m, được cơ quan có thẩm quyền đo vẽ vào năm 2011. Và bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ có một căn nhà xây tường rào và một dãy nhà trọ khác ở đầu hẻm nằm “thòi” ra ngoài hẻm.

Người dân địa phương cho biết, việc lấn chiếm hẻm đã làm cản trở việc đi lại của bà con cũng như khó khăn trong việc thoát hiểm nếu xảy ra cháy nổ. “Chỉ cần nhà số 14/8 đậu một chiếc ô tô phía trước là chúng tôi qua lại rất khó. Chính vì điều này nên bà con trong hẻm rất bức xúc, nhiều lần nộp đơn phản ánh”, ông Cam nói.

Sau rất nhiều lần phản ánh của người dân, tháng 9/2020 UBND Q.9 mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tháng 10/2020 ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm xây dựng 14/8 Trịnh Hoài Đức.

Cứ tưởng mọi chuyện như thế đã xong, nhưng ngày 16/12/2020, UBND P.Hiệp Phú lại có thư mời tổ trưởng tổ dân phố và trưởng khu phố 1 (nơi có công trình vi phạm xây dựng) đến họp để “lấy ý kiến đơn cứu xét xin tồn tại công trình xây dựng” đối với công trình nói trên. Điều lạ là cuộc họp không mời những người dân bị ảnh hưởng bởi công trình vi phạm xây dựng. Vì thế người dân càng bức xúc.

“Phải chi ban đầu, khi chúng tôi báo tin, chính quyền ra tay xử lý triệt để thì đâu có chuyện lằng nhằng như bây giờ. Để công trình vi phạm mọc lên rồi mới xử phạt, sau đó lại lấy ý kiến xin tồn tại!” - một người dân bức xúc.

Đối với công trình nhà trọ số 14 Trịnh Hoài Đức ở đầu hẻm, UBND P.Hiệp Phú cho rằng, công trình xây dựng đúng phép. Đối với phần diện tích đất trong lộ giới có kích thước ngang 0,8m chỉ là bục bệ xi măng cao 0,2m, không có xây dựng trên phần đất này.

Ông Phạm Văn Cam chia sẻ: “Tôi kiến nghị trả lại phần đất hẻm. Rõ ràng công trình số 14/8 là vi phạm xây dựng đã có quyết định cưỡng chế buộc trả lại hiện trạng, còn công trình nhà trọ có xây bục xi măng ngang 0,8m, cao 0,2m làm cản trở đường đi nhưng UBND phường không nêu hướng xử lý thế nào”.

Trong văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, UBND P.Hiệp Phú cho rằng ngày 23/11/2020, chủ công trình vi phạm xây dựng số 14/8 đã nộp phạt vi phạm hành chính và nộp đơn cứu xét về việc được tồn tại công trình xây dựng hàng rào, khung sắt để bảo vệ tài sản, cũng như bảo vệ hai con nhỏ hay chạy ra đường xe cộ qua lại nguy hiểm đến tính mạng của các bé. Đồng thời, có cam kết sẽ tự tháo dỡ công trình khi Nhà nước có chủ trương mở rộng hẻm.

“UBND phường đã tổ chức họp và báo cáo UBND quận về kết quả lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, HĐND phường, tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố đối với hoàn cảnh chủ công trình nêu trong đơn cứu xét và đang chờ ý kiến của UBND quận”, văn bản của UBND P.Hiệp Phú nêu.

Người dân đang rất hoang mang về cách xử lý công trình vi phạm xây dựng của UBND P.Hiệp Phú, Q.9. Họ cũng không thể biết là công trình vi phạm có bị xử lý hay không. Dân lo lắng, nếu công trình vi phạm xây dựng được “cứu xét”, được du di, thì rồi sẽ có nhiều công trình xây dựng khác cũng sẽ vi phạm và xin được “cứu xét”, du di; nếu để một công trình lấn lộ giới hẻm một bậc tam cấp thì sau này sẽ có những công trình lấn ra hẻm 2-3 bậc tam cấp. Lúc ấy chính quyền sẽ giải quyết ra sao? Đó là chưa kể đường đi lối lại sẽ bị “thụt thò”, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở việc lưu thông của dân và vi phạm trật tự xây dựng đô thị cũng sẽ chẳng thể vãn hồi.

Nhiều hệ lụy 

Ngày 7/1, lực lượng chức năng gồm công an, các ban ngành đoàn thể của P.An Lạc, Q.Bình Tân đã đến khu đất sát bên nhà 67/4/27/66 Nguyễn Quý Yêm để hỗ trợ gia đình ông Trần Chí Tâm tiếp tục thi công xây dựng nhà theo giấy phép đã được cấp. Vấn đề này đã được Chủ tịch UBND Q.Bình Tân chỉ đạo tổ chức cuộc họp tiếp công dân ngày 21/11/2020. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn không thể diễn ra do gặp phải sự ngăn cản của nhà số 67/4/27/66.

Vụ việc bắt nguồn từ nhiều năm trước, khi căn nhà số 67/4/27/66 do bà Đoàn Thị Hồng Diễm làm chủ sở hữu trổ cửa trái phép ra phần đất của ông Trần Chí Tâm. Và giờ đây, khi gia đình ông Tâm xây nhà thì bà Diễm đã “làm khó” trở lại. Đồng thời, bà Diễm cũng có đơn phản ánh công trình nhà của ông Tâm xây dựng lấn chiếm vỉa hè. 

Điều đáng nói là việc trổ cửa của bà Diễm ra phần đất của ông Tâm đã được cơ quan chức năng xác định là “không đúng quy định”, còn việc bà Diễm phản ánh gia đình ông Tâm “xây dựng lấn chiếm vỉa hè công cộng” thì Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản trả lời rất rõ ràng rằng, công trình xây dựng này phù hợp với bản vẽ kèm theo giấy phép xây dựng.

Do đó, việc phản ánh của bà Diễm là không có cơ sở. Vụ việc kéo dài khiến công trình nhà của ông Tâm bị đình trệ, phải xin giấy phép xây dựng mới, vì giấy cũ đã hết hạn. Trong khi đó, cánh cửa trổ trái phép của nhà bà Diễm thì vẫn ngang nhiên tồn tại. Chuyện nằm ở chỗ, “nếu ngay từ đầu, lúc bà Diễm trổ cửa trái phép, chính quyền địa phương phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết thì sẽ không có chuyện mấy năm nay tôi phải khốn khổ”, ông Tâm nói.

Tháng 8/2020, UBND xã Vĩnh Lộc A đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng đất trước khi vi phạm đối với công trình xây dựng có diện tích 56m2, quy mô một trệt, một lầu tại một phần thửa đất số 1154, tờ bản đồ số 2, xã Vĩnh Lộc A đối với bà Võ Thị Hồng.

Quyết định cũng yêu cầu việc thực hiện khắc phục hậu quả trong 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Thế nhưng, đã hơn bốn tháng trôi qua, căn nhà xây trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại.

Nguyên nhân là sau khi xây dựng nhà không phép, bà Hồng đã bán căn nhà trên cho một người khác. Hiện tại, các tố cáo liên quan đến chủ quyền thửa đất đang được Công an TPHCM giải quyết theo đơn tố cáo của người được cho là chủ đất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc: tại sao ngay khi công trình xây dựng không phép mọc lên, chính quyền địa phương đã không phát hiện và xử lý? Để đến khi căn nhà không phép được “sang tay” thì việc xử lý trở nên vô cùng nan giải. 

Nhiều công trình xây dựng không phép lấn hành lang sông, kênh, rạch

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Thanh tra Sở GTVT và nhiều quận, huyện liên quan đến các công trình xây dựng không phép lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch.

Theo đó, trong tháng 1/2021, Sở GTVT nhận được báo cáo của đơn vị chức năng về công trình xây dựng không phép lấn sông tại vị trí Km09+500, bờ trái sông Tắc thuộc P.Long Phước, Q.9 với quy mô đổ đá hộc chiều dài dọc sông khoảng 100m, sát mép bờ hiện hữu. Một công trình không phép khác xảy ra tại Km01+200, bờ trái sông Tắc Ông Nghĩa thuộc H.Cần Giờ với quy mô đóng cừ dừa gia cố bờ và đổ sàn bê tông cốt thép, với chiều dài khoảng 100m, lấn ra so với bờ sông hiện hữu 5m.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy, đến nay, TPHCM vẫn còn 75 trường hợp xây dựng không phép lấn hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, 38 trường hợp ở tuyến địa phương, 27 trường hợp ở tuyến quốc gia, 10 trường hợp ở tuyến hàng hải. Sở GTVT đề nghị Sở Xây dựng và các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các công trình không phép nêu trên.

Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI