Hành trình xúc động của nhà báo ở cánh đồng chết

05/07/2021 - 07:18

PNO - Qua góc nhìn của các phóng viên chiến trường, The Killing Fields là một trong những bộ phim nổi bật nhất về đề tài Khmer Đỏ.

Dù chế độ Khmer Đỏ đã lùi vào dĩ vãng, những câu chuyện về sự tàn ác của chúng luôn được công chúng quan tâm. Đã có nhiều tác phẩm về chủ đề này, trong đó đáng chú ý là bộ phim The Killing Fields (Cánh đồng chết). Ra mắt vào năm 1984, tác phẩm của đạo diễn Roland Joffé gây ấn tượng mạnh khi vén màn tội ác của Khmer Đỏ. Điểm đặc biệt của bộ phim là được kể qua góc nhìn của hai nhà báo trực tiếp hoạt động ở Campuchia vào thập niên 1970. Phim đã kết hợp hài hòa việc tái hiện lịch sử, nêu bật chủ nghĩa nhân văn giữa thời đại đen tối đồng thời ca ngợi hình tượng người phóng viên quả cảm và chính trực.

Chất liệu lịch sử chân thực 

Tác phẩm bắt đầu vào tháng 5/1973 ở Phnom Penh (thủ đô Campuchia), nơi quân đội chính phủ (thân Mỹ) đang chiến đấu với Khmer Đỏ. Phóng viên Sydney Schanberg (Sam Waterston) đến quốc gia này để đưa tin về cuộc nội chiến. Trong hai năm tiếp theo, anh nhận nhiều sự giúp đỡ từ Dith Pran (Haing S. Ngor) - một nhà báo Campuchia và phiên dịch viên cho tờ New York Times. Bộ đôi thường xuyên có mặt ở những điểm nóng và ghi nhận những tin tức, hình ảnh quý giá ngay tại hiện trường.

Haing S. Ngor trong vai Dith Pran
Haing S. Ngor trong vai Dith Pran

Tháng 4/1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh trong sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, Schanberg cảm thấy những kẻ mới chiếm đóng thành phố không hề thân thiện. Chúng nhanh chóng bắt giữ các nhà báo nước ngoài, đe dọa tính mạng họ. Chỉ nhờ sự van xin của Pran, nhóm phóng viên này mới được thả và tạm trú tại Đại sứ quán Pháp. Khi Schanberg được rời Campuchia, Pran mắc kẹt lại do Khmer Đỏ buộc Đại sứ quán giao nộp mọi người Campuchia ở đây.

Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử. Khmer Đỏ buộc hàng triệu người từ thành phố về nông thôn để làm việc trên những cánh đồng. Chúng áp đặt những ý tưởng cực đoan về xã hội, buộc người dân phải bỏ lại tài sản, tước đoạt các quyền cơ bản của họ. Dân chúng phải sinh hoạt trong điều kiện khắc nghiệt, đói khát và cái chết luôn rình rập. Khmer Đỏ xem đó là “năm 0”, tức thời điểm bắt đầu đường lối mới, các cách thức tổ chức xã hội cũ phải bị hủy.

Để đàn áp sự phản kháng, Khmer Đỏ dùng chính sách thanh trừng những người họ cho là có khả năng phản bội hoặc gây hại, nhất là trí thức. Một số người chỉ cần có dấu hiệu học thức, như đeo kính hay biết ngoại ngữ, cũng đủ để mất mạng. Xác nạn nhân tạo ra những “cánh đồng chết” - các mồ chôn tập thể - dấu ấn kinh hoàng của chế độ này.

 

 

Sam Waterston trong vai Sydney Schanberg
Sam Waterston trong vai Sydney Schanberg

Là một nhà báo, phiên dịch viên, Pran thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thủ tiêu. Để sống sót, anh phải giả vờ nói năng, suy nghĩ ngây ngô, che giấu trình độ của mình. Điều kiện sống cực khổ khiến Pran có lúc phải ăn thú vật, đồng thời từng bị đánh đập dã man, cột vào cây đến mức suýt chết. Về sau, anh may mắn được một cai ngục giao việc chăm sóc con anh ta.

Cuộc sống thống khổ đó kết thúc khi quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia. Pran cùng một số người trốn khỏi trại lao động. Tuy nhiên, anh phải trải qua một hành trình gai góc nữa trước khi tìm được đến trại của tổ chức Chữ thập đỏ ở biên giới Thái Lan. Ở Mỹ, Schanberg không ngừng tìm kiếm thông tin về bạn mình. Họ có cuộc đoàn tụ xúc động khi Pran đã thoát khỏi chế độ độc tài diệt chủng.

The Killing Fields mang đến những thước phim chân thật được chính người trong cuộc kể. Dith Pran (1942-2008) là nhà báo quê Siem Reap, phải sống bốn năm trong trại lao động ở Campuchia. Ông cũng phải hứng chịu nỗi đau lớn khi 50 thành viên trong gia đình đã chết dưới thời Khmer Đỏ.

Nhiều cảnh phim gây ấn tượng mạnh, như cảnh quân Khmer Đỏ thản nhiên nã súng, đánh đập người dân, cảnh chiến binh thiếu nhi sát hại người phạm lỗi nhỏ nhặt. Đôi mắt ngây thơ của bọn trẻ đã bị vẩn đục do kẻ cầm quyền gieo vào đầu các ý tưởng tàn độc. Chúng bị tẩy não những điều cao đẹp về gia đình, tình thương mà lẽ ra phải có ở độ tuổi này.

Song, đáng nhớ nhất phim là phân cảnh Dith Pran chạy trốn, lạc vào cánh đồng và nhìn thấy hàng loạt bộ xương khô của đồng bào. Thuật ngữ “cánh đồng chết” về sau được sử dụng khi nhắc đến tội ác của chính quyền Pol Pot. Ánh mắt của Dith Pran khi nhìn thấy trại của Hội Chữ thập đỏ chứa đầy sự xúc động sau khi trải qua bao đớn đau.

Hình tượng nhà báo quả cảm

The Killing Fields thêm phần đặc biệt khi được kể từ trải nghiệm của những phóng viên. Có thể nói, đây cũng là bộ phim tôn vinh giá trị của nhà báo chiến trường trực tiếp có mặt ở vùng biến động. Cả Schanberg và Pran đều quả cảm, xông xáo, sẵn sàng liều mình trước hiểm nguy. Chi tiết này được thể hiện ngay từ đầu phim, khi Schanberg dù rất mệt sau chuyến bay dài tới Campuchia lập tức đến thị trấn Neak Leung để ghi nhận về vụ đánh bom. “Tôi thấy ngồi bàn giấy ở Bangkok mà đưa tin về cuộc chiến này là thật ngốc”, anh nói với Pran.

 

 

Sydney Schanberg (trái)  và Dith Pran ngoài đời vào năm 1980
Sydney Schanberg (trái) và Dith Pran ngoài đời vào năm 1980

Schanberg cũng đầy nỗ lực trong việc tìm hiểu, truy vết các nguồn tin gai góc, bất chấp sự xua đuổi của quân đội Mỹ. Anh đề cao sự thật và tính chính trực của nghề báo, rõ nhất ở phân cảnh nổi nóng khi thấy một số phóng viên được quân đội Mỹ đưa đến vùng chiến sự. Schanberg biết rằng nhóm người này được chính phủ Mỹ “hỗ trợ” đến điểm nóng để đưa tin xuyên tạc sự thật. Anh cũng lên án những hành động gây thiệt hại lớn từ phía Mỹ trong chiến tranh, như ném bom hay can thiệp vũ trang thô bạo.

Tư tưởng nhân văn, hướng về con người của Schanberg được thể hiện rõ nhất qua bài phát biểu nhận giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1976: “Điều rõ ràng mà họ không hề bận tâm là chính người dân Campuchia. Không con người, không xã hội, cũng không có quốc gia ngoại trừ một cách chung chung, như những văn bản chính sách. Dith Pran và tôi đã cố gắng thu thập và đem về những hậu quả cụ thể của những quyết định đó đối với những con người thật”.

Từ lâu, phóng viên chiến trường là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới nhưng giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp thông tin về cuộc chiến lẫn ảnh hưởng của nó lên dân thường. Những câu chuyện hay hình ảnh của họ cho thấy một bộ mặt khác của chiến tranh chứ không chỉ là những số liệu hay tin tức đơn thuần.

Trong The Killing Fields, trích đoạn các phóng viên với máy ảnh, sổ tay vẫn bám trụ ở đường phố giữa lúc dân chúng chạy tán loạn đã tôn vinh sự quả cảm của họ. Khi Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, chúng chĩa súng vào đầu các nhà báo và đặt tính mạng của họ vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Dù Pran có thể được di tản cùng gia đình, anh vẫn quyết định ở lại giúp Schanberg tác nghiệp. Cũng do quyết định này, Pran mới phải trải qua bốn năm trong “địa ngục trần gian”. Suốt thời gian đó, Schanberg luôn đau đáu tìm kiếm tung tích bạn mình.

Cả khi nhận giải thưởng, anh cũng không hề vui mừng mà khẳng định một nửa công lao thuộc về Pran. Ngoài đời thật, Sydney Schanberg (1934-2016) là nhà báo kỳ cựu của Mỹ và hoạt động đến lúc gần 80 tuổi. Cuốn sách The Death and Life of Dith Pran do ông chấp bút chính là cốt lõi của kịch bản The Killing Fields.

Khi ra mắt, bộ phim giành được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình lẫn công chúng. 93% giới phê bình đánh giá phim tích cực trên Rotten Tomatoes. Viện Phim Anh chọn đây là một trong 100 phim Anh vĩ đại nhất thế kỷ XX. Tạp chí Empire xếp tác phẩm hạng 86 trong số các phim Anh hay nhất. Đến nay, The Killing Fields vẫn được xem là một trong các bộ phim đáng giá nhất về chế độ Khmer Đỏ.

Bộ phim nhận bảy đề cử Oscar, thắng ba hạng mục, gồm quay phim, dựng phim và nam diễn viên phụ (Haing S. Ngor). Chính Ngor cũng là một người sống sót qua trại lao động của Khmer Đỏ. Ông chưa từng diễn xuất trước đó nhưng chinh phục mọi người nhờ đem những trải nghiệm đời mình lên màn ảnh. 

Ân Nguyễn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI