Hàng không, du lịch "rủ nhau" chuyển đổi: Nơi tái cấu trúc, chỗ bán thêm nông sản

22/11/2021 - 17:20

PNO - Để thích ứng và phục hồi sau dịch, Vietravel đã tái cấu trúc hệ sinh thái tập đoàn, phê duyệt tăng vốn đầu tư của Vietravel Airlines từ 700 tỷ lên 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố sàn thương mại điện tử bán thực phẩm, nông sản... để đa dạng lĩnh vực hoạt động.

Chiều 22/11, đại diện Vietravel cho biết, sau tổn thất nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để tiếp tục hoạt động và phát triển, ban lãnh đạo Công ty này quyết định tái cấu trúc, điều chỉnh bộ máy hoạt động, quảng bá truyền thông, xúc tiến tăng cường chuyển đổi số để giảm thiểu chi phí và tiếp cận khách hàng sâu hơn. 

Cụ thể, cổ phần hoá Vietravel Airlines và kiện toàn lại hệ thống kinh doanh du lịch của Vietravel, cũng như sắp xếp lại các công ty thành viên khác của Vietravel Holdings. 

Trong đó, Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ, Vietravel và Vietravel Airlines vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn, cùng hỗ trợ cho sự phát triển của Vietravel theo mô hình hàng không lữ hành, đúng như định hướng đề ra ban đầu khi thành lập Vietravel Airlines.

Lĩnh vực du lịch vẫn là ngành trọng yếu của Vietravel, cùng với quá trình mở cửa trở lại đường bay trong nước và quốc tế của Vietravel Airlines, đây sẽ là cơ hội để Công ty nhanh chóng phục hồi và bắt nhịp thị trường thời kỳ hậu COVID-19.

Đồng thời, cổ đông công ty duyệt thông qua kế hoạch hoạt động 5 năm cho Vietravel Airlines giai đoạn từ 2021-2025 với tổng vốn đầu tư được tăng lên 1.300 tỷ đồng từ 700 tỷ ban đầu.

Vietravel tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái công ty để tập trung phục hồi sau dịch COVID-19.
Vietravel tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái công ty để tập trung phục hồi sau dịch COVID-19.

Ngoài ra, trong kế hoạch phục hồi tính đến ngày 18/10, Vietravel đã chính thức khởi động lại hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc. Ngày 15/11, mở 6 văn phòng du lịch nước ngoài thuộc hệ thống Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Úc, Pháp, Mỹ để phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.

“Dự kiến, tới quý I/2022, khi du lịch dần phục hồi hoàn toàn, Vietravel chỉ tiêu khách và doanh thu sẽ tăng trưởng 175% so với cùng kỳ. Đây cũng là thời điểm Vietravel Holdings đưa vào khai thác chi nhánh tại Dubai, mở rộng thị phần sang vùng Trung Đông tiềm năng và đầy thách thức”, đại diện Vietravel cho biết thêm.

Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng có động thái mới, khi mở rộng lĩnh vực hàng không sang bán lẻ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong bối cảnh ngành hàng không cũng đang chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Vietnam Airlines vừa cho ra mắt sàn TMĐT VnaMALL, trước mắt triển khai tại TPHCM và Hà Nội, cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng. Hành khách có thể đặt mua các loại đồ ăn trong nhóm "ẩm thực trên mây" như: trà sữa, thịt bò (chế biến sẵn), bánh mì, khoai tây hay các loại rượu vang. 

Không chỉ lấn sân sang lĩnh vực TMĐT, để bù lỗ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thoát âm vốn chủ sở hữu (đến cuối tháng 6/2021, công ty lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng) Vietnam Airlines nỗ lực để phục hồi bằng nhiều cách khác. 

Trong đó, đáng kể đến nhất là hãng phát hành thêm hơn 7.000 tỷ đồng tiền cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; lên kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất trước năm 2004 và 2007-2008, 6 máy bay ATR-72 cũ, lùi thời gian nhận tàu bay mới... hay dự định mở thêm các ngành nghề như: cho thuê xe, vận tải hành khách bằng đường bộ trong nội thành và ngoại thành, chuyển phát cho đến các hoạt động sản xuất và phát hành phim điện ảnh, chương trình truyền hình... để tối ưu chi phí.

 Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI