Bay thẳng đến Mỹ: Thành công lớn của hàng không Việt

03/11/2021 - 07:01

PNO - Dự kiến cuối tháng 11/2021, chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ sẽ cất cánh, chính thức hiện thực hóa mong muốn bay thẳng Mỹ trong gần 20 năm qua của ngành hàng không Việt Nam.

Hai hãng hàng không nội “so găng”

Vietnam Airlines (VNA) từng lên kế hoạch và có những bước chuẩn bị khá bài bản cho việc mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ từ đầu những năm 2000 nhưng chỉ từ hai năm trở lại đây, với sự tham gia quyết liệt của tân binh Bamboo Airways, “cuộc đua” bay thẳng Mỹ mới thực sự nóng lên. 

Ngày 21/9, VNA cho biết, đã chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn. Ngày 22/9, Bamboo Airways công bố, Avivaworld là tổng đại lý tại thị trường Mỹ; đơn vị này sẽ hỗ trợ hãng trong các vấn đề thủ tục, chính sách với chính quyền sở tại, nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng và khai thác chuyến bay tại Mỹ.

Đi sau nhưng đi nhanh, trong hai năm, Bamboo Airways đã đạt được nhiều tiêu chí đánh giá từ Mỹ - thị trường hàng không khó tính bậc nhất thế giới. Tối 23/9 (giờ Mỹ), chuyến bay số hiệu QH9149 của Bamboo Airways khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đã hạ cánh xuống sân bay San Francisco (bang California, Mỹ). Hành trình bay xấp xỉ 13 giờ 30 phút, rút ngắn tới 6-7 giờ so với bay nối chuyến (quá cảnh ở điểm dừng tiếp nhiên liệu) hiện hành. Trước đó, Bamboo Airways đã được TSA cấp phép một loạt chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ (chuyến bay thuê chuyến đặc biệt) đầu tiên.

Trong khi đó, ngày 25/10, VNA trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên được TSA cấp phép bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ. Khác với việc cấp phép theo từng chuyến, VNA phải đạt những yêu cầu phức tạp và quan trọng nhất để được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép bay thường lệ đến quốc gia này. 

Đại diện VNA cho biết, ngay sau khi đạt được điều kiện cuối cùng là giấy phép của FAA, dự kiến cuối tháng 11 này, hãng sẽ thực hiện chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên trong lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ, từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay San Francisco. Trước đó, VNA cũng đã thực hiện một số chuyến bay dạng thuê chuyến tới Mỹ để chở công dân hồi hương.

Máy bay của Bamboo Airways hạ cánh xuống sân bay San Francisco, bang California tối 23/9 theo giờ Mỹ  - ẢNH: BAMBOO AIRWAYS
Máy bay của Bamboo Airways hạ cánh xuống sân bay San Francisco, bang California tối 23/9 theo giờ Mỹ - ẢNH: BAMBOO AIRWAYS

Chạm đến thị trường khó tính nhất
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, VNA hay Bamboo Airways bay thẳng tới Mỹ trước cũng đều là thành công của ngành hàng không Việt Nam. Nó cho thấy các hãng hàng không trong nước đã vượt được những “cửa ải” thủ tục, điều kiện của thị trường khắt khe nhất thế giới, đặc biệt là đạt được chứng chỉ của TSA và FAA, sánh vai với các hãng hàng không lớn trên thế giới.

Theo ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways - nếu điều kiện cho phép, đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ được khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là ba chuyến/tuần và sẽ nhanh chóng được nâng lên thành 5-7 chuyến/tuần dựa theo nhu cầu thị trường. Trước mắt, Bamboo Airways sẽ bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế San Francisco. Về lâu dài, hãng sẽ kết nối với cả hai sân bay lớn của bang California là San Francisco và Los Angeles.

Tiềm năng thị trường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ được đánh giá là rất dồi dào, nhất là khi đang có hơn 2 triệu người Việt Nam sinh sống và học tập ở Mỹ. Mỗi năm, có khoảng 800.000 lượt khách đi lại giữa hai nước, trong khi theo Bamboo Airways, chỉ cần khoảng 30.000 - 60.000 lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay.

Bay thẳng Mỹ khó lãi?

Cả VNA và Bamboo Airways đều đang chạy nước rút trong cuộc đua bay thẳng Mỹ, nhưng cả hai đều chưa chính thức công bố những chi tiết như giá vé, phương án tài chính… 

Theo một chuyên gia ngành hàng không, bay đến Mỹ có thể vẫn là “cuộc chơi đốt tiền” của các hãng hàng không. Khi còn là Tổng Giám đốc VNA, trả lời câu hỏi vì sao chưa mở đường bay Mỹ, ông Dương Trí Thành đã nhắc lại câu chuyện United Airlines bay đến TP.HCM từ năm 2007 nhưng đã chấm dứt đường bay sau 5 năm. Delta Airlines cũng bay tới TP.HCM nhưng sau đó đã nhanh chóng dừng đường bay. 

Theo một tính toán được VNA công bố năm 2019, nếu khai thác đường bay thẳng Mỹ bằng hai dòng máy bay siêu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và Boeing 787-9, mức thua lỗ có thể dao động từ 5-30 triệu USD trong năm đầu khai thác. Về mặt kỹ thuật, để bay thẳng đến Mỹ không dừng (non-stop), máy bay cần giảm tải trọng để tiết kiệm nhiên liệu, các hãng phải bán số vé ít hơn số ghế có thể khai thác, hiệu quả tài chính sẽ giảm sút. Đây cũng là một trong những lý do khiến VNA nhiều năm qua còn khá chần chừ trong việc xúc tiến bay thẳng Mỹ.

Đặc biệt, khi bay thẳng Mỹ, VNA và Bamboo Airways không chỉ cạnh tranh nhau mà còn phải cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ sừng sỏ trên thế giới. Hiện đường bay giữa Mỹ và Việt Nam đều có ít nhất một điểm dừng, hành khách phải quá cảnh (transit) chủ yếu qua các cửa ngõ hàng không lớn tại Đông Bắc Á với giá vé lại rất cạnh tranh, thời gian nối chuyến ngắn và thuận lợi. 

Theo tiến sĩ Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - việc bay thẳng sang Mỹ là thành công của ngành hàng không, nhưng chưa thể biết có duy trì được lâu và ổn định hay không. Dù vậy, với nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa hai nước, việc nhắm vào khách hàng là thương nhân sẽ giúp giải bài toán giá vé và hiệu quả kinh tế cho các hãng. 

Các thủ tục để được bay thẳng đến Mỹ

Để bay thẳng tới Mỹ, các hãng hàng không phải đáp ứng hàng loạt thủ tục pháp lý rất chặt chẽ gồm: được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) cấp phép bay thương mại Mỹ; được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép khai thác, đề nghị cấp quyền cất và hạ cánh tại mỗi sân bay mà hãng dự kiến khai thác; được Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) cấp phép. Các hãng cũng phải hoàn tất các thủ tục với cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ, thông báo lịch bay, kế hoạch ứng phó khẩn cấp… Trong đó, việc cấp phép của DOT, FAA và TSA được coi là ba điều kiện quan trọng nhất, phải mất hàng năm để hoàn tất.

Bao giờ nối lại các chuyến bay quốc tế?

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải mở lại các đường bay quốc tế theo bốn giai đoạn nhưng đến nay, bộ vẫn chưa chốt thời điểm chính thức nối lại các đường bay quốc tế.

Trong khi đó, từ ngày 1/11, Thái Lan đã cho phép những du khách đã tiêm đủ số liều vắc-xin ngừa COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đến nước này mà không cần cách ly. Singapore vẫn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì chủ trương mở cửa và đã triển khai các đường bay an toàn có “vaccinated travel lane” (hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm âm tính 48 giờ trước chuyến bay) với 10 quốc gia. 

Theo ông Philip Goh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương - tình hình hiện nay đã khác so với 18 tháng trước, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã giúp các chính phủ có thêm thời gian để phản ứng với đại dịch. Tuy nhiên, đến nay, không còn lý do gì để thực hiện những biện pháp này, nhất là khi việc xét nghiệm và tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đã và đang được triển khai rộng rãi. 

IATA cũng đề xuất, Việt Nam nên nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy việc bay quốc tế. Hiện IATA đã có sẵn giải pháp số để thay thế cho các giấy tờ chứng nhận hành khách phải xuất trình khi đến Việt Nam. “Lộ trình nối lại các chuyến bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam đúng hướng, nhưng việc Việt Nam yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi của ngành hàng không cũng như du lịch” - ông Goh cho hay.

Đại diện các công ty du lịch quốc tế cũng cho biết, quy định cách ly bảy ngày đối với khách quốc tế nhập cảnh - dù đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và kết quả xét nghiệm âm tính - là rào cản lớn đối với du khách. Trước đó, trong tháng 9/2021, Việt Nam mới cho phép một số chuyến bay thử nghiệm “hộ chiếu vắc-xin” nhập cảnh nhưng chưa cho nối lại các chuyến bay thường lệ. 

Theo ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông VNA - nhiều nước kiểm soát dịch tốt đã mở cửa hoàn toàn, thậm chí không yêu cầu tiêm hai mũi vắc-xin mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là được nhập cảnh. Việt Nam lại quy định khách nhập cảnh phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính và phải cách ly tập trung bảy ngày. 

Nhật Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI