Hàn Quốc: Thiếu vắng trẻ em, các bà đến trường tiểu học cùng cháu ở tuổi thất thập

29/04/2019 - 12:04

PNO - Trước nguy cơ đóng cửa trường học vì thiếu học sinh, ngôi trường tại một vùng xa ở Hàn Quốc chấp nhận để các bà đến trường cùng cháu để học đọc, học viết.

Mỗi buổi sáng, học sinh lớp một Hwang Wol-geum bắt chuyến xe buýt màu vàng cùng ba thành viên trong gia đình: Một đi mẫu giáo, một học sinh lớp ba, và một học sinh lớp năm.

Tuy nhiên, “học sinh” Hwang đã 70 tuổi và bạn học chính là cháu của bà.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Các bà nội, bà ngoại đến trường cùng cháu trên chuyến xe buýt công cộng.

Mù chữ cả đời, bà nhớ mình đã trốn sau một cái cây và khóc khi thấy bạn bè được đến trường vào sáu thập kỷ trước. Trong khi những đứa trẻ khác học đọc và viết, cô bé Hwang ở nhà, chăm lợn, kiếm củi và lo cho các anh chị em.

Sau đó, người phụ nữ tiếp tục nuôi sáu đứa con của mình, giúp tất cả chúng hoàn thành bậc trung học hoặc đại học. Tuy nhiên, bà luôn canh cánh trong lòng về những gì các bà mẹ khác có thể làm: "Viết thư cho các con là điều tôi mơ ước nhất hiện nay”.

Thật bất ngờ, cơ hội thực hiện ước mơ đã đến với bà Hwang từ đầu năm nay, khi trường học địa phương tuyệt vọng tìm cách lấp đầy lớp học vì số trẻ em trong vùng ngày càng giảm sút.Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, xuống dưới một trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2018, một trong những mức thấp nhất trên thế giới.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Các học sinh tiểu học xếp hàng chuẩn bị vào lớp.

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quận nông thôn, nơi trẻ sơ sinh trở nên khan hiếm, bởi các cặp vợ chồng trẻ chọn di cư đến thành phố lớn để tìm việc làm tốt hơn.

Giống như các trường nông thôn khác, Trường tiểu học Daegu tiếp tục chứng kiến ​​tỷ lệ học sinh suy giảm nghiêm trọng. Khi con trai út của bà Hwang, anh Chae Kyong-deok, 42 ​​tuổi, đến trường vào những năm 1980, mỗi lớp có khoảng 90 học sinh.

Bây giờ, trường có tổng cộng 22 học sinh, trong đó khối lớp bốn và lớp năm chỉ có một học sinh mỗi khối. Năm nay, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Hiệu trưởng Lee Ju-young nói: "Chúng tôi đã đi khắp các ngôi làng để tìm kiếm trẻ em ghi danh vào lớp một. Nhưng không có trường hợp nào".

Vì vậy, ông Lee và những người dân địa phương mong muốn cứu ngôi trường 96 tuổi này đã nảy ra một ý tưởng: ghi danh những dân làng lớn tuổi muốn học đọc và viết.

Bà Hwang và bảy phụ nữ khác, từ 56 đến 80 tuổi, tự nguyện xung phong, và hiện tại có ít nhất bốn người khác yêu cầu được đi học vào năm tới.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Những người phụ nữ tự nguyện đến lớp để thực hiện ước mơ học đọc, học viết và giúp ngôi trường tiếp tục hoạt động.

Đối với những người trẻ tuổi muốn ở lại quê hương, tương lai của thị trấn phụ thuộc vào việc giữ cho ngôi trường tồn tại. Noh Soon-ah, 40 tuổi, con dâu của bà Hwang nói: "Ai sẽ bắt đầu một gia đình ở đây nếu không có trường học?  Trẻ em giúp mang lại tiếng cười và sức sống cho một thị trấn".

Chồng cô Noh bỏ công việc trong nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở một thành phố lớn và tái định cư ở đây 5 năm trước để tiếp quản công việc làm nông của cha mẹ.

Văn phòng giáo dục địa phương rất đồng tình với ý tưởng này, và bà Hwang bắt đầu tham gia các lớp học vào tháng trước.

Giống như nhiều học sinh lớp một vào ngày đầu tiên, bà Hwang đã khóc. Nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm vui.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Những học sinh lớp 1 cười khúc khích trong giờ học.

Từng rất đông học sinh, khuôn viên bên bờ biển của Trường tiểu học Daegu giờ gần như trống rỗng. Những cây hoa trà, cây tầm xuân và cây thông bao quanh sân chơi cát hoang vắng và sau một cơn mưa, cây anh đào đang trổ hoa.

Bên trong tòa nhà hai tầng, trẻ em và bà ngoại đổi sang dép lê trước khi vào lớp. Trong lớp một, bà Hwang và hai bà ngoại khác quyết tâm học đọc và viết.

Cầm bút chì trong tay, họ hô vang 14 phụ âm và 10 nguyên âm của bảng chữ cái tiếng Hàn khi giáo viên Jo Yoon-jeong, 24 tuổi, viết từng chữ lên bảng trắng.

Giữa các bài tập viết, cô Jo bật một bài hát lạc quan "Không có gì sai với tuổi của tôi!" và tập nhảy cho các bà trong tiếng cười khúc khích.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Từng có rất đông học sinh, ngôi trường bên bờ biển tại Quận Gangjin giờ chỉ còn 22 học sinh.

Quận Gangjin của bà Hwang, nằm trên mũi phía tây nam của bờ biển Hàn Quốc, là ví dụ điển hình về các khu vực nông thôn bị bỏ lại trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp lớn cuối cùng của Gangjin, làm đồ gốm, đã chết khi nhựa bắt đầu thay thế đồ sành sứ trong nhà bếp Hàn Quốc vào những năm 1970. Dân số đang già đi nhanh chóng chuyển sang trồng dâu tây và dâu tằm hoặc bắt hàu, sò và bạch tuộc từ các bãi triều.

Bà Park Jong-sim, 75 tuổi, từng là “siêu sao” bắt bạch tuộc trong làng, giờ đây lo lắng hơn về việc bị tụt lại trong lớp học.

Bà Park chớp mắt khi cố tập trung vào cuốn sổ, và thỉnh thoảng tháo kính đọc sách ra để lau nước mắt do mỏi. Việc phát âm cũng khó khăn. Để thực hành kỹ năng cầm bút của mình, bà Park thức dậy trước bình minh.

Bà Park thổ lộ: "Bộ nhớ, tay và lưỡi của tôi không hoạt động tốt như tôi mong muốn. Nhưng tôi phải học được cách viết trước khi chết”.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Dù trí nhớ, mắt và tay không còn tốt như trước, các bà vẫn luôn lạc quan về việc học của mình.

Nhiều thập kỷ trước, các gia đình Hàn Quốc thường tập trung những nguồn lực nhỏ mà họ có để giáo dục con trai. Nhiều cô gái phải ở nhà và chăm sóc anh chị em trong khi cha mẹ họ làm việc bên ngoài.

Mù chữ mang lại nhiều khó khăn trong cuộc sống của bà Hwang. Chẳng hạn gửi hàng cho khách luôn là một vấn đề vì bà không thể viết địa chỉ.

Nhiều năm trước, bà và chồng, ông Chae Jan-ho, 72 tuổi, lạc nhau tại trạm tàu điện ngầm khi đến thăm con trai ở Seoul. Bà Hwang không thể đọc được bất kỳ biển chỉ dẫn nào và hoàn toàn lạc lối trong vô vọng cho đến khi một người lạ giúp bà tìm đường.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Việc mù chữ từng đem đến rất nhiều khó khăn cho những phụ nữ xuất thân từ tầng lớp lao động như bà Hwang, nhưng giờ đây, bà đã có cơ hội để tiếp tục con đường học tập của mình.

Bây giờ bà Hwang và các bạn học của mình quyết tâm bù đắp thời gian đã mất. Cô Jo nói về các học sinh lớp một của mình: "Họ rất ham học hỏi. Có lẽ họ là những học sinh duy nhất ở đây yêu cầu giao thêm bài tập về nhà".

Không giống như các lớp học khác, lớp học của học sinh lớp một có ghế sofa và đệm nước nóng. Trong giờ nghỉ, những người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên nệm ấm và vùi chân dưới chăn. Họ cũng giữ một giỏ kẹo để thỉnh thoảng đến thăm các cháu ở lớp hai bên cạnh.

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Các "học sinh lớp một" đem kẹo sang thăm những "anh chị lớp hai".

Nhưng bà Hwang gặp nhiều khó khăn trong mùa thu hoạch dâu bận rộn. Để bù đắp, bà dậy lúc 4 giờ sáng và giúp chồng, con trai và con dâu hái dâu trước khi đến trường.

Người phụ nữ tuổi thất thập thậm chí còn ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng: "Tôi sẽ ra tranh cử chức chủ tịch hội phụ nữ của làng. Mọi người thường yêu cầu tôi đảm đương vị trí này, nhưng tôi luôn từ chối vì đó là công việc dành cho người biết đọc và viết".

Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Trước khi đến trường, bà Hwang phải dậy từ 4 giờ sáng để thu hoạch dâu cùng chồng con.
Han Quoc: Thieu vang tre em, cac ba den truong tieu hoc cung chau o tuoi that thap
Bà Hwang cùng cháu gái Soo-hee ở lớp mẫu giáo.

Ngọc Hạ (Theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI