Hai tháng trục vớt sà lan, nhóm thợ lặn bị 'xù' tiền công

06/05/2017 - 11:57

PNO - Gần 60 ngày đêm đánh vật với từng con sóng, chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt để trục vớt sà lan chở đá bị chìm tại cửa biển thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, nhưng đội thợ lặn bị chủ thuê “quên” trả tiền công.

Hai thang truc vot sa lan, nhom tho lan bi 'xu' tien cong
Ông Giáp phản ánh sự việc với phóng viên.

Sau sự cố sà lan chở đá bị chìm tại cảng cá thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, ngày 24/1/2013, Công ty TNHH thương mại Tuấn Tâm (gọi tắt là Công ty Tuấn Tâm, do ông Nguyễn Tấn Hùng làm giám đốc) ký hợp đồng trục vớt sà lan và đá với Công ty TNHH tư vấn xây dựng công trình giao thông đường thủy Quang Minh (gọi tắt là Công ty Quang Minh, do ông Bùi Thanh Tùng làm giám đốc), đơn giá giao khoán trọn gói 450 triệu đồng. Công ty Quang Minh có trách nhiệm hàn chỗ bị thủng của sà lan, kéo vào bờ, trục vớt toàn bộ khối lượng đá bị chìm.

Thực hiện hợp đồng này, ông Bùi Thanh Tùng giao toàn bộ công việc cho ông Nguyễn Văn Chung (lúc đầu ông Chung là nhân viên của Công ty Quang Minh, về sau làm nhà thầu tự do). Ông Chung đã thuê mướn nhóm thợ lặn của ông Trịnh Đằng Giáp (SN 1984, ngụ tại TP.HCM) ra thị xã La Gi trục vớt sà lan.

Ông Giáp cho biết, đội lặn thỏa thuận với ông Chung số tiền trục vớt là 65 triệu đồng, không bao gồm chi phí ăn ở và phương tiện vật tư phục vụ trục vớt. Công việc trục vớt hết sức phức tạp, vất vả do phụ thuộc vào thủy triều. Để đẩy nhanh tiến độ, ông Tùng còn đích thân nhắn ông Giáp kêu đội làm việc cả ngày mùng Sáu tết (tức ngày 15/2/2013), làm cả đêm để đưa sà lan ra sớm, tránh nước ròng, đối mặt với sóng dữ.

Đội đã làm từ ngày 15/2 - 12/4/2013 (56 ngày). “Khi hoàn thành việc trục vớt, tôi đề nghị Công ty Quang Minh thanh toán số tiền còn nợ là 205 triệu đồng bao gồm tiền công, tiền ăn, ở, tiền thuê các phương tiện để trục vớt sà lan và đá. Nhưng đã bốn năm trôi qua, ông Bùi Thanh Tùng vẫn chưa chịu trả, trong khi đời sống của nhóm thợ lặn hết sức khó khăn, phải chạy ăn từng bữa” - ông Giáp bức xúc nói.

Trước yêu cầu trên, ngày 22/7/2013, ông Tùng gửi văn bản cho ông Giáp cho rằng, Công ty Quang Minh không hề thiếu nợ như ông Giáp trình bày, trái lại đã chi cho ông Giáp rất nhiều tiền. Tất cả các khoản chi đều rất “tế nhị”, chi sai nguyên tắc tài chính, không thể thu hồi.

Trong công văn này, ông Tùng lý giải: do ông Chung không có tư cách pháp nhân nên đã mượn Công ty Quang Minh ký kết với Công ty Tuấn Tâm để thực hiện hợp đồng. Công ty Quang Minh không trực tiếp thực hiện công việc mà giao toàn bộ cho ông Chung. Ông Chung là người trực tiếp nhận việc trục vớt sà lan chìm ở La Gi và cũng là người đề xuất giá thi công với Công ty Tuấn Tâm.

“Trong quá trình thực hiện, ông Chung chủ động mua sắm, thuê mướn đơn vị khác để thi công công trình. Công ty Quang Minh hoàn toàn không chịu trách nhiệm về việc mua sắm, thuê mướn này. Với số tiền khoán gọn của công trình, ông Chung có quyền thực hiện mọi việc có thể để hoàn thành công việc. Công ty Quang Minh không hề biết các giao dịch giữa ông Giáp và ông Chung…” - văn bản do ông Bùi Thanh Tùng ký, nêu rõ.

Khi phóng viên báo Phụ Nữ phản ánh những bức xúc của người lao động, ông Tùng phân bua: Sau khi khi ký hợp đồng với Công ty Tuấn Tâm, ông Tùng giao toàn bộ công việc trong hợp đồng cho ông Chung thực hiện. Giá trị hợp đồng là 450 triệu đồng, nhưng trên thực tế, ông Tùng đã trả cho ông Chung nhiều hơn số tiền này. Giữa ông và ông Chung không hề có bất cứ giấy tờ ràng buộc nào.

Ông Tùng khẳng định, giữa ông và ông Giáp không có quan hệ gì, ông chỉ làm việc với ông Chung. Tuy nhiên, lời giải thích của ông Tùng đã mâu thuẫn khi chính ông thừa nhận mình nhiều lần trực tiếp giao tiền cho ông Giáp.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, Công ty Quang Minh ký hợp đồng nhưng lại giao toàn bộ công việc cho ông Nguyễn Văn Chung và phủi bỏ trách nhiệm khi sử dụng người lao động, vậy vấn đề sử dụng lao động của công ty có đúng hay không, ông Tùng thừa nhận: “Tôi giao công việc cho ông Chung và không biết ông Chung sử dụng những ai. Điều này tôi thừa nhận sai, do lúc đó mới thành lập công ty nên chưa có kinh nghiệm…”. 

Phóng viên ngỏ ý muốn gặp ông Chung để tìm hiểu sự việc nhưng ông Tùng cho biết, ông Chung đã bán nhà đi đâu không rõ, đồng thời cho phóng viên sáu số điện thoại của ông Chung, nhưng cả sáu số đều không liên lạc được.

Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM), Công ty Quang Minh thông qua ông Chung thuê nhóm thợ lặn do ông Giáp làm đại diện, do vậy, mối quan hệ giữa Công ty Quang Minh và nhóm thợ lặn do ông Giáp đại diện là quan hệ dân sự cung cấp dịch vụ.

Theo điều 520 Bộ luật Dân sự năm 2005, nhóm thợ lặn do ông Trịnh Đằng Giáp đại diện có quyền yêu cầu Công ty Quang Minh trả đủ tiền dịch vụ cho bên cung ứng, tức tiền công trục vớt sà lan và khối đá bị chìm.

Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI