Hai cháu bé bị vỡ tạng và cuộc tái sinh nhờ "con mắt thứ 3"

07/09/2015 - 16:05

PNO - Trẻ nhỏ, ổ bụng với nhiều cơ quan nội tạng nằm sát nhau, khi có tác động vào một chỗ trên ổ bụng, sẽ gây tổn thương cho cơ quan nội tạng.

Trong ổ bụng có cơ quan nội tạng đặc (tim, gan, thận…) và rỗng (như tụy, ruột non, ruột già, bao tử…). Đối với trẻ, khi tạng rỗng bị tổn thương, rất khó phát hiện dù áp dụng kỹ thuật siêu âm hay chụp CT.

Vì thế, nếu không cảnh giác cao độ và theo dõi sát sao, các bác sĩ (BS) và phụ huynh sẽ không phát hiện và can thiệp kịp thời các trường hợp tổn thương tạng trong ổ bụng.

Tái sinh

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 vừa tiếp nhận một ca bị tai nạn giao thông xảy ra trước đó 12 giờ. Nạn nhân là Phan Thụy Phương Quỳnh (5 tuổi, ngụ tại H.Củ Chi, TP.HCM).

Thông tin ban đầu cho biết, chập choạng tối, khi đang đứng chơi trước nhà, bé Quỳnh bị một người chạy xe gắn máy trong tình trạng say xỉn tông vào và kéo lê trên đường hơn 10m. Sau tai nạn, bé được đưa tới BVđịa phương và phát hiện bị gãy tay trái.

Ngay trong đêm, bé Quỳnh được chuyển lên BV Nhi Đồng 1. Bệnh nhi vẫn tỉnh táo và cho biết chỉ bị đau ở cánh tay và mặt (gãy tay và trầy xước mặt). Dù vậy, các BS vẫn thận trọng cho bé chụp CT vùng đầu và siêu âm ổ bụng.

Không thấy có dấu hiệu bất thường, bé được chuyển lên khoa Chấn thương chỉnh hình để băng bó cánh tay trái. Ít lâu sau, bé Quỳnh kêu đau bụng, ói và có dấu hiệu trụy mạch, lơ mơ, nói sảng, tay chân lạnh…

Qua hội chẩn, các BS loại trừ việc bé bị chấn thương sọ não, đồng thời nghĩ tới nguyên nhân bị vỡ tạng rỗng. Nhưng lúc đó mạch của bé yếu, diễn tiến bất lợi, nên các BS đã tập trung hồi sức cho bé.

Sau gần hai giờ hồi sức, tình trạng sức khỏe bệnh nhi tương đối ổn, các BS chuyển vào phòng mổ để kiểm tra ổ bụng. Đúng như dự đoán, ruột non của bé Quỳnh bị vỡ khoảng 2cm, đang chảy dịch và có dấu hiệu viêm nhiễm.

“Sau khi được khâu vá vết thương ruột non và điều trị kháng sinh ngừa viêm nhiễm, sức khỏe bé Quỳnh dần ổn định. Bé tỉnh táo, có cảm giác đói bụng” - BS Đặng Thanh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức ngoại, BV Nhi Đồng 1 cho biết.

Hai chau be bi vo tang va cuoc tai sinh nho
Bé Quỳnh sau khi được phẫu thuật vá đoạn ruột non bị vỡ

Trước đó, các BS của BV này đã kịp thời cứu sống bé Lê Ngô Minh Trang (ba tuổi, ngụ tại tỉnh Tiền Giang) bị đứt tụy sau khi ngã. Theo người nhà, bé theo mẹ đi chùa, bị trượt chân ngã đập bụng xuống nền nhà.

Qua kiểm tra, các BS phát hiện vùng bụng bên hông phải của bé bị tổn thương, trầy xước và tụ máu. Siêu âm cho thấy cháu bị tổn thương gan, nhưng chưa đến mức phải phẫu thuật, nên được chuyển tới phòng theo dõi.

Gần 48 giờ sau, bé Trang lại kêu đau dữ dội, sắc mặt nhợt nhạt. Bé được siêu âm kiểm tra ổ bụng và hội chẩn lần nữa. Bệnh nhi được chẩn đoán bị tổn thương một vị trí khác ngoài gan.

Sau khi mở ổ bụng, các BS phát hiện nhiều dịch do tụy bị đứt đôi. “Trường hợp này nếu không phát hiện, xử lý kịp thời thì hậu quả rất khó lường, thậm chí cháu bé có thể tử vong” - BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 chia sẻ.

Cảnh giác khi có va chạm vào ổ bụng trẻ

Lý giải vì sao đã siêu âm, chụp CT nhưng lại không phát hiện bệnh ngay từ đầu, BS Đào Trung Hiếu cho biết, khi tai nạn xảy ra, nạn nhân bị tổn thương không chỉ một nơi mà có thể ở nhiều vị trí.

Trẻ nhỏ, ổ bụng với nhiều cơ quan nội tạng nằm sát nhau, khi có va chạm, tác động vào một chỗ trên ổ bụng, sẽ gây tổn thương một cơ quan hoặc nhiều cơ quan nội tạng khác.

Điều đáng lưu ý, do các cơ quan này đều nằm ở vùng khuất nên khó có thể xác định trẻ bị tổn thương ở đâu và thời điểm kiểm tra ban đầu các tổn thương đó, bệnh nhi chưa thể hiện rõ các dấu hiệu nhận biết…

Cũng theo BS Hiếu, tạng đặc khi bị tổn thương có thể phát hiện sớm, nhưng với tạng rỗng thì không đơn giản và thường thì phải mở ổ bụng mới phát hiện. Bên cạnh đó, do khả năng diễn đạt của bệnh nhi chưa thật tốt, thật đầy đủ nên phụ huynh, BS khó có thể nắm rõ trẻ bị đau ở đâu, đau ra sao.

BS Đào Trung Hiếu cho rằng, hai trường hợp nêu trên là khá điển hình trong quá trình chăm sóc, điều trị đối với trẻ bị tai nạn. Với những trường hợp cơ chế tổn thương không rõ ràng, cần phải theo dõi chặt chẽ, ít nhất là 48 giờ hoặc nhiều hơn để tránh những sơ suất, gây nguy hiểm cho trẻ.

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI