Hai bộ sách giáo khoa “biến mất”: Không ổn!

17/03/2021 - 06:21

PNO - Sang năm lớp Hai, hai bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục mà học sinh lớp Một nhiều trường trên cả nước đang học sẽ không còn do được… hợp nhất với hai bộ sách khác. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng không ảnh hưởng. Nhưng, các chuyên gia, nhà giáo dục lẫn dư luận đều khẳng định không ổn.

Hợp nhất hay xóa sổ?

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà sư phạm băn khoăn về bản chất của sự “biến mất” hai đầu sách giáo khoa (SGK). Tại công văn số 1326 ngày 2/7/2020, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã yêu cầu hợp nhất bốn bộ SGK lớp Một thành hai bộ ở lớp Hai. Theo đó, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cùng học để phát triển năng lực hợp nhất thành bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ Chân trời sáng tạo và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục hợp nhất thành bộ Chân trời sáng tạo.

Tuy nhiên, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ ký ban hành quyết định phê duyệt Danh mục SGK lớp Hai, lớp Sáu sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, thì SGK lớp Hai của NXB Giáo dục Việt Nam chỉ còn hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Nhiều người cho rằng, gọi đúng tên của cuộc hợp nhất này thì hai bộ SGK trên bị “nuốt chửng” hoặc “xóa sổ” mới đúng bản chất. 

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đã hợp nhất bốn bộ sách giáo khoa lớp Một thành hai bộ lớp Hai - Ảnh: Thanh Thanh
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đã hợp nhất bốn bộ sách giáo khoa lớp Một thành hai bộ lớp Hai

Dư luận các trường đang có nhiều băn khoăn và tâm tư về sự “biến mất” của hai bộ SGK, nhất là các trường đã trót “chọn mặt gửi vàng” cho hàng chục ngàn học sinh lớp Một. Chẳng ai chọn bộ sách mà nghĩ chỉ dạy một năm rồi “biến mất”. Sự khó khăn không chỉ có nhà trường, thầy cô mà chắc chắn những đứa trẻ mới tập đọc, tập viết, làm quen với phương pháp sư phạm của bộ SGK đó là người hụt hẫng, bỡ ngỡ nhất. 

Mỗi bộ SGK được đưa vào nhà trường giảng dạy cho học sinh lớp Một đều có những cách tiếp cận riêng biệt. Theo các nhà sư phạm, cách tiếp cận khoa học và phương pháp sư phạm ở mỗi nhóm tác giả trong từng bộ SGK là khác nhau. Không thể cắt đoạn các mạch kiến thức, mạch phương pháp và cả cách đánh giá học sinh lớp Một ra khỏi tổng thể chung cả bộ SGK phổ thông, ít nhất cũng là của bậc giáo dục tiểu học. 

Thế nhưng, NXB Giáo dục Việt Nam giải thích mục tiêu hợp nhất bốn bộ SGK thành hai chỉ đơn giản là tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách, học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng tập huấn sử dụng SGK mới… Thế nhưng, hợp nhất như thế nào để hài hòa, không làm mất bản sắc từng bộ sách và quan trọng không gây ảnh hưởng đến mạch kiến thức mà học sinh đã học ở lớp Một… lại không được đề cập.

Bản sắc mỗi Sách giáo khoa khác nhau, khó hợp nhất

Xung quanh câu chuyện hợp nhất, nhiều nhà giáo dục cho rằng, sự lắp ráp cơ học là không khoa học và thiếu hợp lý. Tiến sĩ Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD-ĐT, cho hay: “Việc nhập bốn bộ sách thành hai bộ là giải pháp tình thế. Tất nhiên, tất cả SGK đều theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, nhưng thực tế, mỗi cuốn có phương pháp sư phạm, cách tiếp cận và lối viết riêng. Ghép bốn bộ thành hai bộ đương nhiên là khiên cưỡng. Tôi băn khoăn khi ghép như vậy thì điều chỉnh thế nào cho hợp lý chứ không thể lấy “đầu ông nọ” cắm vào “chân ông kia” được”.

Theo tiến sĩ Thành, nói cùng một chương trình, đích đến giống nhau nên có thể ghép lại là đúng nhưng chưa đủ. Nếu vậy, ngay từ đầu chỉ nên tập trung nguồn lực làm một bộ SGK cho thật tốt, chứ cần gì nhiều bộ? Đích đến giống nhau nhưng quá trình và cách thức khác nhau thì đó là vấn đề lớn của giáo dục, không đơn giản để có thể lờ đi. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Một vị chuyên gia tham gia biên soạn môn toán cho bộ Cùng học để phát triển năng lực nói, việc hợp nhất bộ này với bộ Kết nối tri thức với cuộc sống về bản chất không nên. Bởi, quan điểm biên soạn của hai bộ sách quá khác biệt và thời gian lại gấp gáp để có được sự hợp nhất đúng nghĩa. Khó bởi mỗi bộ sách có một triết lý, cấu trúc, cách đặt vấn đề, tiến trình dạy học riêng. Muốn hợp nhất thì không thể lắp ghép cơ học mà phải bàn bạc, tính toán những phần nào giống nhau, giao thoa, khác biệt… để phát triển tiếp mà không ảnh hưởng đến tiến trình giáo dục của học sinh cả hai bộ.

Ví dụ: Với sách lớp Một, trong giai đoạn đầu, môn nào giúp học sinh thể hiện được năng lực nào đó cần ưu tiên trước thì được ưu tiên. Nhưng có thể trong giai đoạn đó, SGK của bộ khác chưa ưu tiên năng lực đó.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở tỉnh Lào Cai, nơi dạy bộ Cùng học để phát triển năng lực, chia sẻ: “Năm trước, chúng tôi thông tin và thuyết phục phụ huynh chọn bộ SGK này để dạy học vì phù hợp nhất với điều kiện và mục tiêu giáo dục của nhà trường. Năm nay, phải thông báo lại là một cái khó. Kiến thức và dữ liệu trong SGK có tính liên thông qua các lớp nên việc thay đổi giữa chừng sẽ có sự gián đoạn, thầy cô và học sinh phải làm quen với cái mới. Chúng tôi chờ tỉnh quyết định chọn SGK nào rồi chờ tập huấn mới biết chính xác có những thay đổi, khó khăn như thế nào…”. 

Tạo ra tiền lệ xấu

Trong văn bản ngày 10/3 gửi báo chí, thông tin về việc triển khai SGK lớp Hai, lớp Sáu mới, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đã hợp nhất bốn bộ SGK lớp Một thành hai bộ lớp Hai. Cụ thể, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực, bộ Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Việc hợp nhất này hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK, bởi lẽ mỗi cuốn SGK đều bám sát, cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt được và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp Một, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với học sinh lớp Một.

Theo NXB này, bốn bộ SGK lớp Một của họ tuy có sự khác biệt nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của NXB trong việc biên soạn SGK. Vì thế, giữa bốn bộ SGK lớp Một và hai bộ SGK lớp Hai có sự liên thông chặt chẽ.

NXB này còn cho rằng, ở lớp Một, với các địa phương tiếp tục sử dụng SGK Cùng học để phát triển năng lực hoặc SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, NXB vẫn tái bản, đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu. Điều này là lo thừa, bởi sẽ không nơi nào dám chọn dạy hai bộ SGK mà biết chắc sang năm tiếp theo sẽ chẳng còn. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cứ cho rằng đây là tình thế phải chấp nhận khi thực hiện xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK. NXB có quyền làm tiếp hoặc không làm bộ SGK nào đó. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu có còn cuộc “hợp nhất” nào nữa không? Ví dụ, lên lớp Năm lại “biến mất” thêm một bộ SGK nữa thì chắc chắn sự khó khăn cho người dạy và người học không đơn giản như hiện nay.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi chỉ cần không đủ chuyên gia, không đủ kinh phí, hoặc không đủ thu hút thị trường, không thu được lợi nhuận bằng bộ SGK khác… đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến một cuộc hợp nhất tiếp theo. 

Còn nhớ, ngay từ đầu, lẽ ra Bộ GD-ĐT có một bộ SGK. Nhưng bộ sách này đã phá sản vì nhiều lý do. Báo cáo tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 16/5/2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin về quá trình biên soạn bộ SGK của riêng bộ theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cụ thể, ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới vào tháng 12/2018, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển được đủ số lượng tác giả. Hầu hết chuyên gia đã sớm ký hợp đồng với các NXB và đến nay, các NXB cũng đã đưa ra những thành phẩm là tập SGK lớp Một, có NXB đang trong quá trình soạn thảo SGK lớp Hai. Vì các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ GD-ĐT để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ SGK từ lớp Một đến lớp 12 nên Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn SGK được.

Một cơ quan quản lý nhà nước còn gặp vấn đề khi làm SGK và kết quả không thể có SGK của bộ như kỳ vọng. Vậy thì, việc một đơn vị tư nhân làm SGK xã hội hóa quyết định cho một bộ SGK nào đó “biến mất” khỏi thị trường càng dễ xảy ra. Chẳng biết, khi đó, người học sẽ như thế nào? Lúc này, chúng ta cần vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT hơn hết thảy. 

Tiêu Hà - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI