Hai anh em bỗng nhiên bị phù, đi khám mới biết mắc bệnh nguy hiểm

23/05/2025 - 17:07

PNO - Đang sinh hoạt bình thường, hai bé trai 10 tuổi và 13 tuổi bị sốt cao, đau họng, sau đó mệt mỏi, tăng huyết áp, nặng mi mắt… phải vào bệnh viện.

Hai bé trai L.Q.H. (10 tuổi) và L.H.K. (13 tuổi) là anh em họ, sống cùng khu vực tại TP Thủ Đức, cả hai thường xuyên chơi cùng nhau.

Đang sinh hoạt bình thường, bé H. xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau họng, được gia đình đưa đến một phòng khám. Khoảng 1 tuần điều trị, bé hết sốt, nhưng cảm giác mệt mỏi nhiều hơn, nặng mi mắt. Gia đình tiếp tục đưa bé đến Bệnh viện TP Thủ Đức thăm khám.

Tại đây, bác sĩ phát hiện bé bị phù nhẹ mi mắt, tăng huyết áp. Khai thác bệnh sử của trẻ và người nhà, ghi nhận trẻ tiểu ít, nước tiểu màu hồng nhưng không báo với người lớn. Các bác sĩ làm các xét nghiệm và chẩn đoán bé bị bệnh viêm cầu thận cấp, chỉ định nhập viện điều trị.

Trẻ đột nhiên bị phù, nặng mi mắt, tiểu máu,... phải nghĩ đến viên cầu thận cấp, ảnh internet
Trẻ đột nhiên bị phù, nặng mi mắt, tiểu máu... phải nghĩ đến viêm cầu thận cấp - ảnh minh họa

Sau đó, anh họ của bé H. là bé K. bỗng nhiên mệt mỏi, sưng chân, huyết áp tăng cao nên mẹ của bé đưa đi khám, cũng bị viêm cầu thận cấp.

May mắn, cả hai bé đều được phát hiện sớm nên bác sĩ lập tức kiểm soát huyết áp, điều trị tích cực. Hiện bệnh nhi đã hồi phục bệnh, nhưng cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo các chỉ số trở về bình thường.

Qua trường hợp 2 bệnh nhi trên, bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa - Khoa Nhi, Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cầu thận cấp ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn liên cầu tan huyết beta nhóm A, thông thường là sau viêm họng 1-3 tuần hoặc sau nhiễm khuẩn da 3-6 tuần.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có các dấu hiệu đặc trưng như tiểu máu (nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu), tiểu đạm, tiểu ít, phù (đặc biệt là vùng mắt), tăng huyết áp. Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể được điều trị khỏi trong khoảng 1-2 tuần. Ngược lại trẻ có nguy cơ đối diện với các biến chứng nghiêm trọng như suy thận cấp, suy thận mạn tính, suy tim cấp, phù phổi, nặng hơn là tăng huyết áp, co giật toàn thân dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Khoa khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh, điều trị triệt để các trường hợp viêm họng và nhiễm khuẩn da ở trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như phù, tiểu ít hoặc tiểu màu đỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI