Hà Nội hạn chế tụ tập để ứng phó với COVID-19

26/05/2021 - 06:15

PNO - TP. Hà Nội đang áp dụng các biện pháp ứng phó quyết liệt hơn với dịch COVID-19, như khẩn trương truy vết, tăng cường xét nghiệm, hạn chế tối đa việc tụ tập, ăn uống và các dịch vụ không thiết yếu.

Hàng quán chỉ được “bán mang về”

Theo công điện khẩn của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, từ 12g trưa 25/5, toàn bộ các cơ sở phục vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu đều phải đóng cửa; các quán ăn chỉ được phép bán đồ mang về; dừng mọi hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ thời điểm công điện khẩn có hiệu lực, khu vực chợ tạm Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã được dọn dẹp, hầu hết các hàng quán đã đóng cửa, chỉ còn một vài quán bán đồ mang về là vẫn hoạt động. Trong gian hàng bán bún chả có treo tấm biển “có bán mang về”, chị Phạm Huyền thở dài: “Do tối qua đã có thông báo sớm nên sáng nay, tôi chuẩn bị ít đồ hơn mọi khi, nhưng lượng người ăn vẫn rất èo uột”. Bà chủ hàng này cũng tính toán chuyển đổi mô hình, từ làm bún chả sang bánh mì trứng để tiện cho khách mang về, tránh tồn hàng và phải đóng cửa. 

Muốn mở cửa, dịch vụ ăn uống phải treo biển thông báo “bán mang về” - Ảnh: bảo Khang
Muốn mở cửa, dịch vụ ăn uống phải treo biển thông báo “bán mang về” - Ảnh: Bảo Khang

Ngày thường, chợ Châu Long (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đông đúc, tấp nập, tiểu thương tràn cả xuống lòng đường nhưng hôm nay, gần như không có người qua lại. Phía cổng chợ, một vài người tranh thủ mua thực phẩm tươi. Vừa chất dăm bảy túi rau củ, thực phẩm lên xe, chị Thùy Dung chia sẻ, dù biết mua nhiều sẽ không giữ được độ tươi, ngon nhưng chị vẫn mua nhiều để hạn chế tối đa việc đến chỗ đông người hay tiếp xúc với người lạ.

Do có kinh nghiệm từ những lần tạm dừng hoạt động trước nên chị Đỗ Thị Hà - chủ một quán cà phê trên phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa - tỏ ra không quá bất ngờ. Ngày bình thường, quán vẫn phục vụ khoảng 80% suất ngồi tại chỗ. Kể từ 12g ngày 25/5, quán dừng phục vụ tại chỗ, chuyển sang hình thức “take-away” (bán mang về), tuy vẫn có nhiều khách quen tới mua nhưng số lượng giảm hẳn. Theo chị Hà, chị hoàn toàn ủng hộ với chỉ thị của UBND TP. Hà Nội và cho rằng, đây là điều cần thiết để góp phần khống chế dịch. 

Các cơ sở cắt tóc, gội đầu cũng tuân thủ chặt chẽ công điện khẩn của UBND TP. Hà Nội. Chủ một tiệm cắt tóc trên phố Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy) buồn rầu: “Tôi xác định đóng cửa ít bữa. Tôi chỉ mong muốn chủ nhà giảm bớt tiền cho thuê mặt bằng và hy vọng TP. Hà Nội sớm kiểm soát dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường”.

Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, từ sáng sớm 25/5, biển cấm đã được dựng lên và lực lượng chức năng tuần tra, không cho người dân tụ tập. Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế quận đi nhắc nhở, dọn dẹp vỉa hè. 

Ông Vũ Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm - thông tin: “Ngay từ trước ngày bầu cử, chúng tôi đã tổ chức đi tuyên truyền, nhắc nhở các hàng quán dọn dẹp, trả lại lòng đường, vỉa hè nên về cơ bản, tình hình an ninh, trật tự đã đi vào nền nếp. Sau khi có chỉ thị mới của UBND TP. Hà Nội về phòng, chống dịch, chúng tôi tiếp tục tổ chức các tổ kiểm tra, không cho tụ tập ăn uống đông người, đảm bảo giãn cách”.

Khuyến khích làm việc trực tuyến 

Theo Sở Y tế TP. Hà Nội, đến chiều 25/5, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 140 ca COVID-19 trong đợt dịch này. Một trong những “điểm nóng” của thành phố là chùm ca bệnh liên quan tới Công ty T&T và chung cư Times City (quận Hoàng Mai). Hiện đã có tổng số 29 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong chùm ca bệnh này. 

Rào chắn được dựng ở hồ Hoàn Kiếm, không cho tụ tập đông người - Ảnh: bảo Khang
Rào chắn được dựng ở hồ Hoàn Kiếm, không cho tụ tập đông người - Ảnh: Bảo Khang

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội - nhận định, các bệnh nhân trong chùm ca bệnh tại Công ty T&T và chung cư Times City có đặc điểm là cùng phòng, cùng tầng và ở nhà cao tầng. Các ca dương tính xuất hiện nhiều sau khi cách ly tập trung người nước ngoài. Do đó, cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý tại các tòa chung cư, nhà cao tầng và quản lý người sau cách ly tập trung, lập danh sách cụ thể để có thể truy vết khi cần. 
Bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất tăng số lần xét nghiệm cho các trường hợp F1 cách ly tập trung từ bốn lần lên sáu lần và kiến nghị hoãn tổ chức chiến dịch cho trẻ uống vitamin A vào ngày 1/6 để phòng, chống dịch. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ cho công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp F2, tăng cường tổ chức làm việc, họp trực tuyến thay vì tới công sở. Trong trường hợp họp trực tiếp, cần bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m, số ghế ngồi không vượt quá 50% công suất của phòng họp và nên chia nhỏ số người dự, hạn chế sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, tăng cường vệ sinh, mở cửa thông thoáng, hạn chế việc tiếp khách tại trụ sở, bảo đảm an toàn khi tổ chức bếp ăn tập thể… 

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tăng cường xét nghiệm sàng lọc ở những khu vực có nguy cơ cao, tổ chức tập huấn cho sinh viên các trường y để tạo nguồn nhân lực dự trữ, sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. 

Bảo Khang - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI