Góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Cân nhắc các giải pháp triển khai

23/05/2022 - 06:36

PNO - Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao, kiến nghị Chính phủ sớm dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó cần quy định các giải pháp sau:

 


 
Bạo lực gia đình

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền. Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi BLGĐ; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống BLGĐ… 

Thứ hai, cần quy định về công tác báo tin, trách nhiệm xác minh, phân loại, xử lý các vụ việc BLGĐ. Đề nghị người gây ra BLGĐ phải đến trụ sở công an cấp xã giải trình, buộc chấm dứt hành vi bạo lực và quy định thêm về các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc, đảm bảo an toàn và thực hiện các quy định về tư vấn pháp lý, tâm lý cho người bị BLGĐ, bị xâm hại tình dục.

Thứ ba, cần có những quy định bảo vệ người bị BLGĐ trong quá trình xét xử tại tòa án; bảo vệ trực tiếp người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác các vụ việc, hành vi bạo lực.

Thứ tư, quy định về lực lượng nhân viên công tác xã hội một cách chuyên nghiệp và sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống BLGĐ. Tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ. Người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. 

Thứ năm, đặc biệt để phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em cần phải quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh và tăng cường thông tin tuyên truyền trên môi trường mạng.

Thứ sáu, hằng năm, bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống BLGĐ. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống BLGĐ; phát triển các mô hình phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.

Thạc sĩ Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI