Giữa những ngày dịch bệnh, cần có trái tim dẫn đường

08/02/2020 - 10:03

PNO - Có ai ngờ rằng một ngày nào đó, rất nhanh, chuyện chiếc khẩu trang bình thường trở thành chuyện quốc gia đại sự.

Thông tin về dịch cúm corona phủ đầy các phương tiện truyền thông, được cập nhật từng giờ. Các cháu nhỏ, biết gì đâu về sự nguy hiểm của một nạn dịch đe dọa sự an nguy của nhân loại, chỉ nghe được nghỉ học tiếp sau kỳ nghỉ tết dài là nhảy cỡn lên “hoan hô corona!”.

Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch viêm phổi do virus corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn

Cha mẹ rầu rầu nghĩ đến cảnh chuỗi ngày bọn nhóc ở nhà cơm nước sinh hoạt sao, rồi mình vẫn đi làm liệu có mang mầm bệnh về không? Mẹ ngoài 70 tuổi, mắt mờ, tai nghe tiếng được tiếng mất lát chốc thỏ thẻ: “Sao rồi con?”…

Ảnh minh họa

Tinh mơ tôi giật mình tỉnh giấc, bởi tiếng nhạc ồn ĩ “Tết đến! Tết đến rồi!” suốt từ 20 tháng Chạp đến qua mùng tháng Giêng như một nỗi ám ảnh, thấy mẹ lọ mọ lôi hết thau thùng xô chậu xếp thành hàng ngay ngắn như trẻ con xếp hàng vào lớp. “Hứng nước để dành con, lỡ cúp nước có cái mà xài. Con hôm nay đi mua khô mắm, gạo, mì gói, muối khá khá về cho mẹ. Tụi con giờ cứ tênh hênh, không biết gì!”.

Tôi nhìn sững mẹ, thấy thương cho một đời thiếu thốn lo toan, trải qua biết bao thăng trầm được mất như trở bàn tay, để rồi ý nghĩ xa xôi đã trở thành phản xạ. Ừ nhỉ, sao cả nhà không ai nghĩ đến chuyện tích trữ thức ăn, nước uống? Cũng như chúng tôi đã từng không ai hiểu tại sao mẹ nhặt từng sợi dây thun, miếng ni-lông, từng vỏ chai nước tương nước mắm, gói ghém dẫu một miếng canh hay một mẩu thịt cá còn dư cho vào tủ lạnh.

Tôi nhớ đôi lần chị em chúng tôi còn cười, cho rằng mẹ lẩm cẩm và lạc hậu, tiết kiệm quá mức, thời nào rồi mà mẹ cứ vậy. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng gạo có thể hết, thức ăn có thể không còn, nước sẽ cạn.

 Tôi bất chợt giật mình, khi nghĩ đến những chiếc khẩu trang y tế mà mấy hôm nay đi tìm, xếp hàng rồng rắn mệt cả người để mua với giá gấp ba gấp bốn ngày thường mà không có. Ừ nhỉ, có ai ngờ rằng một ngày nào đó, rất nhanh, chuyện chiếc khẩu trang bình thường trở thành chuyện quốc gia đại sự. Thảng thốt nhận ra chuyện gì trên đời này cũng có thể xảy ra. Liệu chúng ta có thể lường hết trước được? Đó là những điều cha mẹ căn dặn mỗi ngày mà có ai để tâm, chỉ lặng lẽ quay lưng hoặc suy nghĩ trong đầu: “Ông bà già lẩm cẩm!”.

Tôi lại miên mải nghĩ đến sự trải nghiệm cũng như nỗi lòng của những người đi qua một chặng hành trình đời dài và thốt nhiên thấy mình thật nhỏ bé. Xung quanh chúng ta có biết bao người mẹ sinh ra đứa con bé bỏng, thức trắng đêm canh giấc ngủ cho con mà nước mắt chảy quanh khi nghĩ đến người sinh ra và nuôi mình lớn lên. Nghĩ đến những lúc ẩm ương, những lúc mình đã khiến mẹ phải rơi nước mắt mà nghe chân tay bất chợt như rời cả ra vì hối hận?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xung quanh chúng ta có biết bao người cha sáng sáng địu đứa con nhỏ ngủ gật trong lồng ngực, đứng lặng nhìn con lũn cũn mang ba-lô vào trường mà nghe thương đến xót xa những giọt mồ hôi của cha mình rơi trên đồng, trong nhà máy, công xưởng để gieo chữ cho mình ngày thơ ấu? Phải chăng chỉ đợi khi làm mẹ làm cha, khi chân bước qua, chúng ta mới thấu hiểu những con đường, hiểu thấu cái gì chúng ta đang có đều đáng để trân quý giữ gìn?

Tôi bất chợt nhớ hôm tết về thăm bà. Bà là cô ruột của ba tôi. Nội sinh ba khi bà chưa có chồng, có con nên cưng ba lắm. Sau này cũng thế. Ba tôi thi thoảng cười khà khà bên bình trà sáng kể cho chúng tôi nghe ký ức về bà, bao giờ kết thúc những câu chuyện kể cũng bằng nụ cười tủm tỉm và câu: “Bà Ba thương ba nhất!”. Vậy nên, gần như bất cứ khi nào rảnh là ba chạy đến chỗ bà. Cảnh cháu trai ngoài 70 thì thầm với cô 99 tuổi về những chuyện ngày xửa ngày xưa chỉ có hai người hiểu khiến nhiều người nhắc mãi.

Ông bà nội tôi giờ không còn, vậy nên, tết là chúng tôi về thăm bà như thăm nội. Con cái đôi khi thích ăn một món, yêu thương một người hay không thích một điều gì đó không phải vì tự thân chúng biết mà lâu dần nuôi giữ thói quen từ cha mẹ mình. Lòng yêu kính ông bà cũng thế, chỉ có thể được gieo từ tình yêu kính cha mẹ của cha mẹ chúng. Thế mới biết dạy dỗ trẻ con chưa bao giờ bằng lời nói mà chỉ có thể duy nhất bằng hành động của người lớn mà thôi. 

Bà chỉ còn thiếu một tuổi nữa là tròn 100, chân không đi được nhưng thị lực, thính lực và trí não vẫn vô cùng minh mẫn. Bà đưa bàn tay gầy guộc khô héo lần mở cái áo túi bà ba mới trắng tinh, mở cây kim tây, mang ra bọc tiền dày cộp. Tẩn mẩn đếm, gọi tên từng đứa cháu lì xì, tẩn mẩn căn dặn. Rồi gói cẩn thận bỏ vào túi cài kim tây chắc chắn cười khoe hàm răng chỉ còn lợi, ánh mắt bừng sáng niềm hãnh diện: “Bác Út đưa tiền trong nhà cho bà giữ đó. Bà giữ là không có mất!”.

“Bà giữ tiền bà vui lắm con, bán bao nhiêu dừa, trái cây được nhiêu bác đưa bà, một vài ngày cũng lấy lại nhưng bà vui và mừng lắm. Bác muốn bà có cảm giác bà hãy còn trẻ khỏe giữ tiền của cả nhà như ngày xưa. Người già không xài tiền nhưng cầm tiền họ an tâm và thấy mình còn có ý nghĩa với con cháu. Chỉ có vui và sống lâu với con cháu con”. Những lời của bác cứ luẩn quẩn trong đầu tôi không dứt ra được. Điều giản dị ấy liệu mấy ai hiểu?

Chỉ có niềm vui mới có thể làm người ta thiết tha với cuộc sống này. Phải yêu thương sâu sắc đến đâu - bác tôi - một người nông dân cả đời chỉ quẩn quanh với ruộng vườn mới có thể nói ra một điều mà chúng tôi - nói như ba - đi Tây đi u, tiếng Anh tiếng Pháp, học chữ đọc sách cả đời chắc gì ngộ được. Thế mới biết, những điều tốt đẹp trên đời, cách người đối với người, phải chăng chỉ cần trái tim dẫn đường là đủ?

Chưa khi nào tôi thấy mình ngoan như hôm nay, hí hoáy lấy hết thau thùng trong tủ bếp cùng mẹ hứng nước. Không một chút càu nhàu, tôi gọi người ta mang mấy chục ký gạo, lon ton chạy ra siêu thị mua mì, mua muối, mua đường, mua thịt về cùng mẹ xếp vào tủ lạnh. Đã lâu rồi tôi mới thấy mẹ vui như vậy.

Trong tiếng quạt máy lè xè quay trên tường, trong tiếng dép loẹt xoẹt đi tới đi lui của mẹ, tôi nghe tiếng được tiếng mất về những ngày xưa nhưng biết rõ hết câu chuyện vì mẹ đã kể có đến hàng trăm lần. Lần nào cũng hào hởi, mà chúng tôi có đứa nào chịu khó nghe đến lần thứ ba? 

Cơn nguy hiểm của dịch bệnh rồi sẽ qua. Chúng ta có thể tin thế như tin vào sự kỳ diệu và nỗ lực phi thường của nhân loại từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Nhưng những gì mẹ gieo vào lòng tôi và những gì tôi thấu hiểu được nhờ mẹ, có lẽ sẽ theo tôi mãi như một lời nhắc nhở: mình đã thực sự dành một trái tim để thấu cảm một trái tim trên đời, bất luận đó là ai chưa? 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI