Giành tấm HC vàng Olympic lịch sử: Hoàng Xuân Vinh đã phải đánh đổi những gì?

07/08/2016 - 12:21

PNO - Xạ thủ sinh năm 1974 đi vào lịch sử nước nhà với tấm HC vàng nội dung 10m súng ngắn hơi nam với điểm số kỷ lục 202,5.

Hai lần mồ côi mẹ và tấm HC vàng Olympic lịch sử

Hoàng Xuân Vinh sinh tại quê ngoại Sơn Tây, Hà Tây (cũ). Năm anh lên ba tuổi, mẹ mắc bệnh nan y qua đời. Sau biến cố đó, anh cùng người em một tuổi được bố đưa về sống trong một căn hộ nhỏ trên phố Thuỵ Khuê, Hà Nội.

Hết tang, bố Xuân Vinh đi thêm bước nữa. May mắn anh được người mẹ thứ hai hết lòng thương yêu, gia đình nhờ đó cũng êm ấm. Nhưng rồi, ngay trước thời điểm Xuân Vinh lập gia đình, bà mắc bệnh ung thư và qua đời. Xạ thủ sinh năm 1974 bảo anh “mồ côi mẹ tới hai lần”.

Còn về nghiệp bắn súng, Xuân Vinh cho rằng, đó là cái duyên tiền định. Từ bé, xạ thủ số một Việt Nam đã có ước mơ được nối nghiệp nhà binh của bố. Vì vậy, năm 1991, anh quyết định nhập ngũ rồi thi vào trường sỹ quan công binh.

Gianh tam HC vang Olympic lich su: Hoang Xuan Vinh da phai danh doi nhung gi?
Hoàng Xuân Vinh (giữa) vượt qua đối thủ chủ nhà Wu (trái) và Pang Wei của Trung Quốc để giành HC vàng.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi được giao chỉ huy một đơn vị tại Lữ đoàn công binh 239 ở Thường Tín. Chính tại nơi đây, tôi đã bén duyên với bắn súng. Là sỹ quan nên tôi thường xuyên tập bắn. Tôi bắn đủ các loại súng như CKC, K54, AK… Lãnh đạo đơn vị thấy tôi bắn tốt nên đưa vào đội để thi các giải phong trào. Năm 1998, nhờ thành tích xuất sắc tại giải bắn súng toàn quân, tôi được chọn vào đội bắn súng của quân đội, tới năm 2001 thì gia nhập đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, tới tận năm 2004, tôi mới coi bắn súng là nghề nghiệp cuộc đời, thực sự chuyên tâm và dốc sức cho nó”, Xuân Vinh kể lại.

Nói về những bí quyết để trở thành một trong những xạ thủ hàng đầu thế giới, Xuân Vinh chia sẻ đó là đam mê tột đỉnh: “Tôi khi nghỉ có thể đi chơi, uống café, hút thuốc... Nhưng khi tập huấn, thi đấu giải, tôi bỏ hết. Tôi luôn tập trung tối đa, trong đầu chỉ có bắn súng, không làm bất cứ điều gì khác. Đây là nguyên tắc mà mất rất nhiều thời gian tôi mới tu tập được”.

Những khó khăn và tinh thần thép

Xuân Vinh thậm chí từng xác định theo nghiệp bắn súng là chấp nhận giảm tuổi thọ. Mỗi ngày, anh nâng súng khoảng 400 lần, phải nín thở bóp cò, nợ oxy, ảnh hưởng đến tim mạch. Thêm đó là tinh thần luôn căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, anh không hề tiếc nuối điều đó.

Anh chia sẻ: "Về mặt sinh học mà nói thì bắn súng tuy không phải là môn thể thao đối kháng để mà gặp phải chấn thương trực tiếp, nhưng VĐV bắn súng luôn gặp phải tình trạng là “nợ dưỡng” (tạm thời thiếu dưỡng khí), tức là phải nín thở nhiều”.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, hệ tim mạch và hệ thần kinh. Việc phải tập trung nhiều và phải đứng lâu ở một tư thế có thể gây ra hiện tượng là máu không lên não. Nếu sau buổi tập không tập vận động hoặc các bài tập mềm dẻo thì sau này dễ dẫn tới hiện tượng bị mất tiền đình.

Gianh tam HC vang Olympic lich su: Hoang Xuan Vinh da phai danh doi nhung gi?
Theo nghiệp bắn súng nhưng Hoàng Xuân Vinh bị cận thị.

Ngoài ra, VĐV bắn súng còn bị ảnh hưởng tới xương khớp, vì đứng lâu ở một tư thế trong nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm như thế sẽ dẫn tới gặp vấn đề về cột sống. Đa phần các VĐV súng trường đều bị vẹo cột sống, còn VĐV súng ngắn thì bị lệch vai vì chỉ nghiêng về một bên. Cho nên việc vận động sau các buổi tập có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, cần phải vận động như thế để cho các cơ quan sinh học trong cơ thể vận động lại như bình thường.

Rồi một vấn đề nữa là mắt cùng việc VĐV hít phải khói đạn độc hại. Tất nhiên do cơ chế đào thải sinh học rồi cơ chế tập luyện của mỗi người mà tác dụng phụ của tập luyện bắn súng được giảm bớt đi, nhưng cơ bản thì vẫn bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, một điều luôn khiến xạ thủ vừa giành HC vàng Olympic 2016 trăn trở là việc anh đi tập huấn, thi đấu quanh năm, khiến vợ con chịu thiệt thòi.

“Cái mất lớn nhất khi tôi theo bắn súng đó là thời gian dành cho gia đình. Tôi mồ côi mẹ từ khi ba tuổi nên hiểu rõ con cái thiếu thốn tình cảm khổ sở thế nào. Tôi muốn dành cho con mình nhiều thời gian nhưng không thể. Là vận động viên, dự nhiều giải, tôi đi suốt, có khi cả vài tháng mới về nhà một lần. Có năm tôi đi thi đấu tới tận 14h chiều ngày 30 Tết mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Về tới nhà là 16h, tôi dội qua người chút rồi vội vàng đưa vợ con đi sắm cành đào, làm mâm ngũ quả”, Xuân Vinh kể.

Gianh tam HC vang Olympic lich su: Hoang Xuan Vinh da phai danh doi nhung gi?
Niềm vui của Hoàng Xuân Vinh sau loạt bắn quyết định.

Anh bảo tội nhất là vợ, phải vất vả một mình chăm lo cho gia đình. Anh đi thi đấu, giành vinh quang, lên báo, lên truyền hình nhưng người phụ nữ không cần những thứ đó, cái họ cần là một người đàn ông chia sẻ mọi việc trong cuộc sống.

 “ Phải nói là vợ tôi đã hy sinh rất nhiều. Tôi có được thành tích như hiện tại nhờ một phần rất lớn vào hậu phương vững chắc mà vợ tôi đã lo lắng cho tôi. Tôi thường xuyên đi tập huấn và thi đấu nên không có thời gian chăm sóc gia đình.

Ngày xưa lúc mới quen nhau thì tôi đã theo nghiệp VĐV bắn súng chuyên nghiệp được vài năm nên vợ tôi cũng đã dần quen với cuộc sống của một VĐV. Chúng tôi đều tôn trọng nghề nghiệp của nhau, cũng có lúc này lúc khác nhưng chúng tôi đều hiểu đây là công việc để duy trì cuộc sống gia đình. Lúc không phải đi tập huấn thi đấu thì tôi đều tranh thủ thời gian để đi chơi cùng gia đình”.

Gia đình với Hoàng Xuân Vinh không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là bến bờ giúp anh tìm lại sự thư thái sau những sóng gió vì thất bại hoặc kết quả kém như ý muốn. Hoàng Xuân Vinh tâm sự: “Có những lúc tôi thi đấu thất bại ở những giải lớn thì lúc về cả gia đình lẫn bạn bè người thân đều  biết. Lúc đấy, mọi người đều động viên chia sẻ với tôi, đều nói rằng thất bại chỉ là một tai nạn nhỏ, không thành vấn đề, cố gắng vượt qua, còn nhiều cơ hội khác”.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi quyết định gắn bó với nghiệp làm một xạ thủ nhưng Hoàng Xuân Vinh khẳng định, anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định đã gắn bó cuộc đời với bắn súng, vì theo anh nói thì “niềm vui lớn nhất của tôi là tiếp tục được chơi bắn súng. "Đến lúc này, có thể nói rằng, bắn súng đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui, cả về tinh thần lẫn vật chất, dù rằng về vật chất thì không được nhiều, chỉ là một phần nào đó để giúp cuộc sống thay đổi mà thôi", Xuân Vinh nói.

Trước đó, tại Olympic 2012, Hoàng Xuân Vinh đã lọt vào chung kết 50m súng ngắn tự chọn nhưng chỉ đứng hạng 4. Sau 4 năm sau, qua một quá trình đầu tư tích lũy rèn luyện, xạ thủ đang mang quân hàm đại tá của quân đội này đã vượt lên giành HCV đầy tự hào.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà khi giành chiếc HCV đầu tiên trong những lần chúng ta tham dự Olympic. Sau chu kỳ 8 năm, thể thao Việt Nam lại giành huy chương tại Olympic. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã giành tấm HCB, trước đó VĐV Trần Hiếu Ngân đã giành HCB tại Olympic Sydney 2000. Hoàng Xuân Vinh là cái tên thứ 3 đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với việc giành huy chương Thế vận hội.

Hoàng Xuân Vinh sẽ nhận mức thưởng khoảng 2,2 tỉ đồng mà các nhà tài trợ đã hứa treo thưởng cho đội bắn súng Việt Nam trước khi tới Brazil.

Minh Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI