Gian nan xử lý chó thả rông vắng chủ

19/04/2024 - 06:41

PNO - TPHCM có 59 đội, tổ chuyên trách việc bắt chó thả rông. Mỗi lần ra quân, lực lượng này đều bắt được chó nhưng sau đó lại không có đủ kinh phí để nuôi nhốt hay tiêu hủy.

Cứ ra quân là tóm được chó thả rông

Giữa tháng 4/2024, đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức tổ chức ra quân. Đến hẻm 158 đường số 5, thấy chó thả rông không rọ mõm, các thành viên của đội dùng vợt lưới bắt giữ chó. Chủ chó là bà T. từ trong nhà lao ra ngăn, khóc lóc thảm thiết, năn nỉ trả lại thú cưng của mình: “Tôi vừa thả nó đi vệ sinh một chút thôi rồi cho vô nhà liền mà” - bà T. phân trần.

Ông Mai Hoàng Tiến - thành viên đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh - cho biết, cảnh chủ chó năn nỉ, phản ứng, thậm chí chửi bới các thành viên của đội vẫn thường xuyên xảy ra. Do vậy, mỗi khi đi bắt chó thả rông, đội thường mời 2 công an khu vực đi theo hỗ trợ, đồng thời cắt cử người quay phim làm bằng chứng.

Các thành viên đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức dùng vợt lưới bắt chó - ẢNH: TÚ NGÂN
Các thành viên đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức dùng vợt lưới bắt chó - ẢNH: TÚ NGÂN

Được thành lập từ tháng 11/2022, đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh thường tổ chức tuần tra vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Với khoảng 60 lần ra quân kể từ ngày thành lập, đội đã bắt giữ gần 200 con chó thả rông. Ông Mai Hoàng Tiến cho biết, sau khi bắt được chó, đội mang về một địa điểm cố định để nhốt trong lồng sắt, đánh số ký hiệu vật nuôi, tắm rửa sạch sẽ, có khi còn thuê bác sĩ thú y đến chích thuốc ngừa ve và điều trị bệnh. Chó thả rông được tạm giữ trong vòng 48 giờ.

Trong 48 giờ này, UBND phường phát loa và đăng tin trên các nhóm (group) Zalo của khu phố để thông báo. Nếu chủ vật nuôi muốn nhận lại chó thì phải nộp phạt và cam kết không tái phạm. Nếu sau 48 giờ mà chủ không đến nhận lại chó thì UBND phường làm thủ tục chuyển giao chó cho đơn vị chức năng xử lý theo văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM. Trên thực tế, có khoảng 80% số người đến đóng phạt để nhận lại vật nuôi.

Không chỉ ở các quận ven hay huyện ngoại thành, ngay ở các quận trung tâm thành phố, tình trạng thả rông chó cũng khá phổ biến. Chiều 10/4, tổ bắt chó thả rông của phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 ra quân. Đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Bùi Viện, tổ bắt được 1 trong 2 con chó thả rông ngoài đường. Chủ chó vội chạy ra dắt con còn lại vào nhà rồi năn nỉ các thành viên trong tổ trả lại chó.

Trước khi tổ chức bắt chó thả rông, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã gửi thông tin cho các hộ, tuyên truyền về các quy định liên quan đến nuôi chó, nhưng người dân vẫn cứ để chó chạy rông.

Tiêu hủy hay dùng cho nghiên cứu đều "vướng"

Ông Nguyễn Hữu Thiết - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM - cho biết, theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND chịu trách nhiệm theo dõi, xử lý chó thả rông bị bắt không có người nhận; nếu sau 48 giờ mà không có người nhận thì tiêu hủy theo hướng dẫn của bộ hoặc nhờ dịch vụ môi trường tiêu hủy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cũng có công văn, trong đó hướng dẫn rằng, nếu sau 48 giờ mà không có người nhận thì UBND phường có thể chuyển chó cho đơn vị làm công tác nghiên cứu. Các cơ sở có nhu cầu nghiên cứu phải có văn bản phối hợp và sử dụng chó đúng mục đích, đối xử nhân đạo với vật nuôi theo đúng Luật Chăn nuôi. Sau khi dùng chó phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, các cơ sở phải xử lý chó theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại diện một trường có đào tạo chuyên ngành thú y ở TPHCM cho biết, thời gian qua, chính quyền của 2 địa phương đã gửi văn bản đề nghị nhà trường tiếp nhận chó thả rông không có người nhận để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhưng nhà trường chưa chấp thuận. Lý do là trường có nhu cầu nhưng chỉ nhận một vài cá thể, không nhận nhiều.

Muốn tiếp nhận nhiều chó, trường phải bố trí chuồng trại, người chăm sóc, kinh phí mua thức ăn. Chi phí cho các khoản này rất tốn kém, trường cũng không biết lấy nguồn tiền nào ra để chi.

Sau khi bắt được chó thả rông, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đánh số, thông tin trên Zalo và loa phát thanh để chủ nuôi đến đóng phạt, nhận lại chó - ẢNH: TÚ NGÂN
Sau khi bắt được chó thả rông, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đánh số, thông tin trên Zalo và loa phát thanh để chủ nuôi đến đóng phạt, nhận lại chó - ẢNH: TÚ NGÂN

Theo đại diện trường này, ở TPHCM có 4-5 trường đào tạo chuyên ngành chăn nuôi, thú y nhưng chỉ có thể tiếp nhận vài cá thể chó, mèo để nghiên cứu. Do đó, nên sớm có hướng dẫn về việc này bởi nhu cầu của các trường là có và việc tiêu hủy chó, mèo vừa lãng phí, vừa không nhân văn.

Chủ tịch UBND của một phường ở quận Bình Tân cho biết, theo quy định hiện hành, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý chó thả rông không người nhận sau 48 giờ. Các địa phương rất muốn bàn giao chó, mèo cho các trường để phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nhưng các trường thỉnh thoảng mới xin tiếp nhận với số lượng rất hạn chế.

Vị lãnh đạo UBND phường này cho hay, mỗi tuần, có 1-2 con chó thả rông bị bắt mà không có người nhận lại. Mỗi lần tổ chức tiêu hủy chỉ 1-2 con là không hợp lý bởi theo quy định, phải làm chết vật nuôi bằng điện trước khi tiêu hủy, đòi hỏi phải do đơn vị chuyên môn thực hiện, phải tốn kinh phí và phải mời được người có chuyên môn.

Nhưng nếu nhốt vật nuôi lại để tiêu hủy theo đợt với số lượng lớn thì phải có chuồng trại, có người chăm sóc, có kinh phí mua thức ăn, nước uống, vật dụng đựng đồ ăn, thức uống.

Dữ liệu hóa để quản lý vật nuôi hiệu quả

Vướng mắc trong việc xử lý chó thả rông vắng chủ cũng khá giống với việc xử lý phương tiện giao thông vi phạm không người nhận. Trong khi đó, TPHCM đang có 59 đội, tổ bắt chó thả rông, số chó bắt giữ được mỗi tháng không phải ít. Theo tôi, giải pháp căn cơ là buộc chủ vật nuôi đăng ký, còn chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn có trách nhiệm dữ liệu hóa vật nuôi (gắn chip có đánh mã số kèm thông tin chủ vật nuôi, nơi ở, địa chỉ liên lạc…).

Khi đó, mỗi lần bắt được chó thả rông, các đội, tổ sẽ truy xuất ngay được chủ vật nuôi, yêu cầu đóng phạt và nhận lại vật nuôi, cam kết không tái phạm. Thậm chí, nếu dữ liệu hóa được vật nuôi thì không cần có các đội, tổ bắt chó mà chỉ cần giám sát qua camera, gửi thông báo phạt cho chủ vật nuôi thả rông chó, như cách mà các nước phát triển đang áp dụng.

Luật sư Nguyễn Trí Đức (Đoàn Luật sư TPHCM)

Tú Ngân - Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI