Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố: 'Sân chơi' của ai?

22/04/2019 - 12:05

PNO - Khi sự hào hứng với giải nhất hoàn toàn thuyết phục và xứng đáng của nhạc kịch 'Tiên Nga' tạm lắng, người trong nghề chợt nhận ra, có quá nhiều vấn đề trong cách chọn lựa tác phẩm của Hội Sân khấu TP.HCM.

Sự trở lại của Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM lần 2, sau một thời gian gián đoạn, khiến các văn nghệ sĩ nô nức. Đây là giải thưởng mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của thành phố với hoạt động VHNT, góp phần tiếp lửa để văn nghệ sĩ thành phố phát huy tài năng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tiếc rằng, vài cách làm của hội nghề nghiệp đã gây bức xúc và thất vọng cho nghệ sĩ, khiến họ mất niềm tin, ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của một giải thưởng quan trọng về VHNT ở TP.HCM.

Có những chuyện cũ kỹ, cứ lặp đi lặp lại ở nhiều giải thưởng: thiếu vắng những gương mặt trẻ, giải thưởng chỉ tập trung vào một số tên tuổi “lão làng”; tác phẩm đoạt giải chưa phản ảnh hết thực tế sinh động của đời sống xã hội, chưa phác họa được diện mạo của một số lĩnh vực nghệ thuật…

Giai thuong Van hoc nghe thuat Thanh pho: 'San choi' cua ai?
Dù đoạt nhiều thành tích, có nhiều đóng góp cho hoạt động văn học nghệ thuật thành phố, nghệ sĩ xiếc vẫn đứng bên lề giải thưởng

Tiếp theo vụ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở lĩnh vực âm nhạc, giải thưởng của lĩnh vực sân khấu cũng có không ít vấn đề. Khi sự hào hứng với giải nhất hoàn toàn thuyết phục và xứng đáng của nhạc kịch Tiên Nga tạm lắng, người trong nghề chợt nhận ra, có quá nhiều vấn đề trong cách chọn lựa tác phẩm của Hội Sân khấu TP.HCM.

Giải thưởng của 5 năm - từ năm 2012 đến 2017, nhưng các tác phẩm đoạt giải chủ yếu nằm trong giai đoạn 2015-2018. Cá biệt, Tổ quốc nơi cuối con đường là tác phẩm được dàn dựng để tham dự liên hoan cải lương 2018, được phúc khảo vào tháng 8/2018. Khúc mắc ở chỗ, vở này không được trao giải tác phẩm mà trao giải kịch bản cho tác giả Lê Thu Hạnh (giải ba).

Nhiều người làm nghề đặt câu hỏi: trao giải cho kịch bản Tổ quốc nơi cuối con đường theo tiêu chí nào? Giải thưởng VHNT TP.HCM 5 năm được hiểu là giải thưởng dành cho tác phẩm tốt, có tính lan tỏa. Kịch bản trên giấy lan tỏa như thế nào? Hơn nữa, kịch bản Tổ quốc nơi cuối con đường được chuyển thể cải lương vào cuối tháng 7/2018. Liệu có gì khuất tất ở sự lựa chọn này, từ vòng sơ khảo của Hội Sân khấu?

Một câu hỏi khác: những tác phẩm được trao giải đều trong khung thời gian từ 2015-2017, chẳng lẽ ngay sau Giải thưởng VHNT TP.HCM lần 1 (2006-2011) đời sống sân khấu thành phố từ 2012-2014 là khoảng trắng?

Giai thuong Van hoc nghe thuat Thanh pho: 'San choi' cua ai?
Nghệ sĩ Thành Lộc diễn lại một trích đoạn trong vở nhạc kịch Tiên Nga tại lễ trao giải sáng 19/4

Một Vua Thánh triều Lê của Idecaf được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của sân khấu kịch nói trong năm 2012. Cũng trong năm này, vở cải lương Cội nguồn của Nhà hát Trần Hữu Trang về hòa giải dân tộc sau chiến tranh cũng đoạt huy chương vàng liên hoan cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Chuyện bây giờ mới kể (sân khấu Hoàng Thái Thanh) là cú đột phá của sân khấu tư nhân khi dựng vở chính luận với câu chuyện về cuộc đấu tranh chống lại những kẻ cơ hội, dối trá, thoái hóa về tư tưởng, đạo đức. Đây là một trong số hiếm hoi những vở kịch chính luận có bán vé doanh thu và có sức sống khá bền bỉ: từ năm 2013 đến 2018.

Cõng mẹ đi chơi của sân khấu Thế Giới Trẻ, ra mắt năm 2014, cũng là một trong những dấu ấn khó quên. Không chỉ giành huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2015, Cõng mẹ đi chơi còn là dấu ấn đẹp với đồng nghiệp cả nước về một ê-kíp làm kịch nói còn rất trẻ của TP.HCM. Những tác phẩm ấy đều đã bị lãng quên trong mùa giải này.

Giai thuong Van hoc nghe thuat Thanh pho: 'San choi' cua ai?
Chuyện bây giờ mới kể - vở chính luận hiếm hoi sống được nhờ doanh thu

Nhưng điều khó hiểu hơn cả là sự thiếu vắng của nghệ thuật xiếc ở Giải thưởng VHNT TP.HCM lần 2. Xiếc là một trong những loại hình nghệ thuật có đóng góp không nhỏ cho diện mạo và thành công của đời sống VHNT TP.HCM trong mắt đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế. Cho đến nay, có lẽ xiếc là bộ môn nghệ thuật đã mang về cho TP.HCM nhiều huy chương, giải thưởng trong nước và quốc tế danh giá nhất.

Không chỉ thành công với từng tiết mục biểu diễn của cá nhân, xiếc TP.HCM còn có nhiều chương trình được đầu tư rất nhiều tâm huyết mà nổi bật nhất là chương trình Đất Phương Nam của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Ra mắt năm 2016, chương trình tái hiện cuộc sống lao động, tình yêu của những con người đầu tiên khai phá vùng đất U Minh hoang sơ thành Nam bộ trù phú ngày nay. Ngoài những suất diễn phục vụ khán giả TP.HCM và Hà Nội, Đất Phương Nam đã có hơn 10 chuyến lưu diễn tại Pháp, Bỉ, Hà Lan… Vậy mà, những nghệ sĩ xiếc vẫn ngậm ngùi đứng bên lề giải thưởng.

Giai thuong Van hoc nghe thuat Thanh pho: 'San choi' cua ai?
Những giải thưởng đều được trao cho nghệ sĩ lứa tuổi trung niên trở lên, không có sự góp mặt của nhóm trẻ.

Xin đừng giải thích rằng những tác phẩm được nhắc trên hoặc nhiều tác phẩm tốt khác không có tên trong danh sách giải thưởng do đơn vị không đăng ký, không gửi tranh giải; bởi dân làm nghề thừa hiểu, có những tác phẩm được giải mà chẳng cần phải làm đơn hay đăng ký tham gia.

Hội nghề nghiệp cần có tầm nhìn bao quát, sâu sắc và công tâm, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Hãy làm đúng trách nhiệm của mình và đừng biến hội nghề nghiệp thành một tổ chức quyền lực với quy định xin - cho và ban phát sự ưu ái dựa trên những mối quan hệ hay cảm xúc yêu ghét của cá nhân. Có những giá trị không được đo đếm bằng giải thưởng, bằng khen; nhưng cũng đừng vì vậy mà đánh tráo các giá trị, biến giải thưởng của thành phố thành nguyên nhân của giận hờn, bức xúc, thất vọng nơi công chúng và người làm nghề. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI