Giá thịt heo tăng chót vót, khó bề 'hạ nhiệt' do cung không đủ cầu

27/12/2019 - 06:46

PNO - Cơ quan quản lý cho rằng doanh nghiệp, người nuôi găm hàng, đẩy giá thịt heo tăng cao, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Không ai dại găm hàng lúc này

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho rằng, chẳng có lý do gì để doanh nghiệp, thương lái hay người nuôi găm heo lúc này. Giá heo hơi đang ở mức quá cao, trên dưới 90.000 đồng/kg, lợi nhuận đã hơn 40.000 đồng/kg heo hơi. Hộ nào có heo bán lúc này xem như may mắn. Thị trường khan hiếm thực sự, thương lái thậm chí mua cả heo 60-80kg/con, người nuôi cũng chấp nhận bán heo non vì đang được giá, đồng thời lo dịch tả heo châu Phi có thể ập đến bất cứ lúc nào.

“Mỗi con heo 100kg lời tới 4-5 triệu đồng, chẳng ông nào dại đến mức giữ heo trong chuồng. Heo quá cân thường có tỷ lệ mỡ nhiều, thương lái thường ép giá. Giữ heo lại chỉ tốn chi phí thức ăn, rủi ro về dịch bệnh” - chủ một hộ nuôi heo ở xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chia sẻ. 

Thương lái cũng không dại gì đi thu mua heo về găm lúc này. Hơn ai hết, họ biết rõ, việc gom heo về “ủ” chờ giá lên chẳng khác gì tự sát, vì heo gom khắp nơi về nhốt chung chuồng có thể chết sạch trong một đêm nếu dính dịch tả heo châu Phi. Càng nhiều heo gom từ nhiều nguồn, càng dễ dính dịch. 

Gia thit heo tang chot vot, kho be 'ha nhiet' do cung khong du cau
Nếu không có biện pháp hợp lý, giá heo sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài

Trước đây, mỗi lần giá thịt trong nước tăng cao, một quyết định nhập thịt đông lạnh về trong nước cũng có thể khiến giá heo hơi và giá thịt bán lẻ giảm chỉ vài ngày sau đó. Tuy nhiên, cách đây cả tháng, sau khi Bộ Công thương công bố thị trường thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt và sẽ bổ sung bằng nguồn thịt nhập, giá heo hơi vẫn tăng liên tục, thậm chí suýt chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg heo hơi tại phía Bắc. Giá thịt heo đông lạnh hiện cũng không còn thấp như hồi đầu năm do ở châu Âu cũng xảy ra tình trạng khan hiếm thịt, giá tăng.

Những ngày gần đây, giá heo hơi có xu hướng giảm vài ngàn đồng/kg, nhưng theo đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi (xin giấu tên), đó chỉ là do gần đây, có nhiều ngày lễ của các tôn giáo, số lượng người ăn chay nhiều, nhu cầu giảm nhẹ. Thêm vào đó, nguồn heo sống nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia về quá nhiều làm giảm sức ép về nguồn cung.

Vị này liệt kê hàng loạt cửa khẩu có heo lậu về như Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), Tịnh Biên, Châu Đốc (tỉnh An Giang) có lúc lên tới 3.000 con/ngày, cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) 700 con/ngày, cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) khoảng 280 con/ngày, cửa khẩu Chiềng Khương (tỉnh Sơn La) khoảng 560 con/ngày… Tính theo miền thì heo lậu về miền Nam khoảng 3.000 con/ngày, về miền Bắc khoảng 2.000 con/ngày. 

Nguồn heo nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan do chênh lệch giá: heo Thái chỉ chưa đầy 70.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng/kg so với heo tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn heo này không dồi dào, tổng đàn của Thái Lan chỉ khoảng 15 triệu con, bằng một nửa của Việt Nam trong khi nước này cũng đang bị dịch tả heo châu Phi hoành hành. Khi nguồn heo này không còn, sức tiêu thụ tăng cao trong dịp tết, giá thịt có thể tăng trở lại theo quy luật cung cầu. Theo nhận định của một số nhà chăn nuôi lớn, các nhà quản lý chưa đánh giá được chính xác sản lượng heo hiện có nên “đổ” cho thương lái, người nuôi găm hàng, gây tăng giá. 

Trước đây, khi giá heo hơi tăng trên mức 45.000 đồng/kg, không cần nhà nước kêu gọi, người nuôi cũng đổ xô nuôi heo, vì giá thành chăn nuôi chỉ khoảng 32.000-33.000 đồng/kg, mỗi ký heo hơi có thể kiếm lời cả chục ngàn đồng. Nhưng hiện nay, dù giá heo đã tăng đến hơn 90.000 đồng/kg, người chăn nuôi cũng không dám tái đàn, trừ khi có được vắc-xin phòng chống dịch tả heo châu Phi. Họ biết rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Nhiều người đã thử để chuồng trống vài tháng, sát trùng, cách ly đủ kiểu mới tái đàn nhưng chỉ vài tuần sau, heo lại đồng loạt lăn ra chết. Giá heo thịt cao chót vót nhưng heo giống hiện cũng có giá 2-2,5 triệu đồng/con, mọi chi phí chăn nuôi đều đã tăng vọt khiến nông dân không dám mạo hiểm.

Giá thịt khó giảm ngay

Mấy tháng trước, Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn cung thịt heo do dịch tả heo châu Phi. Sau rất nhiều biện pháp đối phó, hiện ngoài việc mở các kho dự trữ thịt đông lạnh lớn, họ còn tập trung vào việc tái đàn trên cơ sở an toàn sinh học và có nhiều chính sách khuyến khích người chăn nuôi nhỏ lẻ. Dù vậy, theo tính toán của ngành nông nghiệp nước này, đến năm 2025, ngành chăn nuôi heo mới ổn định trở lại. Việt Nam không có các kho dự trữ thịt lớn, các biện pháp tái đàn an toàn dịch bệnh hiện cũng mới chỉ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi. Rất nhiều nông dân chưa biết chăn nuôi an toàn sinh học là thế nào, chỉ biết chắc chắn rằng, trong chuồng trại nhà mình vẫn còn nguy cơ dịch bệnh, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Tiến sĩ Kiều Minh Lực - chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi - cho hay, giá heo trong thời gian qua đang tăng dần và đến giai đoạn cuối chu kỳ từ tháng 12/2019 là bắt đầu chuyển vào giai đoạn đỉnh điểm của thiếu hụt. Việc tái đàn bắt đầu có dấu hiệu từ tháng 10/2019 nhưng tỷ lệ còn thấp, cho thấy việc mất cân đối cung cầu thịt heo có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2020.

Tiến sĩ Lực cho rằng, nhiều giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đã có hiệu ứng tích cực như hướng dẫn người tiêu dùng cân đối nhu cầu hằng ngày về đạm động vật từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn của heo, giúp heo nhanh đạt trọng lượng xuất chuồng. Ước tính, sau khi trừ đi số heo thịt đã tiêu hủy, tổng đàn heo thịt hiện có khoảng 19 triệu con, trong đó 65% là heo thịt từ các giống năng suất cao và nếu thay đổi trọng lượng xuất chuồng từ 100kg/con lên 120kg/con, tổng sản lượng thịt hơi sẽ tăng lên 480.000 tấn/năm và có thể bù đắp 100% lượng thịt heo thiếu hụt do dịch bệnh. 

Bộ cũng đã nhiều lần mời đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi ngồi lại, nhất trí giữ mức giá hợp lý để ổn định thị trường thịt heo và đã có lần mang lại kết quả tốt cho thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc duy trì mức giá thấp hơn thị trường 6-7% của các doanh nghiệp chăn nuôi đang có biểu hiện đuối sức và có nguy cơ phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực cho cả doanh nghiệp lẫn thị trường heo hơi. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI