Giáo viên tiểu học 'bơi' cùng học sinh

13/11/2014 - 07:07

PNO - PN - Học sinh (HS) tiểu học phải gánh chịu nhiều áp lực học hành là một thực tế. Nhưng ở bậc học này, chính giáo viên (GV) cũng đang gồng mình lên để “bơi” cùng HS với hàng trăm việc không tên, trong đó có cả...

edf40wrjww2tblPage:Content

Quá nhiều áp lực

Cô Trang Th. - một GV dạy tiểu học tại TP.HCM, kể lại những công việc trong ngày: cô thức dậy từ 5g30 và đúng 6g dắt xe ra khỏi nhà. Trên đường đến trường, cô ghé vào một trong hai nơi quen thuộc để mua bánh mì hoặc xôi. Đúng 6g30, cô có mặt tại cổng trường theo quy định, điểm dấu vân tay rồi tranh thủ ăn sáng. 6g45, trống báo, cô Th. cho HS xếp hàng vào lớp, cho các em truy bài đầu giờ. Vì buổi sáng thứ Hai có chào cờ nên sau khi truy bài, cô cho HS xuống sân dự lễ chào cờ.

Cô bắt đầu dạy từ tiết học thứ hai vào 7g45. Trong bốn tiết buổi sáng (hoặc năm tiết nếu tính cả tiết chào cờ đầu tuần), cô Th. được nghỉ 25 phút giữa giờ, nhưng vẫn tranh thủ ngồi tại lớp để chấm bài và kèm cặp những HS yếu. Buổi sáng thứ Hai kết thúc vào 10g50 (những ngày khác kết thúc lúc 10g10), cô cho HS xếp hàng đến nhà ăn, vội vàng ra khỏi trường để về nhà lo bữa trưa và nghỉ lưng khoảng 20 phút rồi lại tất tả đến trường đúng 13g45 để điểm danh. Công việc dạy học lại tiếp tục cho tới 16g30 mới kết thúc.

Dù ở trường hay ở nhà, công việc hàng ngày của cô Th. gần như đã được lập trình sẵn. Đúng 19g30, sau bữa tối, cô lại ngồi vào bàn để chấm bài cho HS (nếu chấm ở trường chưa xong), soạn giáo án, rút kinh nghiệm các tiết dạy trong ngày, làm đồ dùng dạy học và chuẩn bị cho tiết dạy hôm sau. Khoảng 23g công việc mới thực sự kết thúc. Nhưng cũng có hôm bài nhiều, hoặc phải viết sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, thì phải đến 1-2g sáng cô mới được ngủ.

Trên lý thuyết, GV cũng có một vài giờ nghỉ xen kẽ khi HS học các môn năng khiếu, thế nhưng họ vẫn phải tranh thủ chấm bài, nếu không sẽ không kịp. Cô Th. nhẩm tính, trừ tiết chào cờ và hai tiết năng khiếu, thứ Hai cô dạy năm tiết gồm toán, khoa học, địa lý, lịch sử và vẽ. Nếu chấm điểm như trước đây, cô phải chấm 140 bài (lớp 35 HS) và nhận xét 35 bài đạo đức. Bây giờ, dù không còn chấm điểm thì cô vẫn phải đọc, sửa và nhận xét cho từng HS.

Áp lực công việc là không nhỏ, nhưng GV tiểu học ngán ngẩm nhất là “món” dự giờ. Theo quy định, GV phải dự giờ 50% số lớp trong khối trong một tháng. Nếu khối có tám lớp thì tuần nào cũng có dự giờ, và phải lên một tiết cho người khác dự. Đó là chưa kể phải dự thao giảng của trường (mỗi tháng), thao giảng quận (mỗi học kỳ). “Để lên một tiết thì phải chuẩn bị nhiều tiết. Nếu lên tiết thao giảng cấp quận thì phải chọn người, chọn bài, chuẩn bị, lên thử rồi sửa… trong nhiều tháng. Thành ra khi thao giảng chỉ là “diễn” lại. Cả thầy và trò đều khổ vì cái sự “giả” ấy. Thầy thì ra sức “gà” bài, còn trò thì ra sức học bài trước khi “diễn” - một GV dạy tiểu học tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM than.

Nghe chúng tôi nhắc đến ngày thứ Bảy, cô Ph., GV một trường tiểu học tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM mơ ước được trở lại ngày xưa: “Hồi đó, cô trò chỉ phải học năm buổi mỗi tuần, thứ Năm thì được nghỉ. Còn bây giờ, tiếng là được nghỉ ngày thứ Bảy nhưng chẳng bao giờ thầy cô giáo được nghỉ thật, bởi trăm thứ phải lo”.

Cô Ph. liệt kê: thứ Bảy tuần trước, trường cô tổ chức học sử dụng bảng tương tác, thứ Bảy tuần này tham gia phong trào 20/11, ai không trực tiếp tham gia cũng phải đi... cổ động chứ không được ở nhà. Trước đó nữa thì tham gia thi viết chữ đẹp, triển khai học tập Thông tư 30, học cách phòng cháy chữa cháy, tham gia các hội thi… Không có đủ thời gian, nên nhiều cuộc họp hội đồng sư phạm của trường phải tổ chức sau giờ dạy.

Giáo vien tieu học 'boi' cùng học sinh

Giáo viên tiểu học đang phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc - Ảnh: Phùng Huy

Bán hàng và đòi nợ

Bên cạnh những gì thuộc về bổn phận và trách nhiệm, GV tiểu học đang phải gánh rất nhiều công việc chẳng liên quan. Ví dụ, họ bất đắc dĩ trở thành những người “bán báo”. Một GV kể, ban giám hiệu trường thầy đang dạy giao chỉ tiêu cho mỗi lớp phải bán được tám tờ báo NĐ. cho HS và nhắc nhở HS làm bài thi trên báo. Lớp nào không mua đủ số lượng, HS không tham gia dự thi, sẽ bị trừ điểm thi đua. Nhưng khi thi đua của lớp bị trừ điểm thì người thầy sẽ bị đánh giá: làm chưa tốt công tác chủ nhiệm. Vì vậy, thầy phải năn nỉ phụ huynh chi tiền mua báo cho HS, nếu phụ huynh không mua hết thì GV “ôm” luôn. Ngay cả khi phụ huynh chấp nhận mua thì GV cũng sẽ khổ trong khâu thu tiền, bởi “chỉ có mấy ngàn đồng mà chẳng lẽ theo đòi học trò hoài, nên “miễn phí” cho các em luôn.

Không ít trường hợp GV phải kiêm công việc “đòi nợ” cho nhà trường. Khi phụ huynh không mua bảo hiểm y tế cho HS, GV mắc tội “không chịu vận động”. Khi HS chưa kịp đóng tiền ăn, học phí buổi hai, thì GV có lỗi “không nhắc nhở kịp thời”. Khi phụ huynh không đồng ý cho con đi tham quan các khu du lịch, GV có lỗi “chưa dân vận tốt”. Trước các chuyến đi ấy, GV còn phải thông báo, vận động, ghi danh, thu tiền.

Mới đây, một cô giáo của một trường tiểu học tại Q.10, TP.HCM đã bị phụ huynh trách móc suốt gần hai giờ vì tội nặng lời và nặng tay với con họ. Nhà trường đã yêu cầu GV gửi phiếu khảo sát của một công ty bảo hiểm đến gia đình HS. Một số phụ huynh đã không đồng ý cung cấp những thông tin có tính chất gia đình nên không điền vào phiếu khảo sát. Do áp lực không hoàn thành nhiệm vụ nên cô giáo đã… đánh một số học trò. Nhiều thầy cô giáo lý giải về hiện tượng GV dễ nóng giận và hay có những hành động thiếu kiểm soát với học trò là vì chính các cô cũng đang chịu quá nhiều áp lực.

Khó có thể kể hết những áp lực mà GV bậc tiểu học đang phải chịu. Hiệu trưởng một trường tiểu học nhìn nhận: “GV tiểu học rất cực, vì họ phải đảm đương nhiều môn học (từ 9-11 môn), làm GV chủ nhiệm, hướng dẫn và cùng HS tham gia các hoạt động ngoài giờ, bản thân phải tham gia rất nhiều hoạt động khác. Cực thế, nhưng dư luận xã hội vẫn chưa thể yên tâm với kết quả mà GV làm được”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều GV kiến nghị hãy dẹp bỏ ngay “món” dự giờ, thao giảng vì không thực chất. Ngoài ra, GV cũng cần được “cởi trói” trong nhiều công việc có tính hình thức để có thời gian và chủ động trong việc dạy và chăm chút cho HS. Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM từng bức xúc, phải có một mô hình quản lý không rườm rà, không hình thức để giải phóng bớt áp lực cho GV.

 MINH NHẬT

Lúc 19g ngày 25/9, sau nhiều ngày gắng sức làm việc trong lúc sức khỏe suy yếu, cô giáo Lê Thị Bích Loan, 27 tuổi, giáo viên (GV) lớp 2 Trường tiểu học Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM) đã đột ngột qua đời tại nhà ở ấp 3B, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM. Trước đó, sáng 24/9, cảm thấy mệt mỏi, cô Loan đã nhờ chồng chở đi khám bệnh và được bác sĩ cho nhập viện ngay. Nhưng vì trường không có GV thay thế nên cô Loan tiếp tục đến lớp. Hôm sau, dù đã rất kiệt sức nhưng cô Loan vẫn cố gắng đến trường, và cô đã đột tử vào buổi tối cùng ngày.

Sau đó bốn ngày, sáng 29/9, khi đang dạy tiết học thứ ba thì thầy giáo Trần Quang Hùng, GV Trường tiểu học Phú Hậu (TP. Huế), cảm thấy mệt mỏi nên cho học sinh (HS) nghỉ học sớm. Khi HS vừa rời lớp thì thầy Hùng cũng ngã xuống, bất tỉnh, sau đó thầy đã tử vong.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM khuyến cáo: GV làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi nên thường bị stress. Đây là biểu hiện nhẹ nhất của nhóm bệnh rối loạn tâm thần. Đáng lo ngại hiện nay là GV làm việc trong môi trường quá tải liên tục, cộng với áp lực từ phụ huynh, nhà trường và HS với nhiều đòi hỏi, khiến người thầy bị chứng kiệt sức nghề nghiệp (burnout syndrome). Nếu bị chứng này, GV không chỉ bị áp lực căng thẳng mà còn suy yếu thể lực.

Chưa kể, môi trường dạy học căng thẳng, khi làm phật lòng phụ huynh, đồng nghiệp… một số GV có thể rơi vào tình trạng sốc, tư duy ám ảnh về những chuyện không tốt với bản thân. Ngoài ra, một số GV có thể trạng yếu cũng dễ bị thêm chứng lo âu và trầm cảm. Nếu bị kiệt sức nghề nghiệp và lo âu trầm cảm, GV cần phải đi điều trị ngay, tránh để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.

 THANH KHÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI