Formosa sử dụng công nghệ luyện cốc ướt: Chất độc ngấm vào đất, thông ra biển

16/07/2016 - 12:16

PNO - Ông Cường cho rằng, xử lý chất thải cốc sẽ rất tốn kinh phí, năng lượng và chi phí sản xuất, đầu tư. Bởi vậy, nếu kiểm duyệt không tốt thì họ có thể cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi.

Theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - Trần Hồng Hà cho biết, trong số 53 vi phạm bị phát hiện, nguy hiểm nhất là việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ mà không báo cáo cơ quan chức năng.

Cụ thể, Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô - công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt, phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải.

Hậu quả khôn lường

Trao đổi để làm rõ hơn vấn đề về việc sử dụng công nghệ luyện cốc ướt, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam.

Ông Phạm Chí Cường phân tích, công nghệ luyện cốc ướt là những khối than người ta nung nóng đỏ lên, muốn nghiền ra để làm cốc cho vào lò cao thì phải tưới nước cho nó nguội đi, ở nhiệt độ bình thường vẫn nghiền, dàn ra được. Sau này công nghệ tiên tiến hơn thì người ta dùng khí Nitơ, nó sẽ dập được lửa, đồng thời cũng làm nguội được cốc.

Formosa su dung cong nghe luyen coc uot: Chat doc ngam vao dat, thong ra bien
100 tấn chất thải của Formosa được chôn tại một trang trại tại Kỳ Anh. Ảnh: VTC News

"Nhưng vấn đề ở đây là những chất thải sau khi luyện cốc có được xử lý hay không. Sau khi luyện cốc nó ra cả nước, khí, chất độc thì nó lại ra khí, sau đó người ta làm mát thì nó lại vào nước", ông Cường nhận định.

Theo ông, tất cả quy trình xả thải với Formosa phải xem xét lại, buộc tất cả các chất thải của nhà máy này không được đưa ra môi trường nếu như không được xử lý, kể cả khí, nước, rắn.

Chất thải trong nhà máy thì rất nhiều, tất cả đều phải xử lý không nguy hại cho môi trường thì mới được thải ra ngoài. Trong khí thì có SO, CO, NO, dyoxit, toàn chất nếu để ra môi trường đều có hại cả. CO2 không đến mức gây ra chết người nhưng nó gây ra hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, toàn khí quyển nên người ta phải có những tiêu chuẩn quốc tế và với từng nước lại có tiêu chuẩn riêng của mình.

Ông Cường phân tích thêm, trong các chất thải từ luyện kim thì cốc là độc nhất, khí và nước thải ra người ta đều phải thu hồi, người ta có một bộ phận hóa cốc, tức là các chất hóa học đó, người ta phải làm ra những sản phẩm hóa, phải có một nhà máy đi kèm với nhà máy cốc để xử lý.

"Nhà máy thép ở Thái Nguyên nhỏ thế mà Trung Quốc họ cũng phải thiết kế cho mình một nhà máy hóa cốc bên cạnh nhà máy cốc. Tất cả các chất thải sẽ được thu hồi và xử lý. Sản phẩm cuối cùng mà nhà máy đó thu được là nhựa đường, phải như vậy thì mới giảm được độc của các hóa chất đi cùng trong than mỡ sau khi luyện cốc sản sinh ra", Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam phân tích.

Ông Cường cho rằng, xử lý chất thải cốc sẽ rất tốn kinh phí, năng lượng và chi phí sản xuất và đầu tư, bởi vậy nếu kiểm duyệt không tốt thì họ có thể cắt bỏ công đoạn quan trọng này đi.

Trước lời giải thích của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về việc đưa 100 tấn rác thải của Formoasa về trang trại là dùng với mục đích trồng cỏ chăn nuôi dê, bò, ông Phạm Chí Cường khẳng định không thể có chuyện dùng chất thải của luyện cốc để làm phân bón.

Để chứng minh cho khẳng định trên, ông Cường lập luận: "Lượng chất thải khổng lồ đó nó còn ngấm xuống lòng đất và chảy đi khắp nơi chứ không phải chôn là xong. Nó còn ngấm vào đất và thông ra biển, lại dẫn đến những cái chết. Về lâu về dài sẽ bị ảnh hưởng.

Như hydoxi ngấm vào đất ít nhất cũng phải mất 40 năm để cải tạo những vùng dưới chất đi chảy qua, phải tẩy rửa đất, phải đầu tư rất nhiều tiền để tẩy rửa sân bay Đà Nẵng - đó là kho hậu cần của Mỹ ngày xưa".

Phải xem xét lại từ đầu

Việc giám sát xả thải của Formosa hiện nay là vấn đề lớn, bắt buộc phải làm và phải đánh giá lại tác động với môi trường. Phải có những chuyên gia về môi trường, về công nghệ luyện kim, phải có đầy đủ các chuyên gia thì mới có thể đánh giá được tác động đối với môi trường.

Ông Cường đặt nghi vấn: "Một công trình với công suất 22,5 triệu tấn thép/năm mà chỉ trong vòng mấy tháng mà đã có được giấy phép, động thổ thì không thể nào làm kỹ được. Hiện nay Quốc hội đang đề nghị làm rõ lại, tại sao dự án với quy mô lớn như thế lại được duyệt nhanh chóng như vậy, họ lại được làm trong 70 năm với diện tích 2.200 ha mặt đất, 2.000 ha mặt nước trong thời gian ngắn như thế với ưu đãi đặc thù.

Cùng trong thời gian đó, nhà máy 5,5 triệu tấn của TATA phải xin trong 2 năm mới xong tất cả các kiểm duyệt. Bây giờ phải xem xét lại từ đầu".

Đắc Lập

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI