Đuối nước, hiểm họa có thể ngay trong nhà

05/08/2022 - 07:00

PNO - Trước tình hình số ca đuối nước liên tục tăng trong dịp hè này, các chuyên gia khuyến cáo, không chỉ với ao hồ, sông suối, biển mà nguy cơ đuối nước còn rình rập ngay trong mỗi nhà. Chỉ vài phút chủ quan của người lớn, trẻ có thể nguy hiểm tới tính mạng…

 

Bệnh nhi  bị đuối nước đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương  - ẢNH: H.A
Bệnh nhi bị đuối nước đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: H.A

Bé sáu tuổi suýt tử vong ở bể bơi trong nhà  

Nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.B.M. (sáu tuổi, ngụ TP.Hà Nội) vừa trải qua những ngày phải đối diện với tử thần. Nhìn con vừa cai máy thở, tỉnh dậy sau cơn hôn mê, mẹ bé M. dù đã trút được “gánh lo” nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những gì vừa xảy ra.

Đó là một ngày tháng Bảy nóng bức, hai mẹ con rủ nhau xuống bể bơi được xây trong nhà. Dù con chưa biết bơi song nghĩ mực nước không quá cao nên chỉ trong vài phút lơ đãng, khi quay lại, chị đã thấy con chìm xuống đáy bể.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc của bệnh viện - chia sẻ: Khi được đưa vào bệnh viện, bé M. đã trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản và thở máy. May mắn, do sơ cứu ban đầu có hiệu quả nên trẻ thoát chết, sức khỏe hiện đã ổn định. 

Đáng lưu ý, theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, từ đầu mùa hè tới nay, đơn vị này đã tiếp nhận gần 20 ca nặng, được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên để điều trị, cấp cứu. Mới đây, Khoa Cấp cứu - Chống độc cũng vừa tiếp nhận một trẻ ba tuổi (tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê sau khi bị ngã xuống ao.

“Trường hợp này bố mẹ đi làm ở gần nhà nên để bé sáu tuổi trông em. Tuy nhiên, khi trở về, hai vợ chồng không thấy con đâu. Sau khi hoảng loạn chạy đi tìm thì phát hiện con đã ngã xuống ao ngay trước nhà”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng kể lại.

Liên tiếp các vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian nghỉ hè, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nhấn mạnh, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt, ở cả trong chính mỗi ngôi nhà. Không chỉ nguy cơ từ ao vườn hay bể bơi trong nhà, có những trường hợp vô cùng thương tâm khi trẻ bị đuối ngay trong bồn tắm.

Bác sĩ nhắc lại bệnh nhi mà mình đã tiếp nhận cách đây 5 năm. Đó là một bé gái tám tuổi ở Hà Nội. Khi đang tắm cho con, người bố có việc phải ra ngoài khoảng 30 phút. Khi trở lại, anh đã thấy con bất động trong bồn tắm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, da môi tái, đồng tử giãn. Dù được điều trị tích cực, tuy nhiên sau hai ngày vào viện, trẻ đã diễn biến xấu và tử vong. 

Nhiều sai lầm trong cấp cứu đuối nước

Đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Do đó, khi xảy ra tai nạn, việc sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng chỉ ra, có rất nhiều sai lầm hay gặp phải:

“Khi phát hiện người bị đuối nước, người sơ cứu thường có động tác vác ngược, vòng qua vai rồi chạy vì nghĩ rằng nước sẽ ra và không vào phổi. Tuy nhiên, việc này chỉ làm cho tình trạng của bệnh nhân nặng thêm. Khi đuối nước, bệnh nhân rất dễ bị chấn thương ở cổ do tư thế ngã cắm thẳng đầu hay bị va đập vào vật cứng. Do đó, nếu vác ngược lên không những không có tác dụng mà còn có nguy cơ làm tăng nặng chấn thương ở bệnh nhân. Vác ngược cũng làm dịch ở dạ dày trào ngược vào đường thở”.

Theo bác sĩ, trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Trước hết, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp, cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Đây là điều rất nhiều người hay mắc lỗi quên, khiến thân nhiệt của bệnh nhân bị hạ. Thậm chí, tại các cơ sở y tế còn có thiết bị chuyên sâu để đảm bảo thân nhiệt cho bệnh nhân. 

Sau đó, cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ. Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận như lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức. Người cấp cứu thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục hai lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ ở tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại. 

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cũng lưu ý, nhiều trường hợp sau khi cấp cứu thành công chủ quan, không đi khám lại. Trong khi đó, nạn nhân sau khi đuối nước có thể gặp nhiều di chứng như phù phổi, tổn thương đa tạng, thiếu ô-xy não, do đó cần phải tới cơ sở y tế để thăm khám, tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

“Việc giám sát trẻ ở những khu vực có nguy cơ, ngay cả ở trong nhà, là điều các bậc phụ huynh luôn phải quan tâm. Bên cạnh đó, cần dạy trẻ học bơi, đây là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng để tránh những tai nạn đáng tiếc”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nói. 

 Huyền Anh 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI