Được ‘mở cửa’ để sinh thêm con, nhưng người Trung Quốc lại ngại đẻ

14/08/2018 - 07:31

PNO - Chính sách một con ở Trung Quốc đang dần được nới lỏng và dự đoán sẽ sớm được xóa bỏ, trong bối cảnh dân số nước này đang già hóa quá nhanh.

Nhưng mục tiêu cân bằng lại dân số có đạt được hay không thì vẫn chưa chắc chắn.

Duoc ‘mo cua’ de sinh them con, nhung nguoi Trung Quoc lai ngai de
Trung Quốc có vẻ như sẽ sớm loại bỏ chính sách kiềm chế dân số thực thi 4 thập kỷ qua. Ảnh: Lee Snider Photos/Shutterstock

Trung Quốc đã thay đổi chóng mặt so với thời điểm năm 1979 khi chính sách một con bắt đầu được thực thi. Giờ đây, xã hội Trung Quốc đã khác, sung túc hơn, học hành khấm khá hơn, nhưng người Trung Quốc lại bớt tha thiết chuyện con cái.

Chính sách một con bắt đầu chuyển biến năm 2015, khi đó Trung Quốc đang có tỉ lệ sinh gần như thấp nhất thế giới và dân số ở độ tuổi lao động giảm nghiêm trọng. Chính sách một con được chính quyền chuyển sang chính sách hai con có kiểm soát.

Ngay năm sau đó, tác dụng đã hiển hiện khi số trẻ được sinh ra bùng nổ so với năm trước, tăng đến 11,5%. Tổng cộng 18,46 triệu trẻ sơ sinh đã ra đời năm 2016, gần một nửa trong số đó là con thứ hai trong gia đình.

Chính quyền Trung Quốc đã lạc quan rằng từ đó đến năm 2020, mỗi năm sẽ có thêm 3 triệu em bé là con thứ hai được sinh mỗi năm, đồng nghĩa là thêm hơn 30 triệu lao động cho lực lượng nhân công đang thiếu hụt của nước này vào năm 2050.

Nhưng tình hình khả quan không kéo dài được bao lâu. Năm tiếp theo, tỉ lệ sinh giảm đi 3,5%, cho thấy chính sách một con không phải là trở ngại duy nhất khiến các gia đình ở Trung Quốc neo người.

Duoc ‘mo cua’ de sinh them con, nhung nguoi Trung Quoc lai ngai de
Một đám cưới tập thể tổ chức hồi tháng 5 năm 2018 ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Rõ ràng cơ hội lấy chồng của phụ nữ Trung Quốc là không thiếu – hiện nước này đang dôi dư đến 30 triệu đàn ông – nhưng vấn đề là họ không hào hứng. Đặc biệt là những phụ nữ thành thị có học, mà họ lại chính là phân khúc dân số mà chính quyền nước này mong sẽ góp phần sản sinh thế hệ tiếp theo.

Phụ nữ Trung Quốc kết hôn và có con ngày càng muộn, bất chấp việc chính quyền không khuyến khích thai sản sau tuổi 29. Thay vào đó, họ tập trung cho sự nghiệp, và từ chối lập gia đình chỉ vì định kiến bất công của xã hội rằng phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.

Trong một thăm dò tổ chức năm 2017 với 40.000 phụ nữ đi làm, Zhaopin – một trong những website tuyển dụng trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc – nhận thấy khoảng 40% người được hỏi không muốn có con, và gần 63% các bà mẹ một con đi làm cho biết không muốn có đứa thứ hai.

Các lý do chính được đưa ra là chi phí nuôi con đắt đỏ, không có thời gian và sức lực, cũng như lo lắng về thăng tiến trong công việc.

Tỉ lệ kết hôn giảm cũng đồng nghĩa với việc càng ít người sinh con.

Trong quý đầu năm 2018, cả nước Trung Quốc chỉ có 3 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, theo số liệu của Bộ Nội vụ nước này, trong khi cùng kỳ năm 2013 là gần 4,3 triệu cặp, tỉ lệ giảm là 30%. Trong khi đó, chính quyền lại áp đặt nhiều biện pháp để ngăn phụ nữ không kết hôn mà có con, như phạt tiền và hạn chế tiếp cận phúc lợi xã hội.

Tuy vậy, sự tự chủ mà phụ nữ thành thị bắt đầu thể hiện không có vẻ gì là sẽ đảo ngược, khi tình hình kinh tế của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng được củng cố. Do đó, chính sách mở cửa sinh đẻ của chính quyền Trung Quốc có khả năng không đạt được mục đích là thúc đẩy dân số và cân bằng lại dân số già.

Đại An (Theo A.C)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI