Đừng chờ vắc xin COVID-19 mới khi ca nhiễm vẫn tăng vọt

16/08/2022 - 07:31

PNO - Thời gian gần đây, thế giới chứng kiến các xu thế dịch bệnh đáng lo ngại. Trên toàn cầu, ca nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm nhưng tại châu Á, số ca mắc mới tăng vọt trở lại.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến ngày 14/8, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 594.697.603 ca, trong đó có 6.453.474 người tử vong. Tuần qua, Nhật Bản ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới (1.443.569 ca), trong khi Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất (2.438 ca).

Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhật Bản đang bước sang tuần thứ ba liên tiếp có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất thế giới. Riêng Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 thể nặng cao nhất trong ba tháng qua. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng.

Nhiều nước đang triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ tư hoặc thứ năm nhưng có nhiều người lại chần chừ, đợi vắc-xin mới chống lại biến thể Omicron  - ẢNH: AP
Nhiều nước đang triển khai tiêm mũi vắc xin thứ tư hoặc thứ năm nhưng có nhiều người lại chần chừ, đợi vắc xin mới chống lại biến thể Omicron - Ảnh: AP

Vẫn đeo đuổi chính sách zero COVID-19, Trung Quốc thực hiện biện pháp phong tỏa mỗi khi phát hiện ổ dịch mới, yêu cầu cách ly ca nhiễm và làm xét nghiệm hằng tuần ở khu vực có nguy cơ cao. Trong khi đó, Ấn Độ đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại thủ đô New Delhi. Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á về tổng thể vẫn theo xu hướng giảm, nhưng tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia dịch bệnh căng thẳng hơn so với các nước khác. 

Mặc dù dịch COVID-19 tăng - giảm theo từng khu vực nhưng xét trên toàn cầu thì nó vẫn hiện hữu và đe dọa dù không còn căng thẳng như trước đây. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà có một xu hướng xem thường dịch bệnh và lơ là tiêm chủng. Bởi theo các chuyên gia, COVID-19 vẫn là nguy cơ đáng lo ngại cho những người lớn tuổi, thai phụ, trẻ em và người có bệnh nền. Thực tế,  ca nhiễm và tử vong vẫn diễn ra hằng ngày, và tại Mỹ mỗi ngày vẫn có gần 400 người chết vì COVID-19.

Tuy nhiên, vì đã tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh nên rất nhiều người ỷ lại rằng bản thân đã có kháng thể và không muốn tiêm các mũi bổ sung. Ngoài ra, có một bộ phận lớn là đang chờ vắc xin mới sẽ được cập nhật trong thời gian tới để chống lại biến thể Omicron.

Theo dự tính, loại vắc xin này sẽ có mặt vào khoảng tháng 10. Thế nhưng, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ - cảnh báo những người không tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 có thể sẽ có thể gặp “rắc rối” trước khi có vắc xin mới. Lý do là khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, còn các biến thể phụ mới thì liên tục xuất hiện. “Nếu bạn 50 tuổi trở lên hoặc dưới 50 nhưng đang mang thai hoặc có bệnh nền mà từ đầu năm 2022 đến nay chưa tiêm lần nào thì điều tối quan trọng là phải tiêm ngay bây giờ, đừng chần chữ nữa”, tiến sĩ Ashish Jha - điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng - nói.

Tiến sĩ Fauci nhấn mạnh rằng càng nhiều người được tiêm phòng, virus càng ít tiến hóa. “Nếu miễn dịch của bạn đang giảm dần nhưng các biến thể mới lại mạnh mẽ hơn, rất có thể chúng ta đang tạo điều kiện cho nhiều biến thể mới nữa xuất hiện. Hãy tiêm chủng, tiêm bổ sung ngay bây giờ, đừng chờ đợi vì khi chần chừ, rất có thể bạn sẽ nhận hậu quả xấu”, ông khuyến cáo. 

Anh phê duyệt vắc xin Moderna phiên bản mới chống lại biến thể Omicron

Hôm 15/8, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Vương quốc Anh  (MHRA) thông báo rằng họ đã phê duyệt một thế hệ mới của vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna nhắm vào biến thể Omicron. Đây là loại vắc xin đầu tiên trên thế giới có thể ngừa được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

"Phiên bản này bao gồm một liều tăng cường được gọi là "lưỡng trị", nhắm mục tiêu một nửa chủng virus ban đầu và một nửa biến thể Omicron và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại cả hai, bao gồm cả chống lại các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5", MHRA cho biết trong một thông báo.

Các tác dụng phụ quan sát được là "thường yếu" và tương tự như những tác dụng phụ quan sát được đối với loại vắc xin ban đầu. "Những gì mà vắc xin này mang lại cho chúng tôi là một công cụ sắc bén hơn trong hộp công cụ để giúp bảo vệ mọi người chống lại căn bệnh này khi virus tiếp tục phát triển", Giám đốc MHRA June Raine cho biết.

Lệ Chi (theo ABC News, AP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI