"Du lịch khép kín" - Đi hay không, nói một lời?

17/10/2021 - 06:35

PNO - Với những người mê dịch chuyển, mô hình “du lịch khép kín” có phần bó buộc và nhiều bất tiện. Thế nhưng trong bối cảnh “được đi là thích” thì dù muốn hay không, đây vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong những tháng tới.

Cách nhanh nhất đưa du lịch trở lại

Mới cách đây chừng một tháng, người dân tại TPHCM được khuyến cáo ở yên trong nhà bởi dịch COVID-19 còn diễn tiến rất phức tạp. Ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, các tour du lịch với điểm đến là Cần Giờ, Củ Chi được khởi động. Người dân có thể mua các tour trải nghiệm này như một cách để xả stress sau khoảng thời gian dài đối mặt với quá nhiều áp lực từ dịch bệnh.

Tất nhiên, khi tham gia các tour du lịch trên, chúng ta phải chấp nhận những quy định nghiêm ngặt về phòng ngừa dịch bệnh. Chẳng hạn, khách tham quan phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính còn hiệu lực (gửi về cho đơn vị tổ chức tour trước ngày khởi hành). Dù những điểm tham quan đều thuộc vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) nhưng việc đón và quản lý du khách đi lại cũng áp dụng theo những nguyên tắc phòng dịch nghiêm ngặt. 

Tour du lịch đầu tiên của TP.HCM tổ chức trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội (ảnh chụp tại Cần Giờ ngày 19/9)
Tour du lịch đầu tiên của TPHCM tổ chức trở lại sau nhiều tháng giãn cách xã hội (ảnh chụp tại Cần Giờ ngày 19/9)

Đó chỉ là những điều kiện cơ bản của mô hình “bong bóng du lịch” (travel bubble) hay còn được gọi là “hành lang du lịch” hoặc “hành lang corona”. Loại hình du lịch này chỉ xuất hiện tại những quốc gia cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Nó có thể diễn ra trong phạm vi một thành phố hay giữa các tỉnh/thành hoặc giữa các quốc gia nếu các bên đạt được thỏa thuận triển khai. Nhờ thỏa thuận đó, khách du lịch, người dân có thể đi lại giữa các nước, các vùng, địa phương mà thời gian cách ly được rút ngắn hoặc không phải cách ly khi nhập cảnh (đối với các tour quốc tế). 

New Zealand và Úc là những quốc gia khởi sinh mô hình này từ đầu tháng 5/2020. Sau đó “Bong bóng du lịch” lan đến các nước châu Âu: Estonia, Latvia và Litva trong vùng biển Baltic. Áo hoặc Đức cũng dỡ bỏ các hạn chế di chuyển xuyên biên giới, không cách ly công dân các nước láng giềng vào đầu tháng 6/2020. 

Ở châu Á, Trung Quốc và Singapore đã thiết lập “làn nhập cảnh nhanh” nhằm tạo điều kiện cho việc kinh doanh thiết yếu và du lịch giữa hai nước. Thỏa thuận cho phép các cư dân di chuyển giữa Singapore và sáu tỉnh, thành của Trung Quốc (Trùng Khánh, Quảng Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Thiên Tân, Chiết Giang). Thái Lan cũng thiết lập “bong bóng du lịch” với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp như: Mỹ, Anh, Israel, Đức, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thụy Sĩ... Trong vòng 60 ngày (từ ngày 1/7 đến ngày 29/8) với chương trình "Phuket Sandbox", Thái Lan đã đón được hơn 25.000 du khách, doanh thu du lịch đạt gần 1,9 triệu baht (hơn 56.000 USD). Khách đến Thái Lan phải đáp ứng các điều kiện: tiêm đủ hai mũi vắc-xin và có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ.

Tại Việt Nam, Phú Quốc (Kiên Giang) cũng được chọn để thí điểm đón khách quốc tế trở lại theo mô hình bong bóng. Tuy nhiên, hiện Phú Quốc vẫn chưa thể triển khai mô hình trên do tỷ lệ người dân trên đảo được tiêm vắc-xin COVID-19 còn thấp. Những địa phương khác như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Khánh Hòa… lựa chọn thí điểm mô hình “bong bóng du lịch” với nguồn khách trong nước.

Có gì trong tour khép kín?

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group - đơn vị trực tiếp tham gia thí điểm tour Cần Giờ, cho rằng “tour khép kín” được xem như một loại hình đặc biệt để mở cửa du lịch trở lại. Để tổ chức loại hình du lịch này, yếu tố an toàn dịch bệnh cho du khách, người lao động trong ngành du lịch và người dân tại các điểm đến… được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tất cả du khách, hướng dẫn viên, tài xế, nhân sự tổ chức phục vụ hậu cần tại mọi điểm đến đều phải được tiêm hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, tuân thủ 5K trong suốt chuyến đi.

Toàn bộ hành trình di chuyển như trong một “bong bóng vô hình”, những người trong đó được đảm bảo an toàn khỏi các nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Du khách sẽ chỉ di chuyển giữa điểm đi và đến, hoạt động, ăn uống… trong cung đường khép kín, cố định. 

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có kế hoạch thí điểm cho bốn cơ sở du lịch lớn ở "vùng xanh" đón khách nội địa với các tour khép kín. Đó là các cơ sở lưu trú: Melia Hồ Tràm, The Grand Hồ Tràm Strip, Minera Hot Springs Bình Châu (Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu). Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Melia Hồ Tràm cho hay hiện khách sạn đã duy trì “ba tại chỗ” với 100 nhân viên đảm nhận các vị trí: bếp, sảnh lễ tân, buồng phòng và các công tác khác để duy trì hoạt động, sẵn sàng đón khách.

Mô hình “bong bóng du lịch” thí điểm tại nhiều quốc gia cho kết quả khá khả quan. Dù vậy, một số quốc gia vẫn phải tạm dừng vì ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, dù các ca nhiễm không hoàn toàn liên quan đến hoạt động du lịch này. 

Theo ý kiến từ một số bác sĩ, chuyên gia y tế, việc thí điểm hình thức “bong bóng du lịch” là xu hướng tất yếu khi Việt Nam chọn phương án “sống chung với COVID-19”. Tuy nhiên, phương án trên vẫn có rủi ro nhất định về mặt dịch tễ nên người tham gia, đơn vị tổ chức tour (hướng dẫn viên, phục vụ…) cần tuân thủ những nguyên tắc phòng bệnh nghiêm ngặt.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ kiêm cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết rủi ro khi tổ chức tour này là những người tham gia, tổ chức tour có thể nhiễm COVID-19, nhưng để đi tour, bản thân những người tham gia phải đáp ứng yêu cầu là đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin, cộng với những nguyên tắc trong phòng dịch nên sẽ hạn chế được rất nhiều. Song, khi trở về, du khách cần có giải pháp tự cách ly, hạn chế tiếp xúc với gia đình và những người xung quanh, nhất là nhóm đối tượng chưa tiêm vắc-xin, người lớn tuổi.

Riêng đối với nhóm trẻ em, chưa đủ tuổi để tiêm vắc-xin, bác sĩ Khanh cho rằng không nên quá lo lắng vì nhóm này ít bị ảnh hưởng nếu nhiễm bệnh và hiếm chuyển biến nặng. 

Cũng theo bác sĩ Khanh: “Thông thường, địa phương nào quyết định mở cửa trở lại đón du khách nội địa hay quốc tế thì độ phủ vắc-xin ở nơi đó cũng đã ở mức khá cao. Cộng thêm kinh nghiệm phòng, chống dịch nên rủi ro bùng phát dịch sẽ ít hơn”.

Kế hoạch mở cửa du lịch trong thời gian tới sẽ là tiến hành từng bước. Trước tiên là du lịch nội tỉnh, thành phố ở những vùng đã kiểm soát được dịch, đảm bảo các yêu cầu về “thẻ xanh, thẻ vàng”; sau đó là các địa phương, tỉnh, thành phố “vùng xanh” (vùng kiểm soát tốt được dịch) với nhau, dần tiến đến phục hồi thị trường nội địa và cuối cùng là quốc tế. Để thực hiện mở cửa du lịch ngay hoặc áp dụng mô hình du lịch nào đó vẫn cần thời gian cũng như các điều kiện khác. Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch, khách du lịch lúc này chưa thể tự do đi lại trong nước. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI