Mở cửa du lịch: nơi sẵn sàng, nơi chưa

14/10/2021 - 15:50

PNO - Tại buổi toạ đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” do báo Người Lao Động tổ chức sáng 14/10, nhiều địa phương kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ người dân tiêm vắc xin COVID-19 cao... muốn mở cửa du lịch, nhưng cũng có địa phương e dè.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, cho biết sau 2 năm bùng phát dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) du lịch rơi vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Năm 2020, gần 400/2.500 DN lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép, 90% DN lữ hành trong nước đóng cửa. Số DN lữ hành xin thu hồi giấy phép năm 2021 chiếm 35% tổng số DN đang hoạt động. 

Ở lĩnh vực lưu trú, công suất buồng/phòng 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%. Lao động trong ngành năm 2021 còn làm việc chỉ chiếm 25% so với 2020. Số lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.

Diễn giả tại buổi toà đàm du lịch sáng nay (14/10).
Diễn giả tại buổi tọa đàm du lịch sáng nay (14/10) - Ảnh: chụp màn hình

Doanh thu từ hoạt động du lịch sụt giảm mạnh khiến nhiều địa phương muốn sớm khôi phục hoạt động này.

Ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai - cho hay Sapa mùa này đang rất đẹp, nhưng chưa thể đón khách trở lại. Trong khi đó ngành du lịch của tỉnh đang gánh chịu tổn thất nặng nề. Nếu như năm 2019, tỉnh đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20.000 tỷ đồng thì năm 2021 dự tính chỉ thu 3.800 tỷ đồng. Lượng lớn lao động du lịch đã chuyển sang làm việc khác, nguy cơ thiếu nguồn lực lao động sau giai đoạn đại dịch.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà - thông tin Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch đón khách du lịch trở lại. Trước mắt là thí điểm đón khách có “hộ chiếu vắc xin” đã báo cáo Tổng Cục Du lịch và đang chờ Chính phủ cho phép.

Du lịch phục hồi, dự kiến thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc vào tháng 11/2021. Ảnh: Quốc Thái
Phú Quốc là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách du lịch quốc tế - Ảnh: Quốc Thái

Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - Đà Nẵng đã phủ trên 93% dân cho mũi 1 và khoảng 13% cho mũi 2 cho người dân. Nhiều hoạt động đang được khôi phục trong điều kiện bình thường mới. 2 phương án đón du khách trong nước và quốc tế đã được Đà Nẵng xây dựng. Thành phố cũng đã nhận được đề nghị mở cửa từ du khách Nga và Hàn Quốc.

"Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VH-TT-DL), Tổng cục du lịch cần sớm thống nhất chương trình "hộ chiếu vắc xin" để Đà Nẵng và nhiều địa phương khác có thể triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch", ông Nguyễn Xuân Bình kiến nghị.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ tự tin để có thể đón khách du lịch trở lại. Theo ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - dù tỉnh rất muốn phục hồi du lịch nhưng hiện tỷ lệ tiêm vắc xin tại tỉnh này khá thấp, chỉ mới đạt 33% mũi 1, chưa đến 7% người được tiêm 2 mũi. Do đó, Quảng Nam chưa có kế hoạch đón khách trong tháng 10 mà tiếp tục duy trì chương trình cho khách nhập cảnh về khách sạn cách ly. Nới lỏng hơn với khách đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh...

Do các địa phương chưa thống nhất việc lưu thông, đón khách khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không gặp không ít khó khăn. 

Ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng ban truyền thông Vietnam Airlines - cho biết tình trạng bất nhất trong quy định cách ly tại các địa phương khi các chuyến bay nội địa được khôi phục từ 10/10 khiến du khách bất an. Do đó, để có thể sớm khôi phục du lịch, hàng không các địa phương cần thống nhất, đồng bộ trong chính sách.

Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ sớm thông qua chương trình “hộ chiếu sức khoẻ điện tử" (IATA Travel Pass) để có thể sớm đón khách quốc tế. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang thí điểm và thông qua chương trình này.

Ông Trần Đoàn Thế Duy – Tổng giám đốc Công ty Vietravel - cho rằng nhiều địa phương hiện mới mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Nên doanh nghiệp chỉ mạnh dạn thúc đẩy các hoạt động khi các địa phương có chính sách đồng bộ. 

Để 'phá băng' ngành du lịch trước thiệt hại của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương khởi động bằng tour du lịch nội tỉnh, thành phố dưới hình thức khép kín. Ảnh: Quốc Thái
TPHCM cũng thí điểm cho các điểm du lịch tại Củ Chi, Cần Giờ đón khách theo hình thức tour khép kín - Ảnh: Quốc Thái

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - chia sẻ du lịch TPHCM chia thành các giai đoạn để phục hồi. Giai đoạn đầu (trong tháng 10), sẽ triển khai du lịch nội vùng, giai đoạn 2 làm việc địa phương liền kề để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11 và dự thảo đề án đón khách quốc tế vào giai đoạn 3.

“Chúng tôi kỳ vọng từ năm 2022, du lịch thành phố khôi phục hoàn toàn. Chúng tôi nhận định giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. Đây là chìa khóa cho tái hoạt động”, bà Ánh Hoa nói. 

Đồng thời bà nhận định, phục hồi du lịch hiệu quả cần có sự liên kết giữa các tỉnh thành. Khi du lịch TPHCM đã liên kết với 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020 nên việc nối lại để tái khởi động cũng rất thuận lợi.

“Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, tuyến, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hội phục hồi nhanh bền vững thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI