Du học sinh Việt tại Mỹ chia sẻ về số tiền phải có để trang trải cho một năm học

17/07/2016 - 08:30

PNO - Cả tiền học phí và sinh hoạt, mỗi năm một du học sinh tại Mỹ phải chi trả khoảng 60.000 USD.

Bạn Phạm Bùi Hoàng Hiệp (sinh năm 1997, đến từ Hạ Long, Quảng Ninh) hiện đang là sinh viên năm thứ hai của trường đại học Case Western Reserve (thuộc thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ) sẽ chia sẻ đến độc giả về những trải nghiệm sau hơn một năm du học tại nước Mỹ.

Hoàng Hiệp cho biết: “Việc đi du học là kết quả định hướng của cả gia đình, cũng như mơ ước, mục tiêu của mình. Do có định hướng sớm nên học xong THCS, mình quyết định thi vào cấp 3 ở cả Hạ Long và Hà Nội. Sau khi biết có kết quả đỗ ở trường Chuyên Ngoại Ngữ của ĐH Quốc gia, mình lên học cấp 3 ở Hà Nội để có nhiều điều kiện chuẩn bị cho việc đi du học tốt hơn.

Trong quá trình học, mình luôn cố gắng duy trì kết quả học tập trên lớp ở mức tổng kết cuối kì và cuối năm tương đối cao, đây cũng chính là một tiền đề quan trọng để xin học bổng.

Du hoc sinh Viet tai My chia se ve so tien phai co de trang trai cho mot nam hoc
3 năm học cấp 3, Hiệp luôn đạt kết quả học tập loại giỏi và đây chính là một tiền đề rất quan trọng để cậu giành được tấm vé sang Mỹ du học.

Ngoài ra, mình cũng đã thi những bài kiểm tra chuẩn hóa cần cho việc làm hồ sơ du học như IELTS và SAT. Tất cả, mình đã làm tốt và đạt được mục tiêu mình tự đặt ra trước đó. Bên cạnh đó, mình cũng có tham gia một số hoạt động ngoại khóa của trường thông qua hoạt động của lớp và của các câu lạc bộ trong trường do học sinh quản lý; cũng có vài chương trình mình tham gia là ngoài phạm vi trường. Tất cả những điều này góp phần giúp mình có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Cuối cùng, mình xin được học bổng của trường đại học Case Western Reserve (Mỹ). Học bổng này sẽ chi trả cho mình toàn bộ phần học phí, còn về chi phí sinh hoạt, mình sẽ phải tự chi trả.

Sang tới đây, hầu như ai cũng gặp phải một vấn đề đó là giờ giấc. Giờ bên Mỹ bị chậm 11 tiếng so với Việt Nam nên lúc đầu, mình cảm thấy rất mệt mỏi, phải mấy ngày sau mới quen được. Nhiều sinh viên khác khi mới sang thường gặp phải vấn đề về ngôn ngữ nhưng do học chuyên ngữ trước đó nên với mình thì không có vấn đề gì khó khăn cả. Mình có thể học tập và nói chuyện với các bạn bằng tiếng Anh một cách thoải mái.

Du hoc sinh Viet tai My chia se ve so tien phai co de trang trai cho mot nam hoc
Trường đại học Case Western Reserve (Mỹ) nơi Hoàng Hiệp đang theo học.

Về phần ăn uống thì năm nhất đại học phần lớn sinh viên học tại Mỹ đều ăn trong nhà ăn của trường, do hầu hết các bạn đều ở kí túc xá trong năm nhất. Mới đầu, chưa quen với đồ ăn bên này, mình cảm thấy không hợp khẩu vị và ăn không ngon miệng chút nào cả. Phải mất một thời gian, mình mới có thể quen được.

Học phí tại trường mình theo học sẽ phải trả theo kì, mỗi kì khoảng 21.000 USD và một kì kéo dài 4 tháng rưỡi, tức là khoảng 5.250 USD một tháng, nhưng phần lớn những bạn xin học bổng đi Mỹ như mình đều được học bổng chi trả học phí. Trường mình học là trường tư nên học phí sẽ đắt hơn các trường công lập.

Còn về chi phí sinh hoạt thì gia đình mình phải tự lo, trường mình học yêu cầu phần lớn sinh viên ở kí túc xá hai năm đầu. Do vậy, khi thanh toán tiền thuê phòng và tiền ăn cho trường, gia đình mình chi trả 1 lần cho 1 kì, mỗi kì khoảng 7.900 USD gồm cả tiền phòng, tiền ăn, điện nước. Nếu như, ở một số nước thuê phòng trong kí túc xá sẽ rẻ hơn bên ngoài nhưng bên Mỹ thì ngược lại, phòng ở ký túc xá nhà trường sẽ đắt hơn phòng thuê bên ngoài.

Du hoc sinh Viet tai My chia se ve so tien phai co de trang trai cho mot nam hoc
Một góc khác của ngôi trường.

Về chi phí cho ăn uống, tính ra thì mỗi bữa ăn ở nhà ăn của trường sẽ là 11.5 USD. Nói chung, chi tiêu bên này cũng khá đắt. Ngoài khoản học phí khoảng 40.000 USD không phải chi trả, thì tiền sinh hoạt phí cũng phải tốn khoảng 20.000 USD. Và càng những thành phố lớn như Los Angeles hay New York thì càng đắt hơn.

Chính vì thế mà, mình phải có một số chiến lược chi tiêu hợp lý để tiết kiệm tiền. Ví dụ như: Chọn gói cước điện thoại rẻ nhất, chọn phương tiện đi lại là xe bus, mua hàng vào Black Friday (Thứ 6 đen – Ngày mua sắm vàng) ở các trung tâm mua sắm hoặc Cyber Monday (Thứ hai điện tử) qua các trang bán hàng trên mạng,… Ngoài ra, sách giáo khoa cũng tương đối đắt nên mình thường thuê cho đỡ tốn.

Hơn nữa, sinh viên có thể sắp xếp thời gian để kiếm việc làm thêm, hỗ trợ chi tiêu. Năm học thứ nhất, mình muốn có thời gian để làm quen với môi trường sống và công việc học tập để duy trì học bổng nên chưa kiếm việc làm thêm nhưng từ năm thứ hai, mình sẽ kiếm việc làm thêm trong trường.

Du hoc sinh Viet tai My chia se ve so tien phai co de trang trai cho mot nam hoc
Theo Hoàng Hiệp, chi phí sinh hoạt bên Mỹ khá đắt đỏ nên cậu cần phải có một vài chiến lược chi tiêu để tiết kiệm tiền.

Mình nhận thấy rằng, Mỹ có một môi trường học tập rất tốt. Ở trường học thường có rất nhiều phương tiện để hỗ trợ học tập, ví dụ bài giảng sẽ được ghi hình lại để sinh viên muốn có thể tham khảo lại, có các buổi ôn tập hàng tuần do trợ giảng là các sinh viên khóa trên tổ chức, đồng thời các giáo sư tham gia giảng dạy cũng có những giờ quy định để sinh viên có thể đến gặp để nói chuyện và để hỏi về bài học trên lớp cũng như bài tập về nhà. Chỉ cần sinh viên chủ động là khá dễ để học tốt.

Có một số điều mà mình thấy bất cứ du học sinh nào sang Mỹ cũng nên biết để không gặp phải rắc rối khi mới sang, chẳng hạn như việc đọc trước về các loại ổ cắm điện thông dụng ở Mỹ nếu định mang đồ điện sang. Đây cũng là một kỷ niệm khá thú vị của mình vì khi đi mình cũng hí hửng mang một vài món đồ điện sang để cho tiết kiệm vì sợ mua bên này đắt. Nhưng ai ngờ mất công mang sang mà không dùng được do chân cắm của chúng không cắm vào ổ được.

Mình thấy vấn đề nhỏ này rất nhiều du học sinh khác gặp phải. Ngoài ra về học tập thì mình thấy nên tận dụng cơ hội để tham gia cả các hoạt động của các tổ chức học sinh trong trường, đi làm thêm, để có được kiến thức thực tế bên cạnh việc học”.

Minh Dương
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI