Dự án thép 10 tỷ đô Cà Ná: Formosa là bài học quá lớn

12/09/2016 - 16:24

PNO - ''Tôi muốn đặt câu hỏi có hay không chuyện doanh nghiệp đi đêm chạy dự án? Tôi cũng muốn đặt câu hỏi thay đổi quy hoạch chỉ trong 4 ngày là vì vấn đề gì?"

Vì sao được bổ sung?

Liên quan đến dự án thép 10 tỷ USD Cà Ná gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam đã có những ý kiến trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

Vấn đề đầu tiên được ông Đoàn nhắc lại  là việc ''chạy nước rút'' thay đổi quy hoạch chỉ trong 4 ngày. Cụ thể, trong danh mục chương trình, dự án đầu tư chủ yếu tại Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung mới phê duyệt ngày 22/8 không có tên dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Tuy nhiên, tại Quyết định 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án ''Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận'' với công suất 16 triệu tấn/năm lại được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Du an thep 10 ty do Ca Na: Formosa la bai hoc qua lon
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: CFL

Ông Đoàn cho rằng, việc này thể hiện vai trò của các cơ quan chủ quản như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT. Quy hoạch Bộ Công thương bổ sung dự án chỉ sau 4 ngày công bố quy hoạch khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về quy hoạch chạy theo lợi ích của địa phương, lợi ích ngành, thậm chí cả lợi ích nhóm.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự khó hiểu khi Quy hoạch nhà nước khẳng định không có dự án thép Cà Ná trong giai đoạn này nhưng Bộ Công thương lại quyết định bổ sung dự án vào quy hoạch.

"Tôi muốn đặt câu hỏi có hay không chuyện doanh nghiệp đi đêm chạy dự án? Tôi cũng muốn đặt câu hỏi thay đổi quy hoạch chỉ trong 4 ngày là vì vấn đề gì?", vị chuyên gia thẳng thắn.

Cũng theo ông Đoàn, kinh doanh, sản xuất thép hiện nay không thể có lãi, lãi có được chỉ trong trường hợp lợi doanh nghiệp nắm, chi phí phát sinh đổ hết cho xã hội và nhà nước. Hơn nữa, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cùng với những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn.

Vì vậy, vị chuyên gia yêu cầu cần phải công khai, minh bạch câu chuyện hạch toán của dự án cho thật đầy đủ, rõ ràng. Theo vị chuyên gia, "khi đã hạch toán rõ ràng, tôi tin không ai dại gì mà đầu tư vào thép".

PGS.TS Lê Cao Đoàn đã đặt ra câu hỏi, liệu Tập đoàn Hoa Sen có đủ sức để thực hiện dự án thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD. Đây là số tiền rất lớn, vượt tầm với năng lực của một Tập đoàn kinh tế dù có "tiềm lực" ở Việt Nam.

Ông Đoàn cho biết, ngay tại Hàn Quốc, Trung Quốc, những tập đoàn kinh tế gia đình cực lớn của các nước này cũng vẫn chưa tự lo được khi thực hiện các thương vụ đầu tư ra nước ngoài với số vốn hàng chục tỉ USD, mà vẫn phải nhờ tới sự trợ giúp của nhà nước.

"Để có được 10 tỉ USD đầu tư một lúc đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tương đương tầm các tập đoàn kinh tế khổng lồ như tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc. Tôi không tin ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp một lúc có tới hàng chục tỉ USD để đi đầu tư. Chúng ta phải rất cảnh giác với các bong bóng trong hoạt động kinh tế" TS. Đoàn phân tích.

Đi ngược lại quy luật thông thường

Nhìn nhận vấn đề một cách sâu xa hơn, TS. Đoàn đề cập đến việc thời gian vừa qua rất nhiều dự án của Trung Quốc đã bị "tẩy chay" do nghi ngờ có sự nhúng tay của chính phủ nước này. Mục đích của họ là nhằm vào an ninh quốc phòng, xuất khẩu vốn và ăn cắp công nghệ...

Cách thức quen thuộc mà Trung Quốc vẫn sử dụng là đứng từ phía sau bơm vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân thực hiện mở rộng đầu tư tại các nước.

PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, một nền kinh tế khỏe mạnh là một nền kinh tế mà Chính phủ phải kiểm soát được các dòng tài chính bao gồm các nguồn vốn đầu tư, kinh doanh trong nước để ngăn chặn tình trạng nói 10 đồng nhưng dòng tài chính lưu thông thực tế chỉ được có 4 đồng.

Vấn đề thứ hai khiến vị chuyên gia kinh tế lo ngại đó là, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tập đoàn Hoa Sen là sản xuất tôn, thép. Đây vốn là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu thế giới và trong nước đã đi ngang, trong khi thép trong nước bị ế do phải đối mặt với thép nhập lậu, giá rẻ từ Trung Quốc.

Khi xảy ra tình trạng sản phẩm gang thép bị dồn ứ nghĩa là cung đã vượt quá cầu. Trong khi đó, theo triết lý của kinh tế học thì nguồn lợi nhuận được sinh ra phải dựa trên nguyên lý cung - cầu.

Theo TS. Đoàn, là tư nhân đầu tư trong lĩnh vực thép, đã nhìn rõ khả năng sinh lợi trong hoạt động sản xuất thép thời gian qua mà vẫn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này thì khó có thể nói là dũng cảm hay mạo hiểm. Từ nghịch lý này, ông đã đặt ra dấu hỏi "Mục đích đầu tư của dự án cũng như chủ đầu tư thực chất là gì?.''

"Tôi nghi ngờ có sự lập lờ và tôi nghi ngờ có vấn đề đằng sau dự án này. Dự án Formosa Hà Tĩnh là đã bài học đau đớn. Mà hậu họa đó hiện giờ đã lớn quá, không thể hạch toán được. Đó chính là hậu quả của việc đi ngược với dòng chảy phát triển của thế giới, khi thế giới bài trừ thì Việt Nam lại ôm vào.'' TS. Đoàn bộc trực.

Vấn đề thứ ba khiến PGS TS. Lê Cao Đoàn phải đặt ra nghi vấn đó là: Nguồn nguyên liệu phục vụ cho quá trình vận hành, sản xuất của doanh nghiệp này cụ thể như thế nào? Liệu có giống với ngành thủy điện, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên đất... nhưng tất cả đều không được hạch toán trong dự án mà giá điện vẫn bán với giá đắt hơn thế giới?

Cuối cùng là những vấn đề về môi trường. Hiện tại, thế giới và các nước phát triển đã không còn đi vào sản xuất thép do lo ngại những hiểm họa về môi trường trong tương lai. Trong khi đó, Việt Nam lại đi ôm vào là quyết định không thông minh.

Từ bốn vấn đề đã được phân tích ở trên, PGS TS. Lê Cao Đoàn kết luận: "Dự án thép Hoa Sen Cà Ná không nên được đầu tư vì những mối lo ngại cũng như đi ngược với thuyết kinh tế học thông thường".

Trà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI