Đông Nam Á và gánh nặng rác thải y tế từ COVID-19

03/03/2022 - 06:27

PNO - Đông Nam Á đang phải đối mặt với rác thải do đại dịch gây ra trong khi vấn đề môi trường của khu vực luôn đáng báo động.

Hơn hai năm qua, hình ảnh mà chúng ta luôn thấy ở mọi người là chiếc khẩu trang trên mặt hay nhân viên y tế thì luôn trong bộ trang phục bảo hộ (PPE). Theo những nhà môi trường, mặc dù những hình ảnh đó có thể được nhìn thoáng qua nhưng những chiếc khẩu trang, PPE hay bộ dụng cụ xét nghiệm đã qua sử dụng và ống tiêm vắc xin được bỏ đi, lại luôn hiện hữu. Cuối cùng tất cả những rác thải này đang gây ra một vấn đề trên toàn cầu.

Quá tải rác thải  

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng 87.000 tấn PPE (trang phục bảo hộ) đã được Liên Hiệp Quốc phân phối trên toàn cầu từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021 với phần lớn được làm từ nhựa.

Báo cáo năm 2020 từ Oceans Asia, được WHO tham chiếu trong phần tóm tắt ghi nhận có 1,5 tỷ khẩu trang bị vứt bỏ trên các vùng biển và đại dương trong giai đoạn đầu của đại dịch. Thêm vào đó là khoảng 140 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm đã qua sử dụng, tương đương với 2.600 tấn rác thải chủ yếu là nhựa, 144.000 tấn ống tiêm, kim tiêm và bao bì từ 8 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng... 

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự bùng phát COVID-19 đang nhấn mạnh các vấn đề đã tồn tại quanh việc quản lý chất thải, ô nhiễm môi trường biển cũng như các kho dự trữ rác nhập khẩu, lưu ý rằng sự lây lan trên toàn thế giới của COVID-19 “có liên quan đến nhiều thách thức khác mà các quốc gia phải đối mặt ”.

Rác thải y tế trong đại dịch như khẩu trang, PPE, kim và ống tiêm… đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng mà toàn cầu phải đối mặt
Rác thải y tế trong đại dịch như khẩu trang, PPE, kim và ống tiêm… đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng mà toàn cầu phải đối mặt

Kể từ khi Trung Quốc đơn phương ngừng nhập khẩu tất cả rác thải vào năm 2017, áp lực lên các nước khác ở châu Á ngày càng nặng nề khi các nước giàu hơn tiếp tục tìm cách toàn cầu hóa rác thải sinh hoạt của họ. Trong khi đó, nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe ở châu Á đang căng mình đối phó với sự gia tăng đột biến chất thải liên quan đến COVID-19 do các đợt bùng phát của chính nước mình. Hiện nhiều nước đang bị quá tải, trở thành các núi rác thải y tế.  

Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận việc giảm bắt buộc lao động hiện có do COVID-19 là một trong ba yếu tố gián tiếp làm trầm trọng thêm vấn đề chất thải. Tại Nam Á, việc gia tăng giao hàng tận nơi thay vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng đã làm tăng một lượng lớn bao bì dư thừa cần phải xử lý.

Trước khi bùng phát COVID-19, một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã được cảnh báo rằng lượng chất thải đang đe dọa tương lai môi trường. Trước đại dịch, Thái Lan đã dự đoán đất nước này cuối cùng sẽ là “trung tâm xử lý rác thải của thế giới, chỉ để lại đống tro tàn độc hại, bệnh tật do ô nhiễm và môi trường bị ô nhiễm cho người Thái”. Và với tác động của COVID-19, Thái Lan có thể trở thành là nhà vô địch nhập khẩu chất thải của thế giới. Ngoài ra, cùng với việc nhập khẩu hợp pháp, nạn buôn bán chất thải nhựa đang tràn lan có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng trên khắp Đông Nam Á.

Tái chế là giải pháp? 

Tái chế được coi là câu trả lời cho các vấn đề rác thải của châu Á và thế giới. Mặc dù các sản phẩm phế thải có tiềm năng tái chế thành hàng hóa và tạo ra năng lượng nhưng thực tế - theo WB - chỉ có khoảng 25% rác thải nhựa được tái chế trên khắp Đông Nam Á.

Các nhà máy chuyển hóa chất thải thành năng lượng ở Thái Lan được phát hiện chỉ đơn giản là đang đốt chất thải nguy hại, chẳng hạn như chất dẻo, để cung cấp nhiên liệu cho việc sản xuất năng lượng của họ. Tạo ra năng lượng, nhưng cái phải trả giá là tình trạng ô nhiễm đối với môi trường càng trầm trọng hơn.

Các tuyến đường thủy của khu vực, cả nội địa và xa bờ, đều có khả năng bị ảnh hưởng đáng kể bởi làn sóng rác liên quan đến COVID-19. WB cho biết Nam Á tạo ra khoảng 300 triệu tấn chất thải rắn hằng năm, 70 - 80% trong số đó bị đổ vào đường thủy hoặc đại dương, và có khoảng 12% trong đó là nhựa. Điều này có nghĩa là khoảng 27 triệu tấn nhựa phần lớn không phân hủy được đang đổ vào các con sông và đại dương mỗi năm chỉ tính riêng ở Nam Á.

Sự gia tăng chất thải do đại dịch gây ra đang là nỗi ám ảnh tiếp theo của toàn cầu. Vì thế, các chính phủ không chỉ hướng tới việc chống lại virus mà còn phải căng mình đối phó với tình trạng đang và sẽ là vấn đề trên toàn thế giới. 

Thu Thanh (theo CNA, AFP)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI