Đông Nam Á nên tăng cường tiêm ngừa thay vì chi tiền cứu trợ để chống dịch

12/07/2021 - 05:31

PNO - Các chuyên gia cho rằng, thay vì đuổi theo việc chống dịch với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đi kèm với việc chi ra nhiều tiền để giải cứu nền kinh tế, các nước Đông Nam Á nên tăng cường tiêm ngừa COVID-19 cho người dân để giảm gánh nặng nợ công khi khả năng hồi phục nền kinh tế sau đại dịch là điều chưa chắc chắn.

Hồi tháng 5, khi Singapore thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong 4 tuần để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19, chính phủ nước này đã phải chi ngân sách 800 triệu đô la Singapore (khoảng 591 triệu USD) để triển khai các chương trình hỗ trợ cho nền kinh tế. Số tiền này đã giúp nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau ở Singapore, trong đó có các cơ sở tập thể dục, các tổ chức biểu diễn nghệ thuật và cả những quán ăn tồn tại khi bị tạm ngưng hoạt động trong suốt một tháng.

Người dân Philippines đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Manila, Philippines
Người dân Philippines đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Manila, Philippines - Ảnh: EPA

Mới đây, Malaysia cũng đã công bố một khoản ngân sách 150 tỷ ringgit (tương đương 35 tỷ USD), để hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp tiền lương cho người dân, sau khi gia hạn lệnh phong tỏa vô thời hạn trên toàn quốc.

Hiện, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang phải căng mình chống dịch COVID-19 với nhiều biện pháp hạn chế cứng rắn trước sự hoành hành của biến chủng nguy hiểm Delta. Và để thực hiện các biện pháp này, đa số các nước đều phải tiêu tốn một nguồn ngân sách đáng kể nhằm hỗ trợ các thành phần dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế cho rằng, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, chính sách ứng phó theo cách trên sẽ có thể để lại một gánh nặng nợ công lên các thế hệ trẻ sau này, nhất là ở những nước chưa có dấu hiệu chấm dứt của dịch bệnh trong khi quá trình tiêm ngừa lại đang diễn ra chậm chạp.

Theo số liệu của Tổ chức Thông tin kinh tế (EIU), nợ công ở Philippines đã tăng từ tỷ lệ 40% GDP vào năm 2019 lên 55% vào năm ngoái. Ở Thái Lan, tỷ lệ này đã tăng hơn 10%, lên 52% trong cùng giai đoạn.

Selena Ling - Giám đốc nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của Ngân hàng OCBC (Singapore) - cho biết, khi đại dịch xảy ra, hầu hết các chính phủ trên thế giới đều đẩy mạnh “giải cứu” nền kinh tế bằng các chính sách tài chính và tiền tệ. Trong đó, tại châu Á, các chính sách tài chính đóng vai trò rất lớn vào việc thực hiện mục tiêu này, nhờ mặt bằng lãi suất chuẩn ở các nước trong khu vực tương đối thấp.

Tuy nhiên, theo Paul Kent - nhà kinh tế của công ty tư vấn kiểm toán KPMG tại Singapore, điều đáng quan ngại là chính sách nói trên sẽ làm cho một số quốc gia Đông Nam Á, vốn đã gánh một khoản nợ công khá cao trước đại dịch, sẽ càng thêm lao đao.

“Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế do tác động của dịch COVID-19 sẽ càng đẩy tỷ lệ nợ công trên GDP ở các quốc gia này lên cao, làm hạn chế khả năng đầu tư cho các dự án trong tương lai hoặc triển khai các biện pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khủng hoảng khác”, Kent cảnh báo và cho biết mức nợ công quá cao sẽ khiến một quốc gia có nguy cơ bị suy thoái kinh tế kéo dài, làm đồng tiền của nước đó bị suy yếu và đe dọa tính ổn định của thị trường việc làm.

Thêm vào đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch còn có thể phụ thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học. Theo đó, các nước có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động và đang thuộc diện đóng thuế cao sẽ không quá khó khăn trong việc giảm nợ công từ đại dịch để lại.

“Xét ở góc độ này thì Philippines, Thái Lan và Malaysia sẽ có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thuế cao lại có thể tạo ra sức cản đối với tăng trưởng kinh tế”, Fung Siu - nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của EIU - nhận định.

Một phụ nữ Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon vừa được tiêm vắc xin - Ảnh: Reuters
Một phụ nữ Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon vừa được tiêm vắc xin - Ảnh: Reuters

Điều đó cũng có nghĩa, các nước không đủ mạnh về tiềm lực tài chính ở Đông Nam Á sẽ khó có thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của việc chi nhiều tiền để giải cứu nền kinh tế do tác động COVID-19, dẫn đến tăng gánh nặng nợ công, trong khi khả năng hồi phục nền kinh tế và giảm nợ công sau đại dịch vẫn còn là điều chưa chắc chắn.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng, đẩy nhanh quá trình tiêm chủng sẽ là cách làm tốt nhất giúp các nước này thoát khỏi đại dịch một cách nhẹ nhàng. Đây cũng là quan điểm của bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế.

“Tăng cường tiêm ngừa COVID-19 cho người dân trong năm nay, và có thể tiếp tục trong năm sau, sẽ là chính sách kinh tế quan trọng nhất, có tác dụng và ý nghĩa hơn cả các chính sách tiền tệ và tài chính. Điều kiện tiên quyết để tất cả các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định là tất cả mọi người dân đều phải được tiêm ngừa - một điều đến nay vẫn chưa thực hiện được”, bà Georgieva chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

Hiện, các nước trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều. Ở Singapore, hơn 66% trong số 5,7 triệu dân số của nước này đã được tiêm ít nhất một liều và gần 40% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ, và tỷ lệ này ở Philippines và Malaysia lần lượt là 2,7% và gần 10%.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI