Đồng Nai: Kết cục buồn cho những người ngại tiêm vắc xin COVID-19

30/12/2021 - 06:22

PNO - Khoảng một tháng nay, số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 ở tỉnh Đồng Nai luôn ở mức cao, có ngày lên đến 44 ca. Đáng chú ý, trong số đó nhiều trường hợp chưa tiêm bất kỳ mũi vắc-xin ngừa COVID-19 nào.

Nhiều bệnh nhân là thai phụ, người già

Ba ngày trước, sản phụ Nguyễn Ngọc Nh. (28 tuổi, quê H.Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tạm trú tại TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã tử vong vì COVID-19. Điều đáng nói, sản phụ mang thai sắp đến ngày sinh nhưng vẫn chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin ngừa COVID-19 nào, dù theo quy định của Bộ Y tế thai phụ từ 13 tuần tuổi nên tiêm vắc xin.

Ngày 4/12, sản phụ Nh. phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại nhà. Tình trạng sốt, ho, kèm khó thở ngày càng tăng và bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện chữa trị sau hai ngày mắc bệnh. Lúc nhập viện tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh, bệnh nhân vừa mang triệu chứng đặc thù của nhiễm COVID-19, vừa đau bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt, SpO2 giảm chỉ còn 85%. Các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy thai và chuyển sản phụ qua khu hồi sức tích cực COVID-19 điều trị vì tình trạng nặng. Dù được thở máy HFNL, rồi thở máy xâm lấn, điều trị kháng sinh, kháng vi-rút… nhưng chị Nh. đã không qua khỏi. 

Đây không phải là trường hợp đáng tiếc duy nhất hiện nay tại tỉnh Đồng Nai. Thực tế, đến giữa tháng 12/2021, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 70.000 người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, rơi vào các trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền hoặc tai biến, bại liệt không đi lại được. Những ngày này, bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tại BVĐK Đồng Nai khá đông, phòng bệnh luôn kín giường. Tình trạng này đã bắt đầu từ khi mở cửa trở lại. Nhưng điều đáng lo là bệnh nhân vừa mắc COVID-19, vừa bị đột quỵ. Nhiều người trong số họ chưa tiêm vắc xin vì nhiều lý do. Và dự hậu cho các bệnh nhân này thường khá xấu.

Nửa tháng trước, cụ ông Dương Văn L. (94 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã nhập viện vì bị đột quỵ. Các bác sĩ cũng phát hiện cụ L. dương tính với SARS-CoV-2, và cụ cũng chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì nhiều lý do. Đây là điều tiếc nuối của người thân bởi chỉ sau vài ngày chữa trị, bệnh nhân đã tử vong vì tuổi cao lại mắc nhiều bệnh. “Ông đã cao tuổi, lại mắc bệnh huyết áp, đau bao tử nên gia đình không muốn tiêm vắc xin cho ông vì sợ phản ứng phụ. Hơn nữa, ông cũng chỉ ở nhà, không đi ra ngoài bao giờ, tôi nghĩ bố tôi không thể nào bị bệnh được. Nhưng không ngờ ông vẫn nhiễm COVID-19”, con trai ông L. nuối tiếc nói.

Vất vả thuyết phục người dân tiêm ngừa

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh BVĐK Đồng Nai, quan điểm của nhiều người cho rằng, người già, có bệnh nền nhưng chỉ ở yên trong nhà thì cơ hội mắc bệnh gần như là không có. Điều này hoàn toàn sai và thực tế đã chứng minh khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, những người thân đi làm, đều có thể mang mầm bệnh về lây cho người ở nhà. “Người già thường mắc bệnh nền, giờ lại mắc thêm COVID-19 thường có nguy cơ cao. Cơ hội hồi phục thấp hơn nhiều lần so với người đã được tiêm ngừa. Đây cũng là điều đáng lo ngại hiện nay”, bác sĩ Quang chia sẻ.
 

Đội tiêm chủng lưu động đến tận nhà dân tiêm vắc-xin cho người không đi lại được
Đội tiêm chủng lưu động đến tận nhà dân tiêm vắc xin cho người không đi lại được

Với số dân khoảng 2,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên, tỉnh Đồng Nai còn hàng ngàn người chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Trong số đó, nhiều người không thể tiêm do bị kích ứng, bệnh nền, thậm chí không đồng ý tiêm chủng. Bên cạnh đó, một số người do mắc các loại bệnh nền như tai biến mạch máu não, bại não, bại liệt… nằm một chỗ không thể đi tiêm phòng. 

Trước thực trạng này, ngành y tế yêu cầu các địa phương lập danh sách để các tổ tiêm lưu động đến tận nhà tiêm vét cho người dân. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai là một trong những tình nguyện viên tham gia các tổ tiêm chủng lưu động của TP.Biên Hòa. Suốt nhiều ngày nay, bác sĩ Huyền cùng các nhân viên của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa đã xách từng thùng vắc xin đến từng nhà người dân ở các ngóc ngách, các con hẻm để tiêm cho họ. Đa phần là người lớn tuổi và đều có bệnh nền, hoặc nằm liệt một chỗ. Để được tiêm cho người bệnh cần phải có sự đồng ý của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người nhà đã đồng ý, bác sĩ phải thuyết phục mãi mới được người bị bệnh đồng ý tiêm.

Bác sĩ Huyền chia sẻ: “Vào đến nhà dân, chúng tôi phải thuyết phục cả người nhà và bệnh nhân. Có trường hợp, bệnh nhân nằm tại chỗ muốn tiêm nhưng người nhà nhất định không ký giấy chấp thuận tiêm nên chúng tôi đành ra về và chờ đến khi nào họ đồng ý mới quay lại sau”. Nhưng cũng có trường hợp gia đình thiết tha mong tiêm thì người bệnh lại từ chối vì sợ… đau. Các thành viên của đội tiêm chủng lưu động kiên nhẫn thuyết phục gần 30 phút và đảm bảo không đau thì người bệnh mới đồng ý. “Có một bà cụ hơn 60 tuổi nằm liệt giường vì tai biến mạch máu não 5 năm nay. Hết con đến cháu thuyết phục đưa bà đi tiêm nhưng bà nhất định không đi. Cuối cùng, chúng tôi phải nhờ đến đội tiêm lưu động đến thuyết phục và tiêm cho bà. May mắn là bà đồng ý”, chị Hoàng Thị Vân, ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, chia sẻ. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho rằng tiêm vắc xin là tự nguyện, không thể ép buộc. Hiện tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều người chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin ngừa COVID-19 nào. Dù nhân viên y tế đã đến tận nhà vận động, giải thích về lợi ích của việc tiêm vắc xin nhưng họ vẫn không đồng ý. Ngoài ra, nhiều người lớn tuổi, có bệnh nền lo lắng khi tiêm loại vắc xin này có thể bị phản ứng nặng nên từ chối tiêm. Nhưng thực tế, tiêm vắc xin rất quan trọng với họ và họ được bảo vệ tốt hơn nếu chẳng may mắc COVID-19.


Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI