Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Sài Gòn - Gia Định, TP.Hồ Chí Minh

30/06/2015 - 09:42

PNO - PN - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), báo Phụ Nữ xin giới thiệu toàn văn bài tham luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tại hội thảo khoa học "Đồng chí...

edf40wrjww2tblPage:Content

 ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN LINH VỚI SÀI GÒN - GIA ĐỊNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.

Đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, không phút giây ngơi nghỉ; trong đó đã có hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong các thời kỳ cách mạng. Đảng ta đã khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thuộc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh… Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước” .

Dong chi Nguyen Van Linh voi Sai Gon - Gia Dinh, TP.Ho Chi Minh

Quang cảnh hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh vinh dự, tự hào và biết ơn sâu sắc đồng chí Nguyễn Văn Linh, người mà cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào thường gọi thân thương, kính mến là Anh Mười Cúc, Chú Út, Chú Mười Cúc.

Đồng chí đã gắn bó, trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ thành phố qua các thời kỳ, từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố, trong đó có những thời điểm hết sức ngặt nghèo, đầy thử thách.

Luôn bám sát thực tiễn, trước khó khăn thử thách luôn tìm cách vượt qua, từ thực tiễn luôn trăn trở đặt vấn đề đổi mới, tiến hành đổi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nói đi đôi với làm, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đóng góp trí tuệ và công sức to lớn, để lại những dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong mỗi thắng lợi và thành tựu của Sàigòn - Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 1 - 1939, từ Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Cúc (sau này lấy tên Nguyễn Văn Linh) được Trung ương Đảng cử vào Sài Gòn công tác, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào lúc tình hình diễn biến nghiêm trọng do họa phát-xít gây ra đã lan rộng, chuẩn bị chiến tranh ở Đông Dương và cả nạn tờ-rốt-kít tác động tai hại đến cuộc vận động dân chủ.

Những thành quả giành được từ cuộc đấu tranh trong cao trào dân chủ (1936 - 1939) đang bị giới cầm quyền thực dân Pháp và bọn phản động thuộc địa quyết liệt xóa bỏ bằng đàn áp, khủng bố. Là một trong những trung tâm đấu tranh sôi động nhất, hoạt động của Đảng bộ thành phố đứng trước những thử thách khắc nghiệt; nổi lên là yêu cầu củng cố, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng, chống sự chia rẽ, bè phái để giữ vững vai trò lãnh đạo quần chúng, chuẩn bị bước vào thời kỳ cách mạng mới; đó là cao trào cứu nước (1939 - 1945) mà ở Nam bộ đã sớm bắt đầu, với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ oanh liệt vào tháng 11 năm 1940.

Trong một năm hoạt động ở Sài Gòn, vào thời kỳ này, đồng chí Nguyễn Văn Linh thâm nhập thực tiễn cách mạng miền Nam, góp phần củng cố tổ chức, thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đề ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6; qua đó, hiểu phong trào và tinh thần cách mạng của Nhân dân Sài Gòn - Gia Định.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ ngục tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công về hoạt động ở miền Nam, tham gia Xứ ủy Nam bộ trong tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”. Giữa năm 1947, đồng chí được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ lớn đến giữa năm 1948 thì về Xứ ủy. Đồng chí đã đứng ra tập hợp, củng cố lại Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy Gia Định để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, xây dựng lực lượng vũ trang nội thành, xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng đến tận cơ sở; tiến hành đánh địch, chống lại sự phá hoại, càn quét, làm thất bại chính sách “Nam Kỳ tự trị” của thực dân Pháp.

Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định có vinh dự đảm nhận sứ mệnh “đi trước” cùng Nam Bộ giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, làm thất bại từng bước kế hoạch xâm lược của kẻ thù, vững vàng cùng toàn quốc bước vào kháng chiến. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, phong trào đấu tranh cách mạng đã có bước phát triển mới, tạo chuyển biến cả về đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị sôi động, rộng khắp, đã phát động được Nhân dân tham gia, đạt những thành tích vẻ vang, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, cầm cự tích cực và chuẩn bị tổng phản công.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên đà thắng lợi, đặt ra yêu cầu mới đối với phong trào đấu tranh đô thị. Sài Gòn là chiến trường trọng điểm trong nhiệm vụ khống chế chiến lược bình định toàn diện của địch, Xứ ủy chỉ đạo phải tăng cường hoạt động vũ trang trong nội thành, tiếp tục bao vây, phá trật tự trong lòng địch, phát triển dân quân, mở rộng và phát triển phong trào công nhân; tăng cường cán bộ cho Khu Sài Gòn - Chợ Lớn để tổ chức những cuộc đấu tranh lớn, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công ở thành phố.

Phong trào đấu tranh của công nhân, trí thức, học sinh sinh viên ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, quyết liệt chống thực dân Pháp, chống chính phủ bù nhìn Bảo Đại, chống bọn can thiệp Mỹ; đã nổ ra các cuộc biểu tình lớn: Ngày 9 tháng 1 năm 1950, trở thành Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc; ngày 19 tháng 3 năm 1950, trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ. Địch khủng bố, đánh phá, đàn áp khốc liệt, cơ sở cách mạng bị tổn thất nặng, phong trào tạm lắng, lâm vào khó khăn. Giữa lúc đó, Xứ ủy Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Văn Linh về giữ trọng trách Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, trực tiếp lãnh đạo thành phố từ 1950 đến 1953.

Đồng chí đã chỉ đạo củng cố lực lượng, khắc phục khuyết điểm, khôi phục phong trào. Sâu sát với tình hình và đồng bào, chiến sĩ, đồng chí nhận định: “Muốn tiến lên giành thắng lợi một cách căn bản chúng ta phải có căn cứ địa vững chắc, phải có lực lượng vũ trang mạnh và có chiến trường chính, … Trong cuộc Hội nghị cấp ủy Trung ương Cục miền Nam tháng 10 năm 1951, vì nhận định phương hướng tiến lên bằng một cuộc tổng khởi nghĩa nên hướng trung tâm căn cứ địa là Đông Nam Bộ và Nam Khu V,… trong tình hình hiện nay cũng không thể nhanh chóng được, nên chúng tôi đã đặt hướng căn cứ địa cách mạng miền Nam là cả vùng rừng núi từ Đông Nam Bộ cho đến toàn bộ rừng núi Khu V mà trong lúc này phải lấy phía Bắc Khu V làm căn cứ địa chính,… Vùng đồng bằng Nam Bộ sẽ chỉ là chiến trường du kích mạnh và đấu tranh chính trị mạnh”.

Thực tiễn ấy giúp Trung ương Cục (tiền thân là Xứ ủy Nam Bộ) chỉ đạo Đặc Khu ủy chủ trương kịp thời chuyển nội dung và hình thức đấu tranh phù hợp với tình hình, tập trung lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; đẩy mạnh công tác dân vận, địch vận, chú ý đến đời sống hàng ngày của Nhân dân, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, bán vũ trang, du kích, các đội đặc công, quyết tử… Nhờ vậy, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, ổn định một bước thế đứng chân, bảo toàn lực lượng, tổ chức một số trận đánh địch có hiệu quả, giữ vững niềm tin của đồng bào, chiến sĩ, quyết tâm bám trụ, vững vàng tiến lên, góp phần đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Dong chi Nguyen Van Linh voi Sai Gon - Gia Dinh, TP.Ho Chi Minh

Ông Lê Thanh Hải trò chuyện với phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Huệ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục gắn bó với cách mạng miền Nam, trực tiếp là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, từ tháng 9 năm 1954 đến đầu năm 1957, rồi về Xứ ủy.

Tháng 4 năm 1965, đồng chí trở lại làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đến tháng 8 năm 1968; tháng 4 năm 1972 đến tháng 10 năm 1973 là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, rồi về Trung ương Cục miền Nam. Suốt cuộc kháng chiến gian lao, ác liệt, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn sát cánh cùng Đảng bộ, đồng bào, chiến sĩ miền Nam trên khắp các chiến trường. Vào những thời điểm cam go nhất, khốc liệt nhất và có tính bước ngoặt, đồng chí trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và Nhân dân thành phố chiến đấu, tạo nên những thắng lợi, để lại những dấu ấn và tình cảm không thể phai mờ trong tâm trí đồng chí, đồng bào thành phố.

Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-ve, trong điều kiện mới Trung ương Đảng chủ trương chuyển sang phương thức đấu tranh chính trị, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là : “Lãnh đạo Nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do, dân chủ (tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do đi lại,v.v…), cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời phải lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt bớ cán bộ ta và quần chúng cách mạng, chống những hành động tiến công của địch, bảo vệ quyền lợi của quần chúng đã giành được trong thời kỳ kháng chiến” .

Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ thành phố vượt qua khó khăn, đồng chí đã bám sát địa bàn, thực hiện chỉ đạo công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng, tổ chức và huấn luyện cán bộ, đảng viên trước yêu cầu rất cao về bảo đảm hoạt động bí mật, bảo vệ lực lượng ở địa bàn đô thị. Năm 1954, Đảng bộ thành phố chỉ có hơn 100 đảng viên, đến đầu năm 1957 đã có trên 80 chi bộ, các ban của Đảng cùng nhiều tổ chức đoàn thể với khoảng 700 đảng viên, 500 đoàn viên Thanh niên Lao động, 3.000 quần chúng nòng cốt. Đây là thời kỳ Đảng bộ và lực lượng cách mạng ở thành phố phát triển mạnh mẽ nhất của giai đoạn 1954 - 1959. Trên cơ sở đó, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, các phong trào đấu tranh nổ ra sôi nổi, rộng khắp, từ dân sinh, dân chủ đến chính trị, tiêu biểu như Phong trào bảo vệ hòa bình, Phong trào cứu tế nạn nhân, bảo vệ sinh mạng và tài sản dân chúng, Phong trào đòi Hội nghị Hiệp thương, đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, v.v… đã thu hút đông đảo công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, học sinh, sinh viên, ký giả, văn nghệ sĩ,… tham gia đấu tranh trên các lĩnh vực thành một cao trào rộng lớn.

Phá hoại Hiệp định Giơ-ne-ve, đàn áp phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân miền Nam, Mỹ - Diệm dìm cách mạng miền Nam trong bể máu, khiến phong trào cách mạng ở thành phố lâm vào khó khăn. Quán triệt Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo từ năm 1955, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo từng bước xây dựng và hoạt động vũ trang tự vệ, diệt ác, trừ gian, duy trì đấu tranh chính trị, nhất là lãnh đạo chống “tố cộng”, “diệt cộng” của Mỹ - Diệm để bảo vệ lực lượng cách mạng, tích cực chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chuyển sang tiến công khi có chủ trương từ Trung ương.

Được bố trí công tác tại Xứ ủy từ đầu năm 1957, với cương vị Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh tập trung chỉ đạo sát sao đối với Đảng bộ Thành phố.

Từ thực tiễn những năm đầu kháng chiến chống đé quốc Mỹ, đồng chí đã đi đến nhận định : “Nhân dân và Đảng ta nếu không muốn khuất phục và bị tiêu diệt, nhất định không thể không dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là quy luật tất yếu. Nhưng không phải bất cứ lúc nào cách mạng cũng dùng ngay bạo lực được. Mâu thuẫn giữa địch và ta phải phát triển đến mức độ nhất định mới dùng hình thức vũ trang chống địch” ; và kết luận : “Ở miền Nam hiện nay và sẽ tới đây, khi những điều kiện và tính chất của cuộc đấu tranh giữa ta và địch chưa có gì thay đổi về cơ bản thì hai hình thức đấu tranh chính trị và võ trang vẫn đều là hai hình thức đấu tranh cơ bản quan trọng ngang nhau và vẫn song song tồn tại”.

Trong thời điểm gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn tỏ rõ một người lãnh đạo bản lĩnh, nhuần nhuyễn lý luận, am hiểu thực tiễn để chỉ đạo cách mạng và tổng kết, góp phần xây dựng đường lối kháng chiến của Đảng. Xứ ủy Nam Bộ nhanh chóng tiếp thu, quán triệt và nỗ lực thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Cuối năm 1959, tham dự Hội nghị Khu ủy Sài Gòn - Gia định mở rộng, Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nông thôn và đô thị.

Phong trào Đồng khởi đã nổ ra, bắt đầu từ Bến Tre vào ngày 17 tháng 1 năm 1960. Thường vụ Xứ ủy và đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương tổ chức một trận đánh vũ trang, chính thức dấy lên phong trào đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ - Chiến thắng Tua Hai (đêm 26 tháng 1 năm 1960) làm rúng động bọn cầm đầu Mỹ - ngụy, tăng thêm khí thế vùng lên ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ, nhất là Sài Gòn - Gia Định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn mới.

Ở Sài Gòn - Gia Định, đã khôi phục cơ sở, tiến hành Đồng khởi đợt 2, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang nội thành với nhiều thắng lợi, tạo cơ sở mở rộng tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân yêu nước. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia Ủy ban Trung ương lâm thời.

Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ thất bại, chúng chuyển sang thực hiện Chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân đội viễn chinh tham chiến. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì Hội nghị cán bộ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vào tháng 4 năm 1965, để quyết định các phương án thực hiện Kế hoạch X - tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định khi Mỹ đưa quân vào miền Nam. Với tính chất đặc biệt quan trọng của chủ trương lớn này, đồng chí Nguyễn Văn Linh được tăng cường kiêm Bí thư Khu ủy để trực tiếp lãnh đạo.

Dưới sự lãnh đạo nhạy bén của Trung ương Cục miền Nam, ngay trong năm 1965, Quân giải phóng miền Nam đã chủ động tiến công quân Mỹ ngay từ đầu với những chiến công vang dội như Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme,… hòa nhịp, các lực lượng biệt động, trinh sát, quân báo của ta đã lập nhiều chiến công hiển hách trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não, hang ổ của địch như trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ, các cuộc biểu tình với hàng chục ngàn, trăm ngàn người xuống đường chống Mỹ, khiến chúng hoang mang, lúng túng ngay từ khi bắt đầu triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Sài Gòn - Gia Định là chiến trường chiến lược trọng điểm luôn được Trung ương Đảng, Trung ương Cục quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao; trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thường xuyên nhận xét, đánh giá sâu sắc tình hình, chỉ đạo Đảng bộ và phong trào cách mạng thành phố phát triển vừa bảo đảm đúng đường lối, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo.

Năm 1966, tại Hội nghị kiểm thảo của Cấp ủy T4 (Khu Sài Gòn - Gia Định), Đồng chí phát biểu : “…muốn có tổng công kích, tổng khởi nghĩa phải qua đấu tranh hàng ngày và đấu tranh hàng ngày phải dẫn đến giác ngộ cách mạng của quần chúng và xây dựng xúc tiến lực lượng để tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa đánh đổ chế độ, giành chính quyền. Vấn đề cốt yếu là vấn đề chính quyền. Nhưng trong chỉ đạo hàng ngày ta đã không nắm vững nguyên tắc này. Như vậy nhận thức của ta chưa thật rõ ràng, quan điểm triệt để cách mạng và không triệt để cách mạng cũng dính trong vấn đề này. Ta cần coi lại, vấn đề này rất quan trọng, đối với cấp ủy đô thị, nhất là Khu ta lại càng rất quan trọng. Tư tưởng hữu khuynh cải lương có hay không cũng nằm trong vấn đề này”.

Những chỉ đạo sâu sắc mang tầm chiến lược, đồng thời rất cụ thể như vậy là cơ sở, định hướng sát thực để Đảng bộ và Nhân dân thành phố đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành thắng lợi, nổi bật là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 mà Đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp tham gia lãnh đạo, là Bí thư Đảng ủy Khu Trọng điểm (tháng 10 năm 1967); lãnh đạo đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trong lòng đô thị, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Tháng 4 năm 1972, một lần nữa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, lãnh đạo cách mạng thành phố trước yêu cầu đẩy mạnh ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận tạo ra một cao trào chính trị tiến tới một cuộc bùng nổ cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa việc khẩn trương đưa phong trào lên một cách căn cơ với việc khai thác thật nhạy bén, triệt để khi thời cơ xuất hiện. Một cao trào đã xuất hiện với việc: “Đã lợi dụng được mâu thuẫn trong nội bộ địch; đưa được phong trào công khai lên rầm rộ, liên tục; xây dựng được nhiều tổ chức chính trị ở thành phố, góp phần đưa phong trào chính trị lan dần đến các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung; nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng, tập hợp được thêm lực lượng; phong trào công nhân lao động có tiến bộ” .

Đồng thời, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và chuẩn bị sẵn sàng cho giải pháp chính trị; tăng cường hoạt động vũ trang, sáng tạo cách đánh mưu trí, linh hoạt, táo bạo, tìm ra các phương thức đấu tranh nâng chất phong trào đấu tranh chính trị, khôi phục thế và lực cách mạng ở vùng nông thôn thành phố, phát huy mặt trận báo chí,… đã nâng cao khả năng đấu tranh của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững vàng bước vào giai đoạn mới sau Hiệp định Pa-ri, đánh cho ngụy nhào để kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa Xuân vĩ đại, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sát cánh với Đảng bộ, đồng bào, chiến sĩ thành phố với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách công tác lãnh đạo nổi dậy của quần chúng trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã tập trung các lực lượng quân sự, chính trị và binh vận thực hiện các bước tiến công chuẩn bị chiến trường cho trận quyết chiến chiến lược và cuộc tổng nổi dậy của Nhân dân. Khi các binh đoàn chủ lực tiến sát nội đô, lực lượng chính trị đã phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu và căn cứ trong nội thành; ngoại thành đã vùng lên giành chính quyền ở 90% ấp, 2/3 số xã trước khi bộ đội chủ lực đến; địch tan rã tại chỗ, Nhân dân đồng loạt nổi dậy treo cờ giải phóng, công nhân các xí nghiệp đã giữ nguyên vẹn cơ sở vật chất, tiếp tục sản xuất đảm bảo thành phố sinh hoạt bình thường. Cờ sao tung bay trên khắp phố phường, xóm ấp, xác lập quyền làm chủ của quần chúng cách mạng cho tới khi lá cờ chiến thắng phấp phới tung bay trên nóc “dinh Tổng thống” ngụy quyền.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tất cả đều tham gia tấn công địch tạo nên một chiến thắng trọn vẹn tuyệt vời, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhận định: “Do kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp giữa tổng tiến công và nổi dậy của quần chúng, chúng ta đã giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn”.

Đó không chỉ là một nhận định mà còn là nỗi vui mừng, tấm lòng của đồng chí với Đảng bộ, Nhân dân thành phố vì trong chiến thắng huy hoàng đó, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã góp phần xứng đáng, bằng tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, với quá trình nâng cao thế trận lòng dân, xây nên căn cứ địa vững chãi, tạo nên thế trận chiến tranh Nhân dân vô địch; kết tinh sức mạnh dời non lấp biển của Nhân dân.

Sự gắn bó của đồng chí với đồng bào, chiến sĩ thành phố mãi còn thấm đẫm niềm tự hào, tin yêu vào con người thành phố: “Trong gần 50 năm, trải qua những giai đoạn lịch sử vô cùng gian khổ, nhưng cực kỳ anh dũng và hết sức vẻ vang của Đảng, qua các cao trào 1929 - 1930, 1935 - 1939, Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, Cách mạng Tháng Tám 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với các đỉnh cao : Đồng Khởi, Mậu Thân 1968, tổng công kích, tổng nổi dậy mùa Xuân 1975; phát huy truyền thống của công nhân Ba Son, của công nhân xe lửa Dĩ An, của nông dân cách mạng 18 thôn Vườn trầu, Bà Điểm, Hóc Môn, giai cấp công nhân và nông dân ngoại thành cùng các tầng lớp Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, lúc nào cũng giương cao ngọn cờ đấu tranh quyết liệt vì độc lập tự do, vì dân chủ và thống nhất Tổ quốc… Cùng với cả miền Nam, Sài Gòn - Gia Định đã “đi trước về sau”. Và đã về đến đích, đã trở thành “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của Tổ quốc thân yêu” .

Miền Nam được giải phóng hoàn toàn, non sông thu về một mối. Trong niềm vui mừng trước thắng lợi vĩ đại, thì bên cạnh đó, biết bao điều trăn trở, lo toan do hậu quả rất nặng nề của chiến tranh phải khẩn trương khắc phục, xây dựng và bảo vệ thành phố. Trong thời điểm gian nan ấy, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã sớm có Chỉ thị số 06 về các nhiệm vụ sau khi miền Nam được giải phóng và đồng chí Nguyễn Văn Linh lại có mặt, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976; thực hiện ổn định tình hình, chăm lo đời sống Nhân dân, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thành phố, bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Mười năm đầu sau giải phóng là một thời kỳ đặc biệt trong quá trình ổn định, khôi phục, xây dựng và bảo vệ thành phố; phải đối mặt với những thử thách hết sức gay gắt, đòi hỏi Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố nỗ lực cao độ, nâng cao bản lĩnh và tinh thần cách mạng, đoàn kết tạo sức mạnh to lớn để vượt khó khăn, có những bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh và từng bước vượt qua những trở lực của cơ chế cũ, với tư duy mới, làm sáng tỏ dần con đường đi và cách làm mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Chính trong bối cảnh ấy, năm 1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về làm Bí thư Thành ủy, đến tháng 6 năm 1986 giữ trọng trách Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chuẩn bị Đại Hội lần thứ VI của Đảng. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới mà thực tiễn thành phố đã góp phần tích cực; đặc biệt là những đóng góp của đồng chí Bí thư Thành ủy tràn đầy ý chí không ngừng đổi mới, đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp tác động tạo ra thực tiễn sinh động với tinh thần cách mạng, năng động, sáng tạo.

Thật cảm động biết bao trước việc đồng chí Bí thư Thành ủy không chỉ lo lắng, trăn trở mà còn sâu sát thực tiễn để tìm lối ra trước thực tế cực kỳ khắc nghiệt. Những ngày đêm gắn bó mật thiết với cuộc sống của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp thành phố, đồng chí đã cùng Thành ủy thẳng thắn phân tích tình hình, chỉ rõ năm điều “vi phạm”, trong đó vi phạm nghiêm trọng nhất chính là “chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế thành phố: mở rộng, nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống cho Nhân dân” . Từ đó, đồng chí đã cùng Thành ủy lãnh đạo thực hiện một số mô hình mới, cách làm mới từ tư duy đổi mới, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế.

Chúng ta đã từng nghe đến phong cách thâm nhập sâu thực tế, rồi tổ chức trao đổi, bàn bạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh với doanh nghiệp, để đi đến thuyết phục các đồng chí lãnh đạo Trung ương tại “Hội nghị Đà Lạt” và đó chính là quá trình năng động để dần gỡ ra những nút thắt, như đồng chí đã nói:

“Cái mới không dễ được chấp nhận. Còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để bằng thực tế với cung cách làm ăn có hiệu quả mới có thể thuyết phục nhằm thay đổi dần được cách nghĩ, cách điều hành theo lề lối cũ… Để làm chuyển biến tình hình, Đại hội lần thứ VI này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác - Lênin, là xu thế tất yếu của thời đại… Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động, sáng tạo và khả năng vô tận của Nhân dân lao động làm chủ tập thể để đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Luôn đổi mới và đổi mới ở đồng chí Nguyễn Văn Linh là như vậy, trên cơ sở thực tiễn và lý luận, lập trường nguyên tắc và sáng tạo cụ thể, kế thừa và phát triển với tinh thần đầy trách nhiệm.

Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, với cương vị Tổng Bí thư rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Chú Mười luôn dành sự quan tâm với những chỉ đạo sâu sắc, cụ thể trên từng bước đường thực hiện công cuộc đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh mà chúng ta đều biết, nhất là thông qua các bài báo “Những việc cần làm ngay”; qua làm việc, trao đổi rất chân tình, thẳng thắn, như với báo chí thành phố (ngày 14 tháng 2 năm 1989), đồng chí nói: “Việc đổi mới báo chí đã được bắt đầu trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI và tiếp tục sau Đại hội VI. Nhiều tờ báo đã có đổi mới về nội dung cũng như cách viết, cách thể hiện. Ở Trung ương có báo Nhân Dân và một số tờ báo khác; ở thành phố này có các báo Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Phụ nữ,… đã đi theo hướng đó. Nhưng rất tiếc đã xuất hiện những bài báo hoặc những tít có tính chất giật gân, hoặc viết không đúng hướng, thậm chí có tính chất kích động với nội dung không lành mạnh”.

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, đồng chí nhận xét: “Trước khi đến dự Đại hội, tôi đã đi thăm một số cơ sở sản xuất - kinh doanh, gặp gỡ đồng bào nhiều giới, làm việc với một số ban, ngành của Đảng và Nhà nước tại thành phố, đã đọc Báo cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Thành ủy khóa IV, để tìm hiểu thêm thành phố qua những năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng… Tôi rất mừng thấy được sức vươn lên, tính năng động, sáng tạo và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động, trí thức thuộc các thế hệ tại thành phố. Tôi xin chân thành chia xẻ niềm vui và niềm tự hào chính đáng của thành phố được sự chỉ đạo và giúp sức của Trung ương, sự hỗ trợ của khu vực và cả nước đã giành được thành tựu bước đầu rất quan trọng, nhất là giữ vững ổn định chính trị, đi đầu trong công cuộc đổi mới về nhiều mặt, trước hết là đổi mới về kinh tế và thực hiện một bước dân chủ hóa đời sống xã hội…

Tôi xin thân ái chúc và tin tưởng Đảng bộ cùng với đồng bào các giới đã có nhiều tìm tòi và đóng góp cho công cuộc đổi mới và dân chủ hóa, sẽ tiếp tục phát huy tính năng nổ sáng tạo để cùng với các Đảng bộ anh em và Nhân dân các tỉnh, thành phố của Nam bộ và trong cả nước sớm đưa Nghị quyết Đại hội VII trở thành hiện thực trong cuộc sống, phải tìm cách làm cho dân giàu nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa”.

Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cũng có thể nói thành phố được bắt nguồn sự đổi mới trong thực tiễn từ tư duy đổi mới của các thế hệ lãnh đạo đi trước của thành phố mà tiêu biểu nhất là đồng chí Nguyễn Văn Linh, Anh Mười, Chú Mười, Chú Út thân thương, để thành phố có được như ngày hôm nay: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay,… với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện sáng tạo các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước”.

Những thành tựu đó đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới; đánh dấu sự trưởng thành trong lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn của các giai đoạn sau. Vị trí, vai trò của thành phố ngày càng nâng cao, đến nay “trở thành là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước,… đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á” , góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, đã được Đảng ta ghi nhận : “Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống Nhân dân ... Trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân thì kính trọng, yêu mến gọi Chú Mười là “con người đổi mới”.

Thời kỳ đặc biệt đã có những con người đặc biệt với những tư duy và hành động đáp ứng đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những con người như thế trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Đồng chí đã đóng góp to lớn vào các thời kỳ cách mạng của thành phố với dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong thời kỳ tiến hành đổi mới; đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của cả một quá trình tích lũy, lăn lộn trong thực tiễn, trong đấu tranh cách mạng, chính những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống ở những bước ngoặt quan trọng đã tạo ra những bứt phá về tư duy đổi mới và hành động đổi mới phù hợp, đúng đắn, đầy sáng tạo và bản lĩnh. Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự và tự hào đã là địa bàn thực tiễn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong nhiều năm - 20 năm trực tiếp lãnh đạo thành phố trong gần 70 năm hoạt động cách mạng.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh học tập rất nhiều ở đồng chí để tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đô thị đặc biệt, phấn đấu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Học tập tấm gương của người cộng sản chân chính, kiên định lập trường, đổi mới có nguyên tắc, không thay đổi mục tiêu; đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc hàng đầu trong quá trình đổi mới, coi trọng đổi mới tư duy lý luận đáp ứng yêu cầu phát triển.
Học tập tấm gương của con người trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc với chính mình; phải thấy thiếu sót chủ quan và dũng cảm tự phê bình, sửa chữa, khắc phục; đồng thời nói đi đôi với làm, xác định được “những việc cần làm ngay” và không ngừng đổi mới.

Học tập tấm gương về thực hành xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hành đúng lời dạy của Bác Hồ về xây dựng Đảng: “Đảng là đạo đức, là văn minh”, phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện năng lực lãnh đạo của Đảng.
Học tập tấm gương về sống có nghĩa có tình, gắn bó máu thịt với Nhân dân, chăm lo đời sống đồng bào; giáo dục cán bộ, đảng viên, nêu gương về đạo đức cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng đến khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, hy sinh cao cả vì lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi với mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương hình thức. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí, giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong chính sách, luôn luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ”.

Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn tâm niệm lời dặn dò của đồng chí Nguyễn Văn Linh: “Trong những bước ngoặt của đời người, con thường trở về với mẹ tìm hơi ấm và sự tiếp sức của mẹ hiền. Trong những bước ngoặt của cuộc cách mạng, đặc biệt khi Đảng lãnh đạo trở thành Đảng cầm quyền, và trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhân dân lại càng phải gắn bó hơn bao giờ hết. Nhân dân vững tin ở Đảng, Đảng thấy nguồn sức mạnh ở Nhân dân, dựa vào Nhân dân để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chắc chắn công cuộc đổi mới của chúng ta sẽ thắng lợi hoàn toàn”.

LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI