Doi Lầu chờ nước sạch

09/12/2021 - 06:24

PNO - Doi Lầu là vùng đất trù phú ở xã An Thới Đông, H.Cần Giờ, TPHCM. Nhiều năm qua, hơn 3.000 dân ở đây không còn phải lo cái ăn nhờ các vụ bội thu tôm cá, nhưng họ vẫn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nước sạch ở đây được vận chuyển bằng sà lan, trung chuyển qua ghe đến các trạm cung cấp cho dân. Giá nước đắt đỏ, lại thường xuyên bị thiếu, nên đời sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn.

670 hộ dân chờ nước sạch 

Gần trưa, bà Trần Thị Mai (65 tuổi, ngụ ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông) ra lu nước trước nhà múc nước vo gạo. Xô múc nước va đập đáy lu phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Bà Mai lo lắng: “Mấy ngày rồi người ta chưa bơm nước. Chắc chiều nay tôi phải vác gàu đi xin”.

Hơn 15 năm qua, chuyện bà Mai vác gàu đi xin nước nhà hàng xóm đã trở nên quen thuộc. Trước đây, gia đình bà ở gần sông Soài Rạp. Sau một trận sạt lở lớn vào năm 2006, bà được bố trí định cư tại khu dân cư Tắc Cá Cháy thuộc ấp Doi Lầu. Cuộc sống ở đây trở nên dễ chịu khi đường giao thông được mở rộng và trải nhựa đến tận nơi. Sau một vài mùa cá tôm bội thu, nhiều căn nhà ngói khang trang đã mọc lên mang lại cho Doi Lầu một diện mạo mới. Tuy nhiên, nỗi khổ thiếu nước sạch thì vẫn đằng đẵng suốt 15 năm qua.

Nước sạch được chở từ nơi khác đến ấp Doi Lầu bằng sà lan, sau đó chuyển sang ghe chở và đưa nước vào bồn chứa bơm cho dân. Thông thường, mỗi tuần nước được đưa đến hai lần. Khi nước đến, dân phải hứng vào lu, xô chứa để dành sử dụng dần. Nhà bà Mai có gần mười người, trong đó có bốn trẻ nhỏ nhưng chỉ có bốn lu nhỏ chứa nước, nên thường xuyên bị thiếu. Vào mùa khô, việc vận chuyển nước khó khăn, có khi cả tuần liền nước không tới, gia đình bà Mai phải chạy xin hàng xóm từng gàu về nấu ăn. “Năm ngoái gia đình tôi chỉ có hai lu chứa nước, năm nay phải mua thêm hai lu, nhưng vẫn không đủ xài. Ở đây nước sinh hoạt quý lắm, ngay cả tắm cũng không dám tắm nhiều” - bà Mai chia sẻ.

 

Nhà bà Trần Thị Mai thường xuyên bị thiếu nước sạch
Nhà bà Trần Thị Mai thường xuyên bị thiếu nước sạch

Ông Dương Văn Kha, người dân ấp Doi Lầu, cho biết do thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt nên gia đình ông đã xây một bể lớn để chứa nước mưa và hứng nước cung cấp. Ấy vậy mà thỉnh thoảng vẫn không có nước tắm giặt. “Nước được vận chuyển bằng sà lan, nên cập bến lúc nào họ bơm cho mình lúc đó. Có khi họ đến ban đêm, mình phải thức canh để lấy nước vào bồn. Ở đây đi xin ký tôm, ký cua dễ hơn đi xin một khối nước” - ông Kha ngậm ngùi kể.

Theo UBND xã An Thới Đông, ấp Doi Lầu có 670 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu. Hiện tại, nơi đây vẫn chưa được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) lắp đặt đường ống cung cấp nước nên việc cung cấp nước sạch vẫn đang thực hiện bằng các phương pháp thủ công. 

Có hai “vệ tinh” cung cấp nước sạch cho bà con Doi Lầu là bà Trần Thị Diên (cung cấp cho 298 hộ) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích H.Cần Giờ (cung cấp cho 210 hộ). Nước được chở đến bằng sà lan, sau đó “vệ tinh” dùng ghe chở nước qua các con rạch nhỏ để bơm vào trạm cấp nước cho dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 162 hộ chưa được nước sạch “phủ sóng”, họ phải thuê xe chở nước sạch từ ấp An Hòa, xã An Thới Đông về sử dụng. 

Một trong hai trạm “vệ tinh” cung cấp nước sạch cho người dân ở ấp Doi Lầu
Một trong hai trạm “vệ tinh” cung cấp nước sạch cho người dân ở ấp Doi Lầu

Chị Thu Trang, ngụ ấp Doi Lầu, cho biết tại các khu vực giáp ranh ấp Doi Lầu, Sawaco đã cung cấp nước sạch đến tận nhà. Trong khi ở Doi Lầu, nước sạch được vận chuyển bằng phương thức thủ công đến, nên người dân phải mua nước với giá đắt gấp nhiều lần giá do Sawaco cung cấp. 

Bấp bênh nguồn nước sạch

Gần cuối năm, mực nước thủy triều diễn biến thất thường, bà con ở ấp Doi Lầu như ngồi trên lửa, vì việc cung cấp nước sạch có thể bị gián đoạn. “Chỉ cần mực nước sông, rạch xuống thấp là ghe, sà lan sẽ không vào được, người dân ở đây sẽ không có nước xài” - anh Đỗ Hải Nam, ngụ ấp Doi Lầu, chia sẻ.

Anh Nam cho biết thêm, năm ngoái, người dân ấp Doi Lầu phải chịu cảnh thiếu nước sạch nhiều tháng liền do sà lan cung cấp nước bị hỏng. Trong khi đó, tuyến giao thông đường thủy ở khu vực lại bị vướng một cây cầu nên không thể điều động sà lan khác vào thay thế. “Bị đứt nước, người dân phải thuê xe chở nước về sinh hoạt với giá 120.000 đồng/khối. Bây giờ đã sắp hết mùa mưa, nhu cầu xài nước tăng cao, nhưng thủy triều lại đang xuống thấp. Bà con lo nước sông cạn quá, sà lan không chở nước vào đây được” - anh Nam lo âu.

Để “giải khát” cho bà con trong ấp, những năm qua, vào mùa khô, gia đình chị Lâm Thị Tuyết Nhung ở khu dân cư Tắc Cá Cháy, vẫn thường xuyên bỏ tiền túi ra chở nước ngọt về cho bà con trong ấp dùng miễn phí. Để có nước giá rẻ, chị Nhung phải đi qua xã khác mua rồi thuê xe chở về, mỗi chuyến 20m3 nước. Chị Nhung chia sẻ: “Việc mình mua nước giúp bà con vào mỗi mùa khô cũng chỉ là giải pháp tình thế. Hàng chục năm nay, bà con ở đây vẫn mong mỏi Nhà nước đưa nước về. Đầu năm 2020, tôi nghe tin đến cuối năm Sawaco sẽ lắp đường ống dẫn nước về Doi Lầu. Nhưng bây giờ đã hết năm 2021 rồi mà bà con vẫn cứ chờ”.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã An Thới Đông, H.Cần Giờ - cho biết chính quyền địa phương cũng rất mong muốn Sawaco cung cấp nước sạch về ấp Doi Lầu giúp bà con nơi đây cải thiện cuộc sống. Ông Nam nhận xét: Việc cung cấp nước cho dân theo cách hiện nay gặp nhiều khó khăn, không kịp thời mỗi khi phương tiện vận chuyển gặp trục trặc kỹ thuật, hoặc phụ thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sạch còn do vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước tặng cao, hai “vệ tinh” không đáp ứng đủ nhu cầu, nên các hộ cuối nguồn thiếu nước sử dụng. Những nguyên nhân khác là đường ống dẫn nước xuống cấp, bị bể hoặc rò rỉ nhưng chưa khắc phục kịp thời; nhiều gia đình không đủ các dụng cụ chứa nước…

Cũng theo chủ tịch UBND xã An Thới Đông, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị Sawaco lắp đặt hệ thống dẫn nước về ấp Doi Lầu cho dân sử dụng, nhưng đến nay Sawaco vẫn chưa lắp đặt. 

Ông Chủ tịch xã tiên lượng, sắp tới, khi vào mùa khô, người dân ấp Doi Lầu sẽ đối mặt với khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã tính đến nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho bà con. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ đeo bám, kiến nghị UBND H.Cần Giờ tiếp tục có ý kiến với Sawaco triển khai lắp đặt đường ống dẫn nước tạm (D50) để phục vụ cho người dân ấp Doi Lầu trong khi chờ đợi dự án lắp đặt đường ống dẫn nước chính thức. 

Không thể chờ dự án!

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân ấp Doi Lầu cho biết, tuyến đường từ Rừng Sác vào xã Lý Nhơn có tổng chiều dài khoảng 20km, ấp Doi Lầu nằm ở đầu tuyến đường này. Dự án đường ống dẫn nước vào xã Lý Nhơn đã có nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể triển khai. Người dân cho rằng, trong lúc chờ dự án đường ống dẫn nước vào xã Lý Nhơn, các đơn vị chức năng có thể lắp đường ống dẫn nước tạm vào phục vụ bà con ấp Doi Lầu.

“Hơn 3.000 con người thiếu nước sạch không thể cứ mãi ngồi chờ dự án kéo dài từ năm này sang năm khác. Nếu Nhà nước triển khai đường ống dẫn nước tạm như đề xuất của UBND xã, người dân có thể cùng đóng góp kinh phí để thực hiện” - anh Đỗ Hải Nam - đại diện cho nhiều người dân ở địa phương nói.

Sơn Vinh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI