Độc quyền nhạc sĩ: Đừng để khán giả chịu thiệt!

02/06/2013 - 08:11

PNO - PN - Những lùm xùm về tác quyền giữa Bến Thành A & V (đơn vị khai thác độc quyền nhạc phẩm của Lam Phương tại Việt Nam) và ban tổ chức chương trình Tình khúc vượt thời gian, chủ đề Tình khúc Lam Phương vừa qua cho thấy xu hướng...

Dù nhiều người từng e ngại về độ phổ biến các nhạc phẩm vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ khi hình thức độc quyền khai thác xuất hiện tại Việt Nam, bắt đầu từ nhạc sĩ Phạm Duy nhưng hình thức này vẫn đang cho thấy một xu hướng phát triển tất yếu, khi thị trường âm nhạc ngày càng hình thành những nguyên tắc và quy luật cung - cầu riêng biệt. Ngay sau khi tiếp cận với các nhạc phẩm Lam Phương, Bến Thành A & V đã có công văn gửi đến các phòng trà, công ty biểu diễn, công ty sản xuất băng đĩa tại Việt Nam, thông báo rằng trên lãnh thổ Việt Nam, đơn vị nào muốn sử dụng nhạc của Lam Phương đều phải thông qua Bến Thành A & V. Công ty văn hóa Phương Nam (PNC) cũng không dừng với tên tuổi của Phạm Duy. Hiện đơn vị này đang khai thác độc quyền nhạc phẩm của Tuấn Khanh (tác giả Chiếc lá cuối cùng), và dự kiến sẽ là nhạc sĩ Vũ Thành An.

Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Duy, Tuấn Khanh, Lam Phương và Vũ Thành An là những cái tên được chọn. Để được nhắm đến, đó phải là nhạc sĩ tên tuổi, có các tác phẩm được công chúng yêu thích. Nói cách khác, nhu cầu của công chúng sẽ quyết định các hợp đồng.

Thực tế, hình thức độc quyền toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ, hay gọi ngắn gọn là độc quyền nhạc sĩ, không hề lạ với các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nếu hợp đồng giữa PNC và nhạc sĩ Phạm Duy là 20 năm kể từ ngày ca khúc đó được phổ biến, thì với nhạc sĩ Tuấn Khanh, hợp đồng hai bên ký kết với nhau theo từng năm một. Theo ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio, lý do lớn nhất để các nhạc sĩ chọn phương án bán, ủy thác độc quyền cho một công ty nào đó là không phải mất nhiều thời gian theo đuổi chuyện tác quyền. Tuy nhiên, sau thời gian đầu tự mình giám sát, các công ty được ủy thác cũng “đuối” dần, phải nhờ đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Doc quyen nhac si: Dung de khan gia chiu thiet!

Khai thác độc quyền các ca khúc của nhạc sĩ như Đêm nhạc Trịnh Công Sơn (ảnh) ngày càng phổ biến trên thị trường âm nhạc hiện nay - Ảnh: V.H.

Một cách nào đó, không phải là không có lý khi nhiều người băn khoăn về độ phổ biến của tác phẩm sau các hợp đồng này, bởi sự hợp tác này thực chất là một thương vụ kinh doanh, đương nhiên bị yếu tố lợi nhuận chi phối. Ngay sau khi độc quyền khai thác, PNC đã đưa ra biểu giá tác quyền theo ý mình đối với tác phẩm của Phạm Duy và Tuấn Khanh, được tính theo quy mô của từng sô diễn, dựa vào sức chứa khán giả, giá vé… Điều đó cũng diễn ra với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn hay Lam Phương, với mức tiền triệu trở lên cho một ca khúc nếu đó là biểu diễn trên sân khấu. “Ca khúc bây giờ giống như một sản phẩm, thuận mua vừa bán”, ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Văn phòng VCPMC phía Nam nhận định.

Sự thiệt thòi của khán giả trước tình trạng độc quyền này là điều có thật, như trường hợp đêm nhạc về tác giả Lam Phương phải hủy bỏ cách đây vài ngày và từ đây đến tháng 9/2013 khán giả còn phải tiếp tục chờ đợi. Bên cạnh đó, giá tác quyền cao sẽ khiến các công ty tổ chức biểu diễn phải tính toán thiệt hơn khi chọn tác phẩm cho sô diễn, sự phổ biến vì thế cũng hạn chế. Sự chuyên nghiệp đang xung đột với nhu cầu chính đáng của khán giả, và đó là điều hoàn toàn không đáng có. Theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Công ty Nhạc Xanh, các công ty đang sở hữu độc quyền có thể linh động hơn trong việc đưa ra biểu giá tác quyền, lẫn cách thức thỏa thuận và mua/bán. Thị trường âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp là điều khán giả luôn ủng hộ vì được cung cấp những sản phẩm có chất lượng, nhưng bên cạnh yếu tố lợi nhuận, khán giả cũng cần được đáp ứng trên tinh thần vị nghệ thuật.

Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI