Điều ít biết về nữ khoa học gia tìm ra virus ung thư đầu tiên ở người

23/10/2022 - 06:44

PNO - Virus EPV là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người với 90% người trưởng thành bị nhiễm. Thế nhưng không phải ai cũng biết về một nhà khoa học nữ đã có công phát hiện ra loại virus gây nên bệnh ung thư ở người này.

Trước khi Yvonne Balding qua đời cách đây 6 năm tại Úc, giới truyền thông hầu như không chú ý nhiều đến bà.

Nữ khoa học gia Yvonne Barr sinh năm 1962, mất năm 2014 - Ảnh: Colección familiar/EL PAÍS
Nữ khoa học gia Yvonne Barr (1962-2016) - Ảnh: Colección familiar/EL PAÍS

Thậm chí cũng không mấy người biết rằng, nữ giáo viên trẻ chưa lập gia đình với cái tên thời con gái là Yvonne Barr chính là người đã phát hiện ra virus Epstein-Barr (viết tắt là virus EBV). Đây là một trong tám loại virus Herpes gây bệnh phổ biến nhất ở người với tỷ lệ 90% người trưởng thành trên thế giới đã từng bị nhiễm virus EBV.

Bà Barr qua đời ở thành phố Melbourne vào năm 2016, sau khi đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho nghề “gõ đầu trẻ” ở nhiều trường tư thục khác nhau trên khắp nước Úc.

Con gái của bà, Kirsten Balding, cho biết mẹ của mình hiếm khi nói về sự nghiệp trước đây của bà với tư cách là một nhà virus học.

“Tôi thậm chí rất muốn viết một cuốn sách về phần đời đó của cuộc đời bà, nhưng chắc chắn là sẽ rất ngắn vì ngay cả bản thân tôi cũng không có nhiều thông tin".

Người phụ nữ tìm ra virus phổ biến nhất thế giới

Thời gian tham gia công tác nghiên cứu của bà Barr ở Anh tuy ngắn ngủi nhưng có nhiều ý nghĩa. Vào những năm 1960, bà đã từng làm việc cùng với một số nhà khoa học xuất sắc người Do Thái, thế nhưng theo nhà sử học Gregory Morgan thì bà Barr đã “rời bỏ lĩnh vực nghiên cứu một phần vì bị phân biệt đối xử chỉ vì bản thân là phụ nữ”.

Câu chuyện đằng sau việc phát hiện ra virus EBV bắt đầu từ Thế chiến thứ Hai. Khi đó, vào năm 1943, bác sĩ phẫu thuật quân sự Denis Burkitt đã được điều động đến phục vụ tại khu vực chiến sự ở Uganda, vốn là thuộc địa của Anh. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông quyết định ở lại làm việc tại một bệnh viện công ở thủ đô Kampala.

Chuyên gia phẩu thuật Denis Burkitt. Ảnh chụp năm 1968 - Ảnh: Wellcome Library/EL PAÍS
Chuyên gia phẫu thuật Denis Burkitt đang nghiên cứu bản đồ châu Phi năm 1968 - Ảnh: Wellcome Library/EL PAÍS

Năm 1957, bác sĩ Burkitt được phân công khám cho một bệnh nhân trẻ em đang bị sưng hàm nghiêm trọng mà không thể chẩn đoán được rõ ràng là loại bệnh gì. Vài tuần sau đó, vị bác sĩ tiếp tục gặp thêm một trường hợp tương tự.

Không tin đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bác sĩ Burkitt bắt đầu xem xét kỹ hồ sơ bệnh án của nhiều bệnh viện khác nhau ở Uganda và kết quả đã tìm thấy 38 trường hợp trẻ em trai có triệu chứng sưng hàm. Sau khi nghiên cứu, các bác sĩ đã phát hiện một khối u ác tính gây ra tình trạng sưng hàm, và được đặt tên là u lympho Burkitt  - một loại u xảy ra ở trẻ em và người lớn.

Năm 1961, bác sĩ Burkitt đến thủ đô London để trình bày kết quả của mình tại một hội nghị khoa học được tổ chức tại bệnh viện Middlesex. Nhà virus học nổi tiếng người Anh Anthony Epstein là một trong những nhà khoa học lỗi lạc có mặt trong số những người tham dự tại hội nghị.

Không chỉ bị thu hút bởi khám phá đầy mới mẻ này, ông Anthony cũng nhận thấy rằng, khối u không tồn tại ở những vùng khí hậu mát mẻ mà có thể có mối liên quan đến môi trường nhiệt đới. Sau hội nghị, ông tiếp cận bác sĩ Burkitt để nêu ý kiến về nghi vấn bệnh ung thư đầy bí ẩn có thể do một loại vi rút nào đó gây ra và lây truyền cho con người qua muỗi.

Hình ảnh các tế bào máu tìm thấy trong bệnh u lympho hodgkin - Ảnh: Instituto Nacional del Cáncer de EE UU
Hình ảnh các tế bào máu tìm thấy trong bệnh u lympho hodgkin - Ảnh: Instituto Nacional del Cáncer de EE UU

Kể từ đó, 2 nhà khoa học bắt đầu hợp tác cùng nhau. Bác sĩ Burkitt gửi các mẫu bệnh phẩm y tế lấy từ những đứa trẻ bị bệnh ở Uganda bằng đường hàng không đến TS.Epstein ở Anh để phân tích trong phòng thí nghiệm tại London. Trong suốt 2 năm, TS. Epstein đã tiêm mô sinh thiết vào trứng gà, chuột và các loại tế bào khác của người nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết của virus.

Cuối năm 1963, TS. Epstein ký hợp đồng với một trợ lý nghiên cứu mới: Yvonne Barr, một phụ nữ Ireland 31 tuổi vốn đang tập trung nghiên cứu về Động vật học, bệnh phong và bệnh do chó dại cắn ở Đại học Dublin. Vài tháng sau đó, TS. Epstein sử dụng kính hiển vi để truy tìm các tế bào khối u nổi trong một bộ sinh thiết của trẻ em được gửi từ Uganda.

Thực hiện yêu cầu của TS. Epstein về việc nuôi cấy tế bào để có thể thử nghiệm các phương pháp điều trị khác nhau, Barr đã thành công với việc tìm cách nhân lên các tế bào từ căn bệnh ung thư đang gây ra cho một bé gái 9 tuổi người Uganda.

Cuối cùng, khi có đủ tế bào ung thư hạch phát triển trong phòng thí nghiệm, TS. Epstein đã có thể kiểm tra chúng bằng kính hiển vi điện tử để rồi vào một ngày đầy tuyết cuối tháng 2/1964, nhà virus học nổi tiếng đã hét lên vì vui sướng khi nhìn thấy hình ảnh từ kính hiển vi cho thấy chúng chính là virus thuộc họ Herpes.

Bộ ba Anthony Epstein, Bert Achong, và Yvonne Barr - Ảnh: Nature
Bộ ba Anthony Epstein, Bert Achong, và Yvonne Barr - Ảnh: Nature

Vào ngày 28/3/1964, bộ ba Epstein, Barr và nhà nghiên cứu bệnh học Bert Achong cùng đưa ra tuyên bố với thế giới rằng, họ đã tìm thấy virus trong các tế bào ung thư hạch Burkitt. Điều bất ngờ là không chỉ 100% trẻ em châu Phi bị ung thư hạch bạch huyết mà có tới 90% người Mỹ khỏe mạnh cũng mang virus gây ung thư này.

Rời bỏ thánh địa khoa học vì bị kỳ thị giới tính

Năm 1965, Yvonne Barr kết hôn với một người Úc tên là Stuart Balding. Bà cùng chồng chuyển đến Melbourne sinh sống và tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Monash.

“Mẹ tôi nói với tôi rằng, phòng thí nghiệm nơi bà nghiên cứu không khác gì câu lạc bộ của đàn ông, nơi phụ nữ không có chỗ để chen chân. Lúc đó, tôi cũng đã lờ mờ hiểu ra rằng, bà đang gặp khó khăn khi là một trong số ít phụ nữ hiếm hoi tham gia vào địa hạt nghiên cứu khoa học. Có thể vì vậy mà bà đã chuyển sang nghiệp giảng dạy”, con gái của bà cho biết.

Yvonne Barr đã dành phần đời còn lại của mình để giảng dạy vật lý, hóa học, sinh học và toán học trong các trường tư thục trên khắp nước Úc.

Giáo sư Alberto Ascherio - nhà dịch tễ học 68 tuổi từ Đại học Harvard - là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về EBV hiểu rất rõ vai trò và đóng góp của Yvonne Barr trong lĩnh vực chuyên môn sâu này. Tuy nhiên, anh không thể nào tiếp cận được bà dù đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau.

"Bà ấy đã để lại một tài sản khoa học quý giá cho nhân loại mà không hề muốn tên tuổi của mình được biết đến", Giáo sư Alberto nói.

 Tiến sĩ Yvonne Balding đứng bên ngoài ngôi nhà nơi bà sinh ra ở thị trấn Carlow, Ireland - Ảnh: The Irish Times
Tiến sĩ Yvonne Balding đứng bên ngoài ngôi nhà nơi bà sinh ra ở thị trấn Carlow, Ireland - Ảnh: The Irish Times

Mặc dù vậy, giới khoa học vẫn luôn trân trọng đóng góp của bà. Khi Yvonne Barr qua đời vào ngày 13/2/2016, người ta đã cho khắc lên tấm bia mộ của của bà dòng chữ tri ân: “Tiến sĩ Yvonne Margaret Balding, tên khai sinh là Barr, là người đồng phát hiện ra Virus Epstein-Barr”.

Virus EBV (Epstein-Barr Virus) là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Loại virus này là nguyên nhân gây bệnh bạch cầu đơn nhân và liên quan tới một số loại ung thư như ung thư biểu mô vòm họng, ung thư dạ dày, u lympho Hodgkin...

Một số bệnh ung thư đặc biệt như u lympho của hệ thần kinh trung ương, u lympho Burkitt, ung thư dạ dày, u lympho Hodgkin, ung thư biểu mô vòm họng và các tình trạng liên quan đến virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS) cũng có liên quan đến virus này. 

Loại virus này được cho là có liên quan đến khoảng hơn 200.000 trường hợp ung thư mỗi năm. Những người nhiễm virus cũng có nguy cơ cao mắc phải một số bệnh tự miễn, đặc biệt là hội chứng Sjogren lupus ban đỏ hệ thống, dermatomyositis, viêm khớp dạng thấp, và bệnh đa xơ cứng. 

Nguyễn Thuận (theo EL PAÍS)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI