Dịch vụ cưới hỏi đìu hiu giữa mùa dịch

28/08/2020 - 07:07

PNO - Tại TPHCM, các cửa hàng cho thuê váy áo đua nhau giảm giá, doanh nghiệp kinh doanh đồ trang sức chẳng mặn mà cho ra sản phẩm mới, các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới thì không dám chốt lịch cố định với khách...

Nhiều nơi trả mặt bằng do ế

Các tuyến đường Ba Tháng Hai (Q.10), Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) là nơi tập trung các studio, cửa hàng cung cấp trọn gói dịch vụ chụp hình, cho thuê áo cưới nhưng nhiều tháng nay, khách vắng tanh dù nhiều tiệm giăng băng-rôn giảm giá đến 50% tất cả các dịch vụ chụp hình, trang điểm. Thậm chí, nhiều cửa hàng đóng cửa, dẹp tiệm. 

Nhiều cửa hàng áo cưới trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận phải đóng cửa, cho thuê mặt bằng
Nhiều cửa hàng áo cưới trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận phải đóng cửa, cho thuê mặt bằng

Trên đường Hồ Văn Huê, đã có khoảng chín tiệm đóng cửa nghỉ, trả mặt bằng, treo bảng cho thuê vì ế ẩm. Có tiệm sở hữu 2-3 mặt bằng liền kề nhau, nay phải đóng bớt, chỉ chừa một tiệm. Như dãy nhà số 80A-82 Hồ Văn Huê là các cửa hàng áo cưới Kim Tuyến, nay chỉ còn số 80A mở cửa, chủ yếu để đón người vào học nghề. Trên đường Ba Tháng Hai, ít nhất bốn cửa hàng đã đóng cửa. Có cửa hàng vẫn treo bảng giảm giá dịch vụ mùa cưới nhưng lại đóng cửa hoặc thông báo cho thuê mặt bằng. 

Anh Sơn - chủ studio Hoàng Quốc Sự - cho biết, trước đây, anh có studio và phòng trưng bày áo cưới ngay tại đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, nhưng khi dịch bùng phát, hoạt động tại studio ế ẩm nên anh quyết định trả mặt bằng, tận dụng nhà ở Q.Gò Vấp để làm văn phòng. Vợ chồng anh tự đứng ra tư vấn chụp hình, chọn áo cưới, trang điểm cho khách thay vì mướn nhân viên như trước. “Đã có vài chục trường hợp đặt cọc chụp ảnh cưới nhưng do dịch, phải dời lịch chụp nhiều lần. Cũng có trường hợp quyết định không chụp ảnh cưới trọn bộ mà chỉ chụp tượng trưng vài tấm đặt ở cổng, ở bàn” - anh Sơn nói. 

Nửa năm, chưa bán được một bộ trang sức cưới

Sức mua vàng trang sức tại các doanh nghiệp cũng giảm sút thê thảm. Ông Nguyễn Tú Mi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Mi Hồng - thừa nhận, lượng vàng trang sức bán ra từ đầu năm đến nay chỉ nhỏ giọt. Khách đến cửa hàng chủ yếu để xem vàng, nghe ngóng người khác mua bán ra sao hoặc bán vàng là chính. Nếu mua, họ cũng chỉ mua vàng miếng để đầu tư, trả nợ. Hiếm có khách nào bỏ tiền mua trọn bộ vàng trang sức cưới như trước. 

Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM - sau tết là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị ra mắt các bộ trang sức cưới để đón mùa cưới hỏi cuối năm. Nhưng kể từ khi bùng phát dịch, do không có doanh thu nên nhiều doanh nghiệp trả giấy phép kinh doanh để tiết kiệm bớt tiền thợ, chi phí về thuế, phí môi trường, phòng cháy chữa cháy... Một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng chứ không đẩy mạnh sản xuất trang sức cưới như mọi năm.

Trong khi đó, giá vàng tăng quá cao, các doanh nghiệp cũng e ngại khi bỏ vốn sản xuất các bộ trang sức cưới. Nếu bán ế, để sang năm gặp giá vàng giảm, bộ trang sức lại lỗi thời, doanh nghiệp vừa lỗ, vừa tốn công gia cố lại. “Trước đây, tôi có năm cửa hàng kinh doanh vàng, do dịch đã đóng hết ba cửa hàng. Từ đầu năm đến nay, các cửa hàng của tôi không bán được bộ trang sức cưới nào” - ông Dưng bộc bạch. 

Cũng do vàng tăng giá quá cao, tài chính eo hẹp, nhiều người đang có xu hướng chọn trang sức cưới giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Ông Võ Hoàng Huy - quản lý cấp cao kế hoạch và chính sách bán lẻ, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết, trước đây, giới trẻ có xu hướng chọn vàng cưới trọn bộ loại 24K, nhưng nay nhiều người chuyển sang chọn vàng 18K, thậm chí nhiều người còn chọn vàng 10K, 12K, 14K với giá từ 12-40 triệu đồng/bộ để tiết kiệm chi phí và có thể tận dụng bộ trang sức sau khi cưới. 

“Co kéo” để tồn tại 

Vắng khách, khách lại khảo giá nhiều nơi nên rất nhiều dịch vụ cưới hỏi đưa ra giá các gói dịch vụ khá rẻ để thu hút khách, mức giá thực tế thường cao hơn sau khi được nhân viên những nơi này tư vấn, hoặc sẽ giảm giá, tặng quà nếu khách đặt cọc ngay sau khi nghe tư vấn. 

Mọi năm những điểm kinh doanh dịch vụ này rất sôi động, nhưng năm nay thì trái ngược
Mọi năm những điểm kinh doanh dịch vụ này rất sôi động, nhưng năm nay thì trái ngược

Nhiều cửa hàng phục vụ tiệc cưới treo sẵn bảng giá từng dịch vụ ngoài cửa với mức giá rẻ bất ngờ như album phim trường giá 3,9 triệu đồng, ảnh cưới Hàn Quốc 2,9 triệu đồng... Tuy nhiên, đây thực ra là mức giá cơ bản được các tiệm đưa ra để thu hút khách, giá gói thực tế cao hơn hẳn. Cửa hàng Phượng Hoàng (đường Ba Tháng Hai, Q.10) treo biển “trọn gói album cưới 1,5 triệu đồng”. Thế nhưng, 1,5 triệu đồng này là số tiền sẽ giảm giá. Giá gốc của album là 7 triệu đồng, giảm còn 5,5 triệu đồng. Theo nhân viên cửa hàng, nếu khách thuê luôn dịch vụ áo cưới, hoa tươi, trang điểm trong ngày cưới và đặt cọc giá gốc 12 triệu đồng, sẽ được giảm còn 8,8 triệu đồng và một voucher trị giá 3 triệu đồng mua nhẫn cưới tại một dịch vụ mà cửa hàng này có liên kết. 

Cách đó chừng vài trăm mét, nhân viên cửa hàng MiMi thuyết phục chúng tôi bằng hàng loạt album mẫu chụp tại 4-5 phim trường khác nhau tùy theo phong cách, sở thích của các cặp đôi lãng mạn, cổ điển hay trẻ trung, hiện đại, đồng giá 7,8 triệu đồng/album. Theo nhân viên này, để tiết kiệm, khách nên mua trọn gói chụp album phim trường và một tiệc ngày cưới với giá 16,9 triệu đồng, cửa hàng sẽ giảm 20% nếu đặt cọc ngay và thay vì album 20 hình, sẽ được tặng thêm 10 hình nữa. 
Thời điểm này các năm trước, rất khó để đặt được dịch vụ ở các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, đặc biệt là những nhà hàng ở các quận trung tâm thành phố. Nhưng năm nay, các nhà hàng đua nhau giảm giá và hầu hết phải đưa ra các chính sách khá linh động. Chẳng hạn, sau khi hàng loạt đám cưới phải hoãn, hủy do dịch COVID-19, các điểm kinh doanh dịch vụ này đều chấp nhận cho khách dời ngày tổ chức tiệc. 

Một chủ nhà hàng tiệc cưới tại Q.6 chia sẻ, đợt dịch đầu tiên, nhà hàng phải hoãn hơn 10 tiệc cưới. Sau khi vừa hết dịch, nhiều gia đình tranh thủ tổ chức ngay nên nhà hàng luôn trong tình trạng quá tải. Trong tháng Bảy và tháng Tám này, có khoảng năm tiệc đã lên lịch nhưng phải hoãn lại cuối năm. Kể từ khi xuất hiện dịch lần hai, không có gia đình nào ký hợp đồng tiệc mới. Trong khi đó, vào thời điểm này năm ngoái, nhà hàng tất bật ký hợp đồng với khách và thường kín lịch. 

“Họ không dám lên kế hoạch cưới từ đây cho đến cuối năm vì không biết bao giờ mới hết dịch. Những gia đình đã ký hợp đồng trước đó đều yêu cầu nhà hàng hoàn lại tiền cọc vì sợ cuối năm vẫn còn thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng nhà hàng chỉ giải quyết theo phương án dời tiệc cưới trong thời hạn một năm” - chủ nhà hàng này nói. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI