Đề xuất phải can thiệp y học mới được công nhận chuyển đổi giới tính

12/05/2023 - 13:25

PNO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng luật, trong đó bắt buộc phải can thiệp y học mới được công nhận chuyển đổi giới tính.

Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí trình bày tờ trình.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí
ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính. Cụ thể thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án luật. Đổi tên Luật Bản dạng giới thành Luật Chuyển đổi giới tính. Hồ sơ cũng làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, nội dung của dự án thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ. “Nếu xét theo khái niệm Bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề chưa chín, còn tranh cãi nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này và chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành” - ông nói.

Tại Tờ trình, ĐBQH nêu 4 nhóm chính sách gồm: điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Theo đó, liên quan tới điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Do phạm vi điều chỉnh đã thu hẹp lại chỉ chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ nên ĐBQH đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024).

Tại phiên họp, báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao ĐBQH đã tích cực, tâm huyết, với tinh thần cầu thị và ý thức trách nhiệm cao, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thay đổi tên gọi của dự án luật thành Luật Chuyển đổi giới tính cũng như thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật để tập trung điều chỉnh vấn đề chuyển đổi giới tính phù hợp với yêu cầu quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Trong báo cáo đánh giá tác động, ĐBQH lựa chọn giải pháp công nhận giới tính mới áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật để chuyển đổi giới tính, tuy nhiên, ngoài phẫu thuật, chuyển đổi giới tính còn có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hoóc-môn hoặc có mức độ can thiệp y học khác trong khuôn khổ nhóm Chính sách 2.

“Đề nghị nghiên cứu bổ sung giải pháp phù hợp với hình thức, mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam chưa có chính sách cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện chuyển đổi giới tính nên việc đề xuất giải pháp công nhận kết quả đã thực hiện chuyển đổi giới tính của các cơ sở này cần được làm rõ, quy định phù hợp” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Pháp luật cũng cho biết các ý kiến nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nhưng điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tám, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tham khảo quy định quốc tế, điều kiện chuyển giới là tác động can thiệp vào bộ phận sinh dục. Bà cho rằng, nâng ngực là phẫu thuật thẩm mỹ, không phải phẫu thuật, do đó cần nghiên cứu thêm về quy định mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với 12 ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa ra để Quốc hội xem xét đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI