Để trẻ không bị bạo hành trong chính ngôi nhà của mình

29/08/2015 - 08:01

PNO - Nâng cao nhận thức của bố mẹ và dạy trẻ cách “tự cởi trói” là một trong những biện pháp hữu hiệu đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em.

De tre khong bi bao hanh trong chinh ngoi nha cua minh
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen dạy dỗ con bằng đòn roi - Ảnh Daily Mail

Dư luận Los Angeles (Mỹ) những ngày qua vô cùng bức bối dõi theo phiên tòa xét xử Pearl Fernandez (30 tuổi), mẹ của bé trai Gabriel Fernandez (tám tuổi), vì hành vi ngược đãi, đánh đập con đến chết. Trong suốt một thời gian dài, Pearl Fernandez và người tình đã thay nhau hành hạ Gabriel và cho đó là quyền hiển nhiên của người nuôi dưỡng.

Cái chết của Gabriel đến từ lý do cậu bé chưa kịp dọn dẹp đồ chơi, bị mẹ và người tình Isauro Aguirre (34 tuổi) lôi vào phòng, “dần” cho một trận nhừ tử. Khi chuyên viên y tế đến nơi nhờ cuộc gọi từ đường dây nóng, họ phát hiện cậu bé đáng thương nằm trần truồng trong phòng ngủ, ngất xỉu, đầu bị chấn thương nặng. Gabriel qua đời hai ngày sau.

Bên cạnh những ý kiến lên án hành vi vô nhân tính của đôi nhân tình trên, nhiều người đặt câu hỏi, cơ quan chức năng đã làm gì trong quá trình nhận được thông báo về việc có bạo hành trẻ em tại ngôi nhà này?

Bởi cả một quãng thời gian dài, Gabriel phải chịu cảnh ngược đãi khủng khiếp, bị buộc ăn rác cùng những thứ phóng uế của mình hay chó mèo trong nhà…

Đánh đập, đối xử tàn nhẫn với trẻ, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh và người nuôi dưỡng là một “đặc quyền”. Hồi tháng Năm, một bé gái hai tuổi ở Mexico bị mẹ đánh chết chỉ vì… khóc hoài không nín. Người mẹ Maribel Palacios Posada đã phải chịu án tù chung thân.

Thay vì vỗ về con, người mẹ này đã dùng mọi cách bạo lực buộc con nín khóc, kể cả đá con xuống cầu thang. Maribel thừa nhận, những cách thức trên diễn ra thường xuyên và lần cuối cùng đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Những vết thương cũ và mới trên cơ thể đứa bé đều ở chỗ hiểm.

Một trường hợp vô cùng thương tâm khác xảy ra hồi tháng Sáu, Anthony Powell (24 tuổi), một người bố ở Mỹ, đã đánh con trai chỉ mới ba tuổi lăn long lốc xuống cầu thang đến chết, chỉ vì tức giận khi con không chịu vệ sinh đúng chỗ anh ta hướng dẫn.

Trách nhiệm nuôi dạy trẻ thuộc về cha mẹ nhưng với những phụ huynh sẵn sàng dùng bạo lực với con, pháp luật phải có quy định cụ thể. Ở Anh, luật quy định bố mẹ không được quyền đánh trẻ dưới ba tuổi và không được đánh trên đầu của trẻ ở bất cứ độ tuổi nào, không được rung lắc mạnh hoặc đánh trẻ với roi vọt, thắt lưng hay bất cứ vật dụng nào hằn vết trên da thịt trẻ.

Quy định này được Tòa án Nhân quyền châu Âu thông qua, là cơ sở giúp cơ quan chức năng đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc bố mẹ dùng vũ lực với con cái. Những thay đổi trên trong luật pháp ở Anh được đưa ra sau khi Tòa án Nhân quyền châu Âu cho rằng chính quyền Anh chưa cố gắng hết sức bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi trẻ em ở Anh cho rằng, thay đổi trên vẫn chưa cấm triệt để được nhiều trường hợp ngược đãi.

Ireland cũng là quốc gia được Ủy ban Nhân quyền châu Âu nhắc nhở do cho phép người nuôi dưỡng đánh trẻ trên ba tuổi. Một số quốc gia khác ở châu Âu như Armenia, Estonia, Georgia vẫn cho bố mẹ đánh con mà không đề cập cụ thể gì đến giới hạn tuổi của trẻ.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hiện có 46 quốc gia trên thế giới hoàn toàn chưa hợp tác trong việc ban hành luật ngăn cấm sử dụng bạo lực với trẻ trong gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI