ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân: Tập huấn bình đẳng giới, hầu hết chỉ phụ nữ đi nghe

24/05/2024 - 17:32

PNO - ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân chỉ ra thực tế, các buổi tập huấn về bình đẳng giới hầu hết chỉ có nữ giới tham gia mà không có nam giới.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Thiếu nguồn lực cho công tác bình đẳng giới

Góp ý vào báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Chính phủ, ĐBQH đoàn TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, còn nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề nguồn lực.

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra, nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác bình đẳng giới nói chung và cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình riêng về bình đẳng giới vẫn còn khiêm tốn, nhiều bộ ngành, địa phương chưa bố trí được dòng ngân sách riêng.

Do đó, báo cáo kiến nghị tiếp tục quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các Chương trình, Kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân phân tích, trước đây, Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) giao cho các Sở LĐ-TBXH - là cơ quan thường trực để tham mưu thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới. Ngân sách được bố trí một phần; các đơn vị, tổ chức thực hiện sẽ có đề xuất đầu mối tổng hợp, bố trí.

Tuy nhiên, hiện nay, phần ngân sách này đã không còn. Các đơn vị tự lồng ghép vào trrong dự toán ngân sách. Điều này, theo Chủ tịch Hội LHPN TPHCM tạo ra sự bất cập, đặc biệt trong việc xác định đâu là nội dung chính, đâu là nội dung lồng ghép, hạn chế thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng.

Do đó, ĐBQH đề nghị, khi Chính phủ đã đề xuất nội dung này thì phải có bố trí hợp lý cho hoạt động của các tổ chức chính trị, cũng như cấp cơ sở, tạo điều kiện tổ chức, hoạt động nhằm đạt được mục tiêu.

Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cũng nêu một vấn đề bất cập trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đó là việc tổ chức tập huấn, đào tạo. Báo cáo Chính phủ nhận định “công tác đào tạo, bố trí đã được quan tâm”. Tuy nhiên, bà chỉ ra:

“Thành phần đăng ký tham gia các lớp tập huấn đủ theo mục tiêu nhưng thực tế vào các lớp học, nghe tới nội dung bình đẳng giới hầu như là nữ tham gia. Những vị trí, chức danh là lãnh đạo thì không quan tâm, cử cán bộ, chuyên viên đi”.

Nữ ĐBQH đề nghị, ngay từ khâu khi đào tạo, bố trí hay phân công, cử cán bộ đi học các lớp tập huấn, cơ quan tham mưu phải có cân đối tỉ lệ nam và nữ đi học: “Chúng ta không phải nghĩ rằng, bình đẳng giới là của các đoàn thể, là chuyện riêng của phụ nữ vì bình đẳng giới là việc chung, có ở tất cả các lĩnh vực”.

Trong đào tạo, ĐBQH cũng lưu ý phải có cái nhìn tổng thể về công tác cán bộ. Hiện nay, tỉ lệ lãnh đạo nữ, đặc biệt là lãnh đạo nữ ở cấp cao chưa đạt mục tiêu đề ra. Bà cho rằng, từ cấp dưới, nếu không quan tâm, bố trí kinh phí, công tác đào tạo không tiệm cận với các chức danh thì sẽ thiếu hụt nguồn cho các vị trí chức danh lãnh đạo nữ cấp cao.

Việc thiếu hụt này không chỉ ngay trước mắt mà cả giai đoạn 5 năm - 10 năm.

Phụ nữ chưa an tâm sinh con

Một trong những khó khăn, tồn tại trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, theo báo cáo của Chính phủ là do “bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới”.

Liên quan nội dung này, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân nêu quan điểm, việc cán bộ làm công tác bình đẳng giới có năng lực, có điều kiện phát triển và bố trí ở vị trí cao hơn là điều đáng mừng. “Quan trọng là công tác đào tạo cán bộ ra sao? Lực lượng cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới như thế nào”- đây là những vấn đề cần quan tâm.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng chia sẻ sự băn khoăn về tình trạng phụ nữ “ngại sinh con” - một vấn đề đáng lo ngại khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số rất nhanh.

Hội LHPN TPHCM đã phối hợp với các ngành để tìm hiểu, giải quyết những vấn đề này. Chủ tịch Hội LHPN cho hay đã có trao đổi với nhiều chị em nữ công nhân và nắm bắt tâm tư của họ.

“Hầu hết các bạn có cùng một suy nghĩ là chưa an tâm khi sinh con. Trẻ khi sinh dưới 3 tuổi phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc. Bố mẹ cũng muốn con được ở cùng gia đình nhưng các điều kiện về trường học, điều kiện sống... là rào cản. Nhiều bạn chia sẻ: “Em lo lắm, buổi chiều khi nào đón con về, thấy con ăn ngon, ngủ ngoan em mới an tâm”.

Với nữ cán bộ công chức viên chức, một phần khách quan, họ muốn học tập, phấn đấu nhưng cũng còn các điều kiện khác chưa khiến họ an tâm để vừa làm tốt công việc, vừa chăm sóc con cái.

Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho rằng đây không phải là việc riêng của ngành y tế, hay của các tổ chức, đoàn, hội mà cần sự tham gia đồng bộ các ngành, các cấp, để hướng tới mục tiêu chung, tạo điều kiện và các dịch vụ tốt hơn cho phụ nữ trong việc sinh đẻ, chăm sóc con cái.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI