Đột nhập những lớp học “có một không hai”

07/02/2021 - 10:51

PNO - Đó là những lớp học phá bỏ mô típ truyền thống của trường học với bảng đen phấn trắng, giúp học sinh giải toả năng lượng, đam mê với bài học thực tế.

Lớp học Quản lý cảm xúc

Lớp học có cái tên khá lạ này có mặt tại Trường mầm non Song ngữ Ngôi sao Tuổi thơ (quận 7) từ tháng 3/2020. Tại đây, trẻ được tham gia những bài học, trò chơi phù hợp với cá nhân để điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi một cách phù hợp trong các tình huống khác nhau. Các bạn nhỏ còn được dạy cách quản lý căng thẳng, kiểm soát sự nóng vội, thúc đẩy bản thân, thiết lập và làm việc để đạt được các mục tiêu cá nhân và học tập.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Nguyên Thuỷ Trúc đang hỗ trợ một học sinh giảm sự căng thẳng
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Nguyên Thuỷ Trúc đang hỗ trợ một học sinh giảm sự căng thẳng

Giáo viên của lớp học này phải nằm lòng quan điểm mỗi đứa trẻ là một bản thể độc lập với sở trường và sở đoản khác nhau. Do đó, các cô giáo, thầy giáo tại đây phải “học” cách điều tiết cảm xúc, thừa nhận mặt được, chỉnh sửa sở đoản của học trò, thiết kế ra trò chơi phù hợp để khuyến khích những đứa trẻ bày tỏ cảm xúc tích cực, giải phóng bớt năng lượng thừa...

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Nguyên Thuỷ Trúc, phụ trách chính lớp Quản lý cảm xúc cho biết: Trong quá trình học sinh có mặt ở trường, giáo viên các lớp quan sát thấy bé nào có nhu cầu sẽ hướng dẫn trẻ đến lớp Quản lý cảm xúc để nhận sự hỗ trợ của giáo viên. Và ngay cả học sinh cũng thích được đến đây tâm sự, chia sẻ cùng các cô giáo tâm lý. Tại đây, tuỳ vào đối tượng mà thầy cô có cách uốn nắn riêng để bé biết cách tương tác và giao tiếp với bạn học, thầy cô. Các bé được học cách giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tích cực, hợp tác, chống lại những áp lực không mong muốn, đàm phán để giải quyết xung đột một cách xây dựng, tìm kiếm và yêu cầu trợ giúp khi cần…

Ngoài ra, lớp học đặc biệt này được trang trí khá bắt mắt, có “view” hướng ra thảm xanh giúp giảm áp lực, xoa dịu tâm trạng.

Tuỳ vào học sinh mà trò chơi hoặc bài học được áp dụng phải khác nhau
Tùy vào học sinh mà trò chơi hoặc bài học được áp dụng để giải quyết vấn đề phải khác nhau

Bà Trương Thị Việt Liên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận xét: Mầm non là “giai đoạn vàng” của những năm tháng đầu đời, cần được nuôi dưỡng và phát triển tốt để chuẩn bị cho những năm trưởng thành tiếp theo. Đây cũng là giai đoạn trẻ chưa biết cách điều tiết cảm xúc, thường hay dư năng lượng. Mặt khác, khi xã hội càng hiện đại, tình trạng trẻ tăng động, tự kỷ sẽ nhiều hơn… dễ dẫn đến nhiều tình huống không hay như đánh bạn, quậy phá, hoặc tự tổn hại thân thể... Vì vậy, việc dạy trẻ biết điều tiết cảm xúc, quản lý căng thẳng, thực hiện bài học- trò chơi giải phóng năng lượng… là việc làm cần thiết, thậm chí là đặc biệt quan trọng.

Học trong xưởng thủ công thu nhỏ

Thủ công hay còn gọi là Kỹ nghệ (Crafts) là môn học đặc trưng của giáo dục Phần Lan. Nó được đem về giảng dạy như một môn học chính hoặc là một phần trong các dự án liên môn tại Trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan (thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng)

Học sinh được học về nguyên vật liệu, vòng đời của sản phẩm và cách để sản xuất sản phẩm bền vững với môi trường. Các em được học cách sản xuất sản phẩm lâu bền và cách sửa chữa, tái chế thay vì vứt bỏ chúng. Trong một thế giới khi chúng ta có thể dễ dàng mua vật dụng với giá ngày càng rẻ cùng với tư duy “xé và vứt bỏ” thì môn học này cần thiết phải được đưa vào giảng dạy.

Học sinh tự tay đục, đẽo đồ gỗ
Học sinh THCS được tự tay đục, đẽo để làm ra sản phẩm gỗ

Những giờ học diễn ra tại lớp học này được thực hành trên quy trình thứ thiệt như: khoan, tiện, hàn, bào, cắt, cưa, đục, đẻo, may vá...

Theo các nhà nghiên cứu, việc đào tạo môn thủ công trong tương lai là một trong những kỹ năng của cuộc sống để ứng phó trong thế giới toàn cầu. Ở nhiều nước hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự các ngành nghề thủ công.

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực hành các môn học thủ công giúp tâm lý học sinh trở nên tích cực hơn. Thủ công là một sự đối trọng hoàn hảo giữa nhiều môn học thuần túy lý thuyết. Bằng cách thực hành và làm việc với đôi bàn tay, học sinh sẽ học được rất nhiều về khám phá bản thân mình, về các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. 

Cuộc sống là chuỗi những quá trình khác nhau mà học sinh phải học cách giải quyết và tìm ra các giải pháp phù hợp cho chính bản thân mình. Khi làm việc bằng tay, cũng là lúc học sinh kích hoạt cả hai bán cầu não trái và phải. Học sinh cần các kỹ năng này trong rất nhiều công việc, kể cả bác sĩ phẫu thuật, công nhân xây dựng hay thợ cơ khí. 

Chăm chú với từng tiểu tiết
Chăm chút đến từng tiểu tiết

Chia sẻ về “xưởng thủ công” này, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khi tôi tận mắt quan sát học sinh làm việc trong phòng học thủ công dành cho vật liệu bằng gỗ mới thấy rõ được rằng trong chương trình giáo dục Phần Lan - nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới - mọi kiến thức lý thuyết đều được cho học trò thực hành. Giờ Thủ công nhưng học sinh cần kết hợp với các kiến thức và kỹ năng toán học để biết cách đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao từ đó các em biết tạo ra các hình khối để áp dụng, thiết kế cho một sản phẩm để biết có công dụng thực tế, ưu, nhược điểm thế nào…

Khi nhà bếp trở thành lớp học

Tại sao không thể? Lớp học Kinh tế gia đình (Home economics) là một lớp học như thế tại Trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan.

Kinh tế gia đình là lĩnh vực kết nối nhiều yếu tố như: kiến ​​thức kinh tế, tài chính, khoa học, kỹ năng sử dụng các thiết bị, công cụ trong gia đình, văn hóa ứng xử,  thói quen và hành vi để nâng cao chất lượng cuộc sống. Quan trọng hơn, lớp học như gian bếp thực thụ này còn đón cả cha mẹ học sinh đến để “học” cách ý thức chăm lo gia đình, quét dọn, nấu ăn, tính bền vững của thực phẩm cũng như tác động của thực phẩm, trang phục và không gian sống của chúng ta đối với môi trường.

Nam nhi cũng phải vào bếp
Nam nhi cũng phải vào bếp

Các kỹ năng thiết yếu khác học sinh cũng được trau dồi tại đây như: lập kế hoạch tài chính, chế độ dinh dưỡng, sự an toàn và các kỹ năng tổng thể trong cuộc sống. Khi học sinh học cách chăm sóc gia đình và bản thân, điều đó sẽ giúp các em có trách nhiệm hơn khi ở nhà.

Tại đây, học sinh được dạy về cách thiết lập môi trường an toàn xung quanh như: cách cầm dao đúng, chất liệu quần áo nào không nên mặc trong nhà bếp, thức ăn nào nên được nấu ở nhiệt độ ra sao, cách cất giữ thức ăn và dọn dẹp sau khi nấu xong...

Nhiều kỹ năng được tích luỹ từ lớp học đặc biệt này
Nhiều kỹ năng được tích luỹ từ lớp học đặc biệt này

Theo các giáo viên Phần Lan phụ trách lớp học này, hành vi và cách ứng xử và nhiều kỹ năng thiết thực của học sinh cũng được trau dồi tại đây. Học sinh được dạy cách ứng xử thông minh hoặc cách ra yêu cầu lịch thiệp với người khác, cách trò chuyện, cách ngồi và cách ăn mặc khi phỏng vấn xin việc hoặc khi đi dự tiệc...

Hầu hết học sinh khi vào đại học và chia sẻ căn hộ hoặc phòng trọ với người khác. Thế nên môn Kinh tế học gia đình sẽ dạy các em cách thích nghi với cuộc sống chung với người khác trong không gian chật hẹp, cũng như cách tôn trọng quyền riêng tư của nhau và cách phân chia các công việc khác nhau như dọn dẹp, sắp xếp phòng và mua sắm đồ dùng…

Phúc Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI