Đặt tinh hoàn nhân tạo cho nam sinh viên bị trầm cảm

14/09/2020 - 09:08

PNO - Sau khi bị cắt một bên tinh hoàn, nam sinh viên N.M.H., đang theo học ở một trường đại học tại Hà Nội, rơi vào trầm cảm.

 

Nam thanh niên trầm cảm vì bị cắt một bên tinh hoàn nên được gia đình đưa tới cơ sở y tế để đặt tinh hoàn nhân tạo
Nam thanh niên trầm cảm vì bị cắt một bên tinh hoàn nên được gia đình đưa tới cơ sở y tế để đặt tinh hoàn nhân tạo

Ngày 14/9, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, bệnh viện này vừa đặt tinh hoàn nhân tạo cho một nam sinh viên bị trầm cảm do khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Trước đó, anh N.M.H. nhập viện trễ khi bị xoắn thừng tinh nên một tinh hoàn bị hoại tử và phải mổ cắt bỏ. Từ đó, nam sinh viên mất tự tin, nhất là khi tiếp xúc với bạn gái, sau đó rơi vào trầm cảm.

Trước tình trạng này, gia đình đã đưa bệnh nhân tới Bệnh viện E để tìm cách khắc phục và được tư vấn đặt tinh hoàn nhân tạo.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên thông tin, kỹ thuật đặt tinh hoàn nhân tạo không khó, vết sẹo được che mờ gần như không thấy, thời gian mổ chỉ khoảng 15-20 phút. Bệnh nhân có thể ra viện sau can thiệp 1-2 ngày.

Đặt tinh hoàn nhân tạo được chỉ định cho những trường hợp bị thiếu một hoặc cả hai tinh hoàn. Nguyên nhân có thể do bệnh lý ung thư, xoắn tinh hoàn dẫn đến hoại tử hoặc tinh hoàn ẩn bị teo…

Qua trường hợp này, bác sĩ Liên cũng cảnh báo nam giới khi xuất hiện triệu chứng đau vùng bẹn bìu cần nghĩ ngay tới bệnh cảnh xoắn thừng tinh. Cơn đau này có thể diễn ra đột ngột, lúc tăng, lúc giảm nhưng không biến mất hoàn toàn. Ngoài ra, vùng bìu phù nề, mất nếp nhăn, tinh hoàn nắn vào thấy đau… cũng là những dấu hiệu cảnh báo.

Khi có những biểu hiện trên, bệnh nhân cần đi cấp cứu ngay để tránh hậu quả nặng nề. Bởi, nếu được xử lý trước 6 giờ, tinh hoàn có khả năng phục hồi gần như 100%. Sau 12 giờ, tỷ lệ này giảm xuống 20%, sau 24 giờ thì hầu như không còn khả năng giữ được tinh hoàn.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI