Đất giành - nợ… phủi

09/12/2014 - 11:31

PNO - PN - Bất bình trước kết quả xử tranh chấp tài sản sau ly hôn, bà Vũ Thị Miến (SN 1967, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vội gửi đơn kháng cáo, mới hay ông Đoàn Văn Huế, chồng cũ của bà còn nhanh chân hơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dat gianh - no… phui

Đoàn Trung Hiếu bức xúc trước quyết định của tòa sơ thẩm - không công nhận nợ chung của ông Huế, bà Miến

Đất cấp hay khai hoang phục hóa?

Nếu đất có thể “cất nên lời” thì đã không có cuộc chiến dằng dai giữa ông Huế, bà Miến khi xác định nguồn gốc của hai thửa đất hơn 1.200m2 mà gia đình sinh sống trên 20 năm qua. Theo bà Miến, đất này là do ông bà khai phá từ năm 1988. Vì cuộc sống quá túng thiếu nên ông bà cùng nhiều người dân nghèo khác đã lén đến khu đất do Trung tâm Thực nghiệm lâm sinh miền Đông Nam bộ quản lý để khai phá rồi dần chiếm dụng, cất nhà, trồng trọt trên những khoảnh bị bỏ hoang. Nhiều người hàng xóm cũng xác định nguồn gốc đất là do lấn chiếm đúng như lời bà Miến nói, trong đó có cả những bạn bè từng đến phụ giúp ông bà cất nhà ban đêm để trốn tránh sự kiểm soát của đơn vị chủ quản.

Bà Miến cho rằng, vì hai người cùng góp công khai hoang phục hóa đất này nên đó là tài sản chung của vợ chồng. “Các gia đình lân cận đã nộp hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu, nhưng tôi lại không quan tâm vì nghĩ đơn giản rằng chồng mình làm ở ủy ban huyện thì khi cần thiết sẽ đăng ký được liền. Trước kia gia đình còn êm ấm, tôi chủ quan, không đề phòng, không ngờ có ngày ông ngược đãi, ruồng rẫy vợ con, tranh giành tài sản” - bà Miến bộc bạch.

Ông Huế lại giãi bày “sự thật” khác: một phần mảnh đất là do ông được UBND H.Thống Nhất (nay đã tách thành hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất) cấp cho cá nhân ông vì ông là cán bộ của Công ty Lương thực huyện và UBND đã ra quyết định chính thức vào tháng 12/1988, phần còn lại là do một mình ông khai phá trước thời điểm đăng ký kết hôn. Chính vì thế, toàn bộ mảnh đất là tài sản riêng của ông. Tòa cấp sơ thẩm đã công nhận mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng, buộc ông phải chia một phần cho bà Miến khiến ông bất bình.

Theo phúc đáp của UBND huyện, quyết định 324/QĐ-UBH về việc cấp đất cho ông Đoàn Văn Huế hiện đang được lưu trữ. Tuy nhiên, hồ sơ xét cấp đất do tổ quản lý ruộng đất thuộc Ban Nông lâm thủy H.Thống Nhất tham mưu thực hiện và đã chia tách sáp nhập nhiều lần. Hiện nay, qua rà soát tại Phòng Tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh Trảng Bom không có hồ sơ lưu trữ. Bà Miến bức xúc nói: “Thời điểm 1988, toàn bộ khu đất là do Trung tâm Thực nghiệm lâm sinh quản lý, mãi đến năm 1993 mới bàn giao lại cho H.Thống Nhất thì làm sao UBND huyện có thể cấp cho cán bộ được? Vả lại, người ký duyệt vào thời điểm ấy chỉ là nhân viên chứ không giữ chức phó chủ tịch như thể hiện trong quyết định”.

Quyết định 324 là một văn bản cẩu thả, mắc nhiều lỗi: ngày tháng cấp đất bị sửa, viết số mới chồng lên số cũ nên không rõ năm cấp là 1987 hay 1988; diện tích 400m2 mà lại có số đo chiều cạnh là 15 x 26 (?!)… Thậm chí, quyết định này có thể áp lên nhiều mảnh đất khác nhau vì không thể hiện vị trí rõ ràng, thuộc lô đất số mấy, không có tứ cận. Văn bản này thiếu hoàn chỉnh đến nỗi, Tòa án nhân dân H.Trảng Bom phải gửi văn bản đề nghị UBND H.Trảng Bom xác định phần đất được cấp thuộc thửa đất nào, tờ bản đồ nào tại bản đồ địa chính của thị trấn.

Tiền nợ cám heo - chung hay riêng?

Với các khoản nợ mượn để nuôi con ăn học, để làm sân, hàng rào và cao nhất là tiền nợ cám heo trên 250 triệu đồng, ông Huế cho rằng đó là nợ riêng của bà Miến, không dính dáng gì đến ông. “Bà ấy muốn chiếm đoạt nên có thể làm kiểu này kiểu kia. Các giấy nợ đó chỉ toàn là giấy tay. Bà ấy đứng ra vay mượn thì tự bà ấy phải trả chứ! Tôi không thiếu thốn gì để phải vay mượn ai” - ông Huế nói. Quan điểm của ông Huế đồng nghĩa với việc sau ly hôn, bà Miến phải ra đi với đôi bàn tay trắng và phải cõng thêm món nợ mấy trăm triệu đồng.

Dù ở tòa sơ thẩm, ông Huế thừa nhận có đi mua heo con về, có tham gia nuôi heo, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông cho rằng mình không biết gì chuyện nợ nần vì đã ly thân, không sống ở nhà từ lâu. Chủ cửa hàng thức ăn gia súc cho biết, bà Miến luôn đi mua cám một mình chứ không có ông Huế đi cùng. Tòa sơ thẩm nhận định ông Huế không phải chịu nghĩa vụ trả nợ vì ông không ký tên trong giấy nợ, không cùng vợ đi mua, bà Miến cũng không thỏa thuận, bàn bạc với ông. Phản đối trước phán quyết của tòa, bà Miến hỏi: “Ông làm nghề lái xe, thường xuyên vắng nhà, chưa kể ông thường xuyên ngoại tình, ra ngoài chung sống hết cô này đến cô khác, bảo tôi đợi ông về cùng ký tên để mua thiếu thức ăn thì lũ heo có mà chết đói!”.

Hai trăm năm mươi triệu đồng là món nợ do người bán cám cộng dồn qua nhiều năm. Mười mấy năm trước, việc nuôi heo của gia đình bà Miến khá suôn sẻ, thuận lợi, tạo nguồn thu đáng kể cho gia đình, nhưng sau đó càng ngày càng thua lỗ vì heo thường chết hàng loạt do mắc bệnh dịch tai xanh, lở mồm long móng. Đoàn Trung Hiếu, con cả của ông Huế và bà Miến cho rằng, nhiều lần ông Huế cùng cả nhà khiêng xác heo đi chôn nên không thể nói chẳng biết gì chuyện nuôi heo thất bại, thua lỗ, nợ nần.

Hơn nữa, chuồng trại nuôi heo được xây cạnh nhà chứ không ở đâu xa. “Trong hoàn cảnh khó khăn, mẹ tôi vẫn cố gồng gánh, vừa mượn nợ để gầy lại đàn heo, vừa làm nhiều việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo cho hai con học phổ thông rồi lên đại học. Việc tòa án đùn hết trách nhiệm trả nợ cho mẹ không chỉ bất công với mẹ tôi mà còn làm tăng khoảng trống của người cha trong lòng chúng tôi” - Trung Hiếu chia sẻ.

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nêu rõ, vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Bà Miến mượn nợ để nuôi con ăn học, xây sân, hàng rào và duy trì hoạt động kinh tế gia đình... Vả lại, vợ chồng bà Miến không cam kết, thỏa thuận làm kinh tế riêng thì có thỏa đáng không với nguyên tắc “ai mượn nấy trả”? Trong điều kiện làm ăn thua lỗ mà trách nhiệm của ông Huế với gia đình hạn chế (vì ông ly thân), nếu bà Miến không mượn nợ để xoay xở thì cuộc sống gia đình sao có thể bảo đảm, việc học hành của các con sao khỏi dang dở?

Bà Miến và con trai mong tòa án cấp phúc thẩm - TAND Đồng Nai xác minh kỹ càng, thu thập đầy đủ chứng cứ, lời khai của đương sự và các nhân chứng để có phán quyết xác đáng, thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên.

 TÔ DIỆU HIỀN

“Trong hoàn cảnh khó khăn, mẹ tôi vẫn cố gồng gánh, vừa mượn nợ để gầy lại đàn heo, vừa làm nhiều việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo cho hai con học phổ thông rồi lên đại học. Việc tòa án đùn hết trách nhiệm trả nợ cho mẹ tôi không chỉ bất công với mẹ mà còn làm tăng khoảng trống của người cha trong lòng chúng tôi”
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI