Đào tạo nhân lực ngành du lịch trong mùa dịch ra sao?

07/12/2021 - 06:17

PNO - Trong bối cảnh các tỉnh miền Trung chuẩn bị khôi phục hoạt động trong tình hình mới đã đặt ra nhiều thách thức về đào tạo nghề du lịch, bởi lẽ nguồn nhân lực này gần như “đóng băng” trong suốt hai năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Là hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Nguyễn Duy Kính đã nghỉ việc, tìm công việc khác để mưu sinh trong gần hai năm qua. Anh cho biết đa phần lao động trong ngành du lịch chuyển sang chạy taxi, xe ôm, môi giới bất động sản... Khi ngành du lịch hoạt động trở lại thì nhiều người đã thích nghi với nghề mới và họ chưa sẵn sàng quay lại công việc.

Đào tạo nhân lực du lịch đa ngành nghề

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Alba Spa Hotel Huế, cho hay điều lo lắng của các khách sạn hiện nay là thiếu nhân lực: “Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, gần đây khi Thừa Thiên - Huế cho phép mở cửa thì các dòng khách từ vùng xanh đã đến. Hiện chúng tôi có thể vận dụng nguồn nhân lực trong hệ thống, từ các khách sạn ở trung tâm thành phố hoặc resort ở H.Phong Điền. Dù vậy, trong tương lai vẫn phải huy động người trở lại hoặc tuyển dụng mới để khôi phục nguồn nhân lực”.

Trường cao đẳng Du lịch Huế đang triển khai dạy học với những modul ngắn giúp học viên có thể bắt tay vào việc trong thời gian ngắn - ẢNH: THUẬN HÓA
Trường cao đẳng Du lịch Huế đang triển khai dạy học với những modul ngắn giúp học viên có thể bắt tay vào việc trong thời gian ngắn - Ảnh: Thuận Hóa

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp liên quan đến lĩnh vực này. Năm 2020, lực lượng này giảm một nửa và đến nay chỉ còn khoảng 3.000 người, nhưng không thường xuyên. Nếu trước đây, mỗi người chỉ làm một việc như lễ tân, pha chế, phục vụ nhà hàng… giờ đây để duy trì nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch ở thời kỳ bình thường mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiết kiệm lao động. Vì vậy, một người lao động phải làm nhiều vị trí khác nhau, vào những thời gian khác nhau. 

Tại Trường cao đẳng Du lịch Huế, (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trước đây chỉ đào tạo sinh viên chuyên một ngành nghề, lĩnh vực nay việc đào tạo cũng phải thay đổi thích ứng với tình hình mới. Trường hiện có 1.800 sinh viên đang theo học. Riêng năm 2021 chỉ tuyển được 300 sinh viên, chiếm tỷ lệ hơn 40% so với chỉ tiêu nhưng nhà trường vẫn phải triển khai các phương pháp đào tạo mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Cụ thể, trường đã xây dựng những modul đào tạo rất ngắn để thích ứng với việc một người đang làm nghề này có thể chuyển sang vị trí khác. Một người học đủ những modul theo từng công việc đã đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, gắn chương trình đào tạo với các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề ASEAN để sau này người lao động khi đã có chứng nhận sẽ biết được nên chọn công việc gì, và làm ở vị trí nào. Thời gian đào tạo ngắn chỉ từ 1 - 3 tháng với những modul cụ thể. Đối với những người trước đây hoạt động trong lĩnh vực du lịch được hưởng ưu tiên theo Nghị định 68 của Chính phủ sẽ được trường hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề miễn phí để thích ứng với công việc mới từ ngân sách nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, chia sẻ hiện nay nhà trường cũng đã chuẩn bị kỹ giáo án, giáo trình ngắn hạn từ 20 ngày đến 30 ngày sẵn sàng tiếp nhận những công dân về từ TPHCM không muốn làm nghề cũ, muốn được đào tạo để tìm việc từ những ngành thuộc dịch vụ du lịch như: phụ bếp, nhân viên pha chế ở mức độ nhỏ, nhân viên kho… Kết thúc chương trình ngắn hạn này sẽ được cấp bằng sơ cấp bậc 1. Nếu tiếp tục học thêm sẽ được cấp bằng sơ cấp bậc 2. Chương trình sẽ rất hiệu quả, thu hút nhiều lao động và giải quyết tốt nguồn nhân lực tại chỗ, tức thời. 

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch

Thời gian qua, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức giảng dạy e-learning bao gồm học online và offline. Theo một giảng viên của trường, đối với quá trình dạy theo hình thức e-learning, lộ trình và xu thế bắt buộc đòi hỏi tính kế hoạch, tính dự báo các yếu tố, điều kiện thật chặt chẽ. Do đó, các đơn vị liên quan trong trường phải có kế hoạch cụ thể về cơ chế chính sách, tài chính và nội dung chi tiết. Thực tế, việc thay đổi không phải trong “ngày một ngày hai”, yếu tố dạy thực hành cần thêm những ứng dụng tốt hơn.

Đặc biệt, để đáp ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên trong tình hình mới, Trường cao đẳng Du lịch Huế mới đây đã phối hợp với một số trường đào tạo nghề du lịch trong cả nước tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch”.

Đây là sự chủ động cần thiết, nhằm tìm ra phương pháp phù hợp để giải quyết những khúc mắc mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đang gặp phải. Chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi phương pháp dạy và học, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì phải chuyển dần và chuyển ngay đào tạo trực tiếp sang đào tạo kết hợp. Chuyển đổi số cũng phải chuyển đổi trong quản trị mỗi cơ sở đào tạo nghề và những hành lang pháp lý kèm theo.

Thị hiếu của du khách trong bối cảnh dịch COVID-19 thay đổi, kéo theo sự xuất hiện các công việc mới, như nhân viên marketing du lịch ảo, hướng dẫn viên du lịch công nghệ, nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến... Do đó, chuyển đổi số để thay đổi hình thức đào tạo nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay; giải quyết bài toán nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt thích ứng với tình hình dịch bệnh. 

Thạc sĩ Vũ Hoài Phương chia sẻ, khác với một số lĩnh vực, đào tạo nghề du lịch đòi hỏi tính “bắt tay chỉ việc” rất cao. Yếu tố thực hành kỹ năng chiếm đến 70 - 80% thành công của chương trình đào tạo. Việc sinh viên không thể đến trường, không được thực hành gây khó khăn đối với cơ sở đào tạo. “Dù nhà trường đã sử dụng nhiều phương pháp, trong đó quay video các bài giảng, thực hành của giảng viên để sinh viên học trực tuyến, nhưng hiệu quả khó được như trước”, thạc sĩ Vũ Hoài Phương trải lòng. 

Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là cơ hội để ngành du lịch khôi phục các hoạt động, tuy nhiên cần có nguồn nhân lực đủ mạnh. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương tạo điều kiện tiêm vắc xin cho gần 7.000 lao động trực tiếp và gián tiếp để chuẩn bị cho việc phục hồi hoạt động ngành du lịch. “Chúng tôi chuẩn bị kế hoạch bồi dưỡng, củng cố lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Cụ thể năm 2021, tuy ít hoạt động du lịch nhưng Sở Du lịch vẫn tổ chức một số chương trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho hướng dẫn viên, cả trực tiếp lẫn online. Chương trình cũng cung cấp kiến thức, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với hoàn cảnh mới, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị cho việc phục hồi hoạt động sau này”, ông nói.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI