Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Bao lâu cũng đợi để làm phim nghệ thuật

24/01/2015 - 09:00

PNO - PN - Khi cái tên Đinh Thái Thụy được chọn cho giải Cánh diều bạc phim ngắn năm 2007 với tác phẩm "Bờ bên kia", nhiều người trong giới đã nói Thụy sẽ còn tiến xa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Quả vậy, một năm sau, Đinh Thái Thụy tiếp tục đoạt giải Cánh diều bạc phim truyện video với Con đường sáng, rồi Hồn thiêng xứ núi - giải nhất Liên hoan phim văn hóa - thể thao quốc tế năm 2008. Từ đó tên tuổi anh gắn với hàng loạt dự án phim lớn về đề tài lịch sử: Long thành cầm giả ca (vai trò phó ĐD), Về đất Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh trên biển (ĐD) và mới đây nhất là phim truyện nhựa Mỹ nhân. Bộ phim Dấu chân du mục do anh viết kịch bản và ĐD cũng vừa được trao giải vàng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 34.

ĐD Đinh Thái Thụy chỉ đạo trên trường quay phim truyện nhựa Mỹ nhân

10 năm ấp ủ Dấu chân du mục

* Một thời gian rất lâu anh “bặt vô âm tín”, giờ trở lại với Dấu chân du mục - giải vàng phim truyện tại Liên hoan phim truyền hình lần thứ 34 vừa qua và phim truyện Mỹ nhân. Anh đã “náu mình” chờ cuộc đổ bộ chăng?

- Tôi đã rút lui khỏi phim trường suốt hai năm sau khi bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển phát sóng. Tôi gần như bị trầm cảm và không làm phim suốt hai năm đó. Dự án này không phải tôi liều mà nhận, tôi tự tin sẽ làm được khi đã có sự hỗ trợ cố vấn về lịch sử, công tác cháy nổ, tác chiến ngoài hiện trường, phương tiện… Nhưng sau đó, vì nhiều lý do, tôi gần như hoàn toàn phải tự bơi trong thời gian quá gấp gáp.

Cảnh chiến đấu trên không tôi chỉ quay được vài giờ, được bao nhiêu thì được, cứ thế rải ra suốt 40 tập phim. Cảnh chiến đấu trên biển cũng vậy, chỉ có thể quay trong vòng hai ngày, không giải quyết được gì cả. Tôi cần thời gian để nhìn lại mình và tôi nghĩ phải quay về làm điều gần gũi nhất mà bản thân hiểu rõ và ấp ủ. Đó là kịch bản Dấu chân du mục tôi đã từng bỏ quên ròng rã mấy năm…

* Điều gần gũi sao không phải là quê hương anh - Đăk Lăk mà lại là Ninh Thuận và sa mạc cát?

- Câu chuyện về không gian của đại ngàn Tây Nguyên và con người vùng đất này tôi đã viết, nhưng vì nhiều lý do chưa thể thực hiện được. Còn đề tài Dấu chân du mục tôi đã ấp ủ từ năm 2003, từ khi còn là sinh viên khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Trong một lần cùng người bạn về Ninh Thuận viết bài điều tra, tôi đã khám phá được rất nhiều ngõ ngách, những nơi hoang sơ rất đẹp và ngưỡng mộ cuộc sống có phần hoang dã nhưng bình yên của người dân nơi này.

Đến năm 2008 tôi viết đề cương, thử đi chào hàng nhưng đơn vị nào xem cũng lắc đầu vì “khó đầu tư”. Tôi bỏ quên đó, lao theo các dự án của Hãng phim Giải Phóng. Mãi đến khi nhìn lại thất bại của mình, tôi mới trở về chăm chút cho Dấu chân du mục, kiên nhẫn tìm nhà sản xuất.

* Rất nhiều ĐD làm phim truyền hình là để kiếm tiền, anh lại chọn lối đi khác biệt và… vất vả. Có khi nào anh thấy mình bị hụt hơi?

- Tôi không nghĩ mình đang cố gắng đi ngược mọi người đâu. Nhưng nói thật, khi quay một bộ phim giữa bối cảnh mát mẻ, trong nhà ngoài phố ăn sang mặc đẹp với sa mạc nắng gió, tôi lại thích cái thứ hai hơn để được trải nghiệm và sống hết mình với bộ phim. Như cái thời làm phim tốt nghiệp Bờ bên kia, kinh phí chỉ có ba mươi mấy triệu, làm trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề nhưng đó mới thực sự là được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc nghệ thuật.

Ai mà không muốn tự do sáng tạo, nhưng cũng không thể mãi ôm giấc mộng đó nếu chẳng ai đầu tư cho. Tôi hiểu, những đề tài kiểu Dấu chân du mục chẳng dễ tìm quảng cáo, nhưng tôi luôn tin rồi sẽ có những duyên may nghệ thuật gặp nhau.

Dao dien Dinh Thai Thuy: Bao lau cung doi de lam phim nghe thuat

ĐD Đinh Thái Thụy: “Tôi thích làm phim khó, khổ để được trải nghiệm”

Không từ bỏ phim nghệ thuật

* Nhận dự án phim truyện lịch sử Mỹ nhân, anh còn sợ sẽ thất bại?

- Sau này tôi xác định rất rõ, trước khi nhận dự án phải biết mình sẽ được ai cố vấn, có đủ yêu nghề, đủ nhiệt huyết để gắn bó trọn vẹn với dự án hay không. Tôi đọc kịch bản phim Mỹ nhân của chú Văn Lê từ hai năm trước, đã từng ước ngày nào đó có thể làm ĐD bộ phim này. Điều khó khăn nhất tôi phải đối mặt chính là bối cảnh. Không thể dùng kinh thành Huế làm bối cảnh cho thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Thời ấy chủ yếu là kiến trúc gỗ, tôi đã tìm gặp nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học để được tư vấn.

Mất rất nhiều thời gian để đi từ Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên rồi trở vào các tỉnh phía Nam để tìm cho được bối cảnh phù hợp. Trang phục cũng là vấn đề nan giải. Kho trang phục lưu trữ tại bảo tàng Huế bây giờ thuộc về các triều vua sau này. Làm phim lịch sử phải cẩn trọng từng chút một, nếu không sẽ bị lên án ngay.

* Anh nghĩ sẽ xoáy sâu vào yếu tố nào để hấp dẫn khán giả mà không đi theo vết mòn thất bại của nhiều phim sử Việt?

- Kịch bản của chú Văn Lê ăm ắp tư liệu sử, nếu quay hết có khi vượt quá thời lượng cho phép của phim. Tôi hoàn toàn yên tâm về những dữ liệu chính sử lẫn những hư cấu hợp lý mà chú đưa vào kịch bản. Nhưng, tôi sẽ khắc họa sâu vào hình ảnh mỹ nhân-đế vương. Đế vương cũng là người, khi trở về với bản năng của một người đàn ông vẫn có những khát khao riêng về hạnh phúc với người phụ nữ của mình. Nhưng họ luôn phải gồng gánh cả giang sơn, trách nhiệm với một triều đại nên lúc nào cũng phải sống vì nghĩa cả. Tình yêu cá nhân có lúc trở thành một bi kịch. Tôi sẽ xoáy sâu vào bi kịch đó.

* Thực tế phim nhà nước luôn khó đến với số đông khán giả. Dù phim nào cũng là những dự án lớn và có giá trị, vả lại Đinh Thái Thụy chưa thể là cái tên có thể gọi là “ăn khách”. Hẳn là anh chạnh lòng…?

- Cách làm phim tư nhân và nhà nước khác biệt rất rõ rồi. Nhà làm phim tư nhân nếu không nhìn thấy khả năng mang lại doanh thu thì sẽ không để ĐD có cơ hội làm đâu. Nhưng trồng cây nào thì sẽ cho quả đó. Đôi khi cũng đừng quá cứng nhắc rằng phim là phải tầm vóc này đỉnh cao kia, tốt nhất là biết cân bằng giữa doanh thu và nghệ thuật.

Tôi cũng có những dự án ấp ủ sẽ hướng đến phòng vé, thể loại hành động hài-tình cảm. Tôi vẫn còn một số đề tài phim nghệ thuật, làm cho những ước vọng của bản thân mình. Có thể sẽ còn phải chờ rất lâu nhưng cũng không vì thế mà từ bỏ. Tôi nghĩ mình sẽ làm được nhưng cần đúng thời điểm.

* Xin cảm ơn anh!

Bỏ học, đi tìm…Đài Truyền hình Việt Nam

Năm 17 tuổi, bỗng một ngày chán núi, Đinh Thái Thụy bỏ học, trốn nhà lên xe đò đi một mạch từ Đăk Lăk ra Hà Nội. Tay cầm kịch bản viết tay đến thẳng Đài Truyền hình Việt Nam và… ngồi đó suốt hơn hai giờ đồng hồ. “Lúc nhỏ sống giữa đại ngàn, tôi cứ nghĩ cuộc đời đó đã là tự do lắm. Nhưng càng lớn lên, càng cảm nhận bức bối, những lối mòn quen thuộc khi thanh niên cứ làm rẫy, lấy vợ rồi… làm rẫy. Tôi muốn tự do, muốn làm được nhiều thứ hơn thế” - Đinh Thái Thụy chia sẻ.

Cái ngày anh ngồi bơ vơ trước Đài Truyền hình Việt Nam, có bác xe ôm già đã đến hỏi thăm, nói một câu mà anh nhớ đến bây giờ: “Nếu con muốn đá bóng, con không thể ôm bóng ra sân và chỉ nói rằng con biết đá. Phải để người khác thấy năng lực thật sự của con. Con đường nào cũng vậy, muốn thành công thì phải học”. Vậy là anh “quay đầu”, học không bỏ sót cơ hội nào, thậm chí trong lúc chờ thi tuyển khoa Đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (nay là Đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - PV), anh cũng “thi thử” ngành Ngữ văn - báo chí. “Lỡ” đậu thì học luôn để… có kinh nghiệm.

TIỂU QUYÊN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI